Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ở Hà Tĩnh: Làm đến đâu, chắc đến đó!

Đó là khẳng định của đồng chí Lê Đình Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua.

Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ở Hà Tĩnh: Làm đến đâu, chắc đến đó!

Đồng chí Lê Đình Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Khánh Lan)

- Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết, việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết Trung ương (TW) 6, khóa XII ở Hà Tĩnh đang được thực hiện như thế nào?

Đồng chí Lê Đình Sơn: Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế để đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời căn cứ vào thực tiễn của địa phương, trước khi có Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động triển khai nội dung công tác này với cách làm chắc chắn, bài bản.

Cụ thể, xuất phát từ quy mô thôn xóm của Hà Tĩnh nhỏ, số lượng lớn (theo thống kê năm 2012, toàn tỉnh có 2.780 thôn) làm cho việc huy động nội lực tham gia các công việc của thôn khó khăn. Thêm nữa, trong tổ chức bộ máy của các cơ quan có nhiều điểm tương đồng về chức năng, nhiệm vụ, đơn cử như các cơ sở giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp (trước đây thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo) hoặc các trạm bảo vệ thực vật, trạm thú y, trung tâm giống chăn nuôi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát nông thôn…

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”. Quán triệt sâu sắc lời dạy của Người, xuất phát từ thực tiễn, trên cơ sở chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Đề án và trình HĐND tỉnh về nội dung sắp xếp tổ chức bộ máy.

Ngày 26/11/2011, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết 26/2011/NQ-HĐND phê duyệt đề án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, ban quản lý dự án và tổ chức hội. Nghị quyết đã được triển khai từ năm 2012.

Sau 5 năm thực hiện đã đạt được những kết quả nhất định, giảm được trên 700 thôn và trên 24 ngàn cán bộ bán chuyên trách và người hoạt động khác ở thôn; chuyển các đơn vị dịch vụ nông nghiệp từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho cấp huyện quản lý; nhập 3 cơ sở đào tạo thành 1 cơ sở trực thuộc huyện; đồng thời thống nhất các trạm y tế trực thuộc quản lý của huyện.

Về phía tỉnh, đã tiến hành sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, chuyển sang tự chủ và tự chủ một phần; nội bộ các phòng, ban của sở cũng tiến hành sắp xếp, sáp nhập, giảm đầu mối.Chính vì vậy, so với Nghị quyết TW6, tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện được một số nội dung tương tự.

Tất nhiên, phải nói rõ thêm trước đây Hà Tĩnh chưa thực hiện được tất cả các nội dung như Nghị quyết TW6. Tuy vậy, với những kinh nghiệm bước đầu khi thực hiện sắp xếp thôn, xóm, các đơn vị sự nghiệp thì Hà Tĩnh có đầy đủ cơ sở thực tiễn để triển khai. Do đó, khi các Nghị quyết 18,19,20 Hội nghị TW 6 ban hành, Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ, thực hiện nghiêm túc và có những thuận lợi.

Có thể thấy, đến nay, Nghị quyết Trung ương 6 đã, đang và tiếp tục đi vào cuộc sống. Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục sáp nhập 54 thôn. Hiện tổng số đơn vị cấp thôn của tỉnh còn 2007 thôn. HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết về số lượng cán bộ, công chức cấp xã, trong đó quy định giảm số lượng 1 người so với Nghị định 34/2019/NĐ-CP. Số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã chỉ còn 8 người, trong khi đó xã loại 1 theo quy định của Nghị định 34-NĐ-CP là 14 người. Riêng đối với những nơi khó khăn, do không bố trí được người kiêm nhiệm các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thì bố trí tối đa không quá 09 người.

Từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII đến nay đã giảm 981/3.486 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, chiếm tỷ lệ 26,3%, bình quân hiện còn 9,5 người hoạt động không chuyên trách/xã. Với đơn vị thôn, tổ dân phố, cán bộ bán chuyên trách cũng giảm từ 3 người xuống còn 2 người, các nhiệm vụ khác ở thôn thì không quy định số lượng người mà chỉ hỗ trợ kinh phí cho thôn, tổ dân phố khi có nhu cầu công việc.

Một minh chứng sinh động nhất với địa bàn Hà Tĩnh là hiện nay ở huyện Đức Thọ đã áp dụng mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND huyện và các cơ quan có chức năng tương đồng đã được tiến hành sát nhập, như: Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra, Ban Tổ chức với Nội vụ, Văn phòng phục vụ chung.

Không chỉ ở huyện Đức Thọ mà các huyện khác cũng tiến hành hợp nhất trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị ở tất cả các huyện, thành phố, thị xã; có mô hình trưởng ban tuyên giáo kiêm trưởng ban dân vận; trưởng ban dân vận gắn với chủ tịch ủy ban mặt trận Tổ quốc ở những nơi có đủ điều kiện.

Cách làm trên đã và đang được triển khai tùy vào điều kiện cụ thể của từng huyện và khẳng định đây là việc làm đúng, có hiệu quả thiết thực trong thời gian vừa qua. Từ kết quả đó, tỉnh đang tiếp tục cân nhắc để nhân rộng trên địa bàn của các huyện.

Đối với tỉnh, đã sáp nhập hai đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy là Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh thành Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh; chuyển Đảng bộ Trường Đại học, Đảng bộ Tổng Công ty Khoáng sản - Thương mại Hà Tĩnh trực thuộc Tỉnh ủy về Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh.

Như vậy đã giảm được 03 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy từ 20 đầu mối còn 17 đầu mối; triển khai Văn phòng cấp ủy phục vụ chung các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Tỉnh ủy; thí điểm hợp nhất Văn phòng Quốc hội, HĐND, UBND; các sở, ban, ngành, các đoàn thể chủ động tiến hành tinh giảm, sắp xếp bên trong nội bộ từng tổ chức, bình quân 1 sở giảm từ 1 đến 2 phòng.

Đến thời điểm này, tổng biên chế khối cơ quan nhà nước đã giảm 2.092 người (148 biên chế công chức hành chính, tỷ lệ 5,72%; giảm 1.387 biên chế viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập, tỷ lệ 4,79% và 557 biên chế cán bộ, công chức cấp xã, tỷ lệ 9,6%).

Tổng biên chế giao cho khối cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Hà Tĩnh là 1.508 người; cuối năm 2018 hiện có 1.195 người, giảm 313 biên chế, tỷ lệ 20,75%. Như vậy, Hà Tĩnh về cơ bản đã đạt tỷ lệ tinh giản biên chế và có những đơn vị đã vượt chỉ tiêu.

Khi thực hiện tinh giản biên chế, số lượng cán bộ ít nhưng chất lượng hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hơn. Có thể khẳng định, quá trình triển khai của Hà Tĩnh từ tỉnh đến huyện, xã đã được thực hiện đồng bộ và có kết quả.

- PV: Bên cạnh những kết quả tích cực như đã đề cập ở trên, thưa đồng chí, việc sắp xếp tổ chức bộ máy ở cấp xã đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì?

Đồng chí Lê Đình Sơn: Như đã thông tin, Hà Tĩnh có 262 xã, phường, thị trấn; dân số thứ 25, diện tích thứ 23 của cả nước, nhưng có số đơn vị hành chính cấp xã nhiều so với cả nước. Từ thực trạng đó, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhận thấy quy mô đơn vị hành chính cấp xã nhỏ đã hạn chế không gian phát triển. Vì vậy, khi có chủ trương Nghị quyết TW 6, Hà Tĩnh đã chủ động rà soát và đặc biệt khi có Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện thì Hà Tĩnh thấy rằng đây là điều kiện, cơ hội và là một chủ trương đúng đắn cần triển khai kịp thời.

Ngay sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức triển khai, tuyên truyền, học tập, quán triệt rất kỹ; đồng thời tổ chức rà soát số xã không đủ điều kiện theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Khi thực hiện rà soát các đơn vị hành chính cấp xã Hà Tĩnh có đến 63 xã không đạt 50% cả hai tiêu chí là dân số và diện tích. Ngoài ra, nhiều xã khác liên quan có nhu cầu sáp nhập. Với tinh thần chủ động, quyết liệt, sau khi rà soát, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất, UBND tỉnh đã chỉ đạo chung và giao trách nhiệm cho cấp huyện tập trung thực hiện.

Đến trung tuần tháng 6/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành được Phương án tổng thể về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Trong 262 xã, phường, thị trấn thì có 80 xã phải sắp xếp. Trong 80 xã tiến hành sáp nhập hình thành 34 xã mới, trong đó có 12 xã mới được nhập từ 3 xã, 44 xã nhập thành 22 xã, như vậy giảm được 46 xã.

Mặc dù khi triển khai khối lượng công việc phải làm rất lớn, nhưng HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết. Đây là một nội dung rất nặng nề nhưng cần phải làm khẩn trương. Làm được như vậy thì về lâu dài sẽ tạo được không gian phát triển với quy mô rộng lớn hơn, không bị ràng buộc về mặt địa giới hành chính.

Mặc dù sắp xếp các cơ sở vật chất trước mắt sẽ khó khăn nhưng về sau sẽ phù hợp. Cũng phải thấy rằng, ở cấp xã đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã là 2.321 người, sẽ giảm 1.165 người và bộ máy còn 1.156 người. Đây thực sự là một thử thách với tỉnh.

Tuy nhiên, được sự đồng thuận của nhân dân, tỉnh đã xây dựng quy định để lựa chọn, bố trí sắp xếp và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư khi thực hiện sắp xếp xã.

- PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn về các giải pháp của tỉnh đối với những địa phương dôi dư cán bộ sau khi sắp xếp xã?

Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ở Hà Tĩnh: Làm đến đâu, chắc đến đó!

Người dân thôn Kim Thọ (xã Hương Quang) ghi thông tin vào phiếu lấy ý kiến nhân dân về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã ở huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Đồng chí Lê Đình Sơn: Bác Hồ đã từng nói “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Sắp xếp, bố trí cán bộ luôn là vấn đề khó nhất. Chính vì vậy, đồng thời với việc triển khai các nội dung khác để sắp xếp xã, tỉnh đã chủ động xây dựng quy định về nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, quy trình lựa chọn, bố trí sắp xếp và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư khi thực hiện sắp xếp xã với nhiều phương án để thực hiện có hiệu quả hơn, đảm bảo theo quy định, nhưng phải tạo điều kiện để cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện thuận lợi.

Đầu tháng 9/2019, sẽ tổ chức quán triệt, hướng dẫn đến tận xã để triển khai thực hiện. Mục tiêu là chọn được cán bộ đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn, nổi trội trong đội ngũ cán bộ hiện có, bố trí hợp lý, trước đại hội đảng cấp cơ sở thì bộ khung cán bộ được hình thành, bộ máy xã mới vận hành ổn định. Nguyên tắc chung là:

Về sắp xếp, bố trí cán bộ: Thống nhất thực hiện cơ bản bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân xã; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã ở những nơi có điều kiện.

Về cấp phó: Đối với 12 xã mới được hình thành từ 36 xã và sáp nhập với thị trấn: Trước mắt bố trí: chức danh phó bí thư đảng ủy không quá 02 người (trong đó có 01 phó bí thư thường trực đảng ủy, trừ một số trường hợp đặc biệt có thể bố trí 3 phó bí thư); phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã không quá 3 người; phó chủ tịch hội đồng nhân dân xã bố trí 1 người; cấp phó mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể bố trí không quá 3 người.

Đối với 22 xã được hình thành từ việc sắp xếp 02 xã: Trước mắt bố trí 02 cán bộ cấp phó ở các chức danh: phó bí thư đảng ủy, phó chủ tịch ủy ban nhân dân. Chức danh phó chủ tịch hội đồng nhân dân bố trí 1 người; cấp phó mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể bố trí không quá 2 người.

Để đảm bảo tính hài hòa, cân đối trong lựa chọn, sắp xếp cán bộ, không cơ cấu, bố trí các chức danh ở xã mới từ nguồn cán bộ tại một xã cũ (Ví dụ: nếu 3 xã nhập lại thì sẽ tính toán, sắp xếp theo hướng bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân của xã 1, chủ tịch ủy ban nhân dân của xã 2 và phó bí thư thường trực đảng ủy của xã 3, trừ trường hợp nhân sự của một trong các xã không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện; nếu là 2 xã nhập lại thì sắp xếp theo hướng bí thư đảng ủy đồng thời chủ tịch hội đồng nhân dân của xã 1, chủ tịch ủy ban nhân dân của xã 2; đối với trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội cũng sắp xếp tương tự).

Về số lượng cán bộ, công chức cấp xã thực hiện giảm 1 người so với Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24/4/2019 của Chính phủ. Cụ thể: Xã loại 1: tối đa 22 người; xã loại 2: tối đa 20 người; xã loại 3: tối đa 18 người. Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã sáp nhập: Khi sắp xếp sẽ bố trí như Nghị định 34, theo đó: xã loại 1: 14 người; xã loại 2: 12 người; xã loại 3: 10 người. Đến năm 2021, cơ bản số cán bộ, công chức, cán bộ bán chuyên trách sẽ được bố trí theo quy định, trừ một số trường hợp kéo dài.

Về quy trình thực hiện bố trí cán bộ: Thống nhất Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định thành lập đảng bộ mới, chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, các phó bí thư. Vận dụng Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19/12/2017, Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị và các quy định hiện hành, dự kiến thực hiện các bước quy trình như sau:

Bước 1: Rà soát, đánh giá, xây dựng phương án: Giao ban tổ chức cấp ủy cấp huyện phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện. Tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt cấp xã mở rộng đối với những xã thuộc diện sắp xếp (xã cũ) để lấy phiếu tín nhiệm đối với cấp ủy, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, bí thư, phó bí thư đảng ủy (thực hiện theo Quy định số 1072-QĐ/TU ngày 08/12/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến cơ sở).

Tổ chức lấy phiếu đánh giá, nhận xét cán bộ của nhân dân thôn, tổ dân phố nơi cán bộ sinh sống (vận dụng thực hiện theo Quy định số 827-QĐi/TU, ngày 17/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy).

Tổng hợp kết quả lấy phiếu của từng chức danh cụ thể, tiến hành đánh giá, phân loại cấp ủy, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, bí thư, phó bí thư đảng ủy trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên và địa phương nơi cán bộ, đảng viên công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay và kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Tổ chức gặp gỡ, trao đổi với ban thường vụ, ban chấp hành đảng bộ các xã thuộc diện sắp xếp (xã cũ), trên cơ sở đó tham mưu xây dựng phương án thành lập đảng bộ mới, phương án nhân sự của đơn vị hành chính cấp xã mới (số lượng, cơ cấu, nhân sự cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, bí thư, phó bí thư đảng ủy, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy và các chức danh cán bộ chủ chốt khác), phương án chuyển giao tổ chức đảng, đảng viên…

Bước 2: Báo cáo trình thường trực cấp ủy cấp huyện: Ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện trình thường trực cấp ủy cấp huyện cho chủ trương về các nội dung: kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, phương án thành lập đảng bộ mới, phương án nhân sự, phương án chuyển giao tổ chức đảng, đảng viên…trước khi trình Hội nghị ban thường vụ cấp ủy cấp huyện.

Bước 3: Tổ chức Hội nghị ban thường vụ cấp ủy cấp huyện để thảo luận, thống nhất các nội dung nêu tại bước 2.

Bước 4: Tổ chức hội nghị cấp xã: Ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện chủ trì phối hợp với Đoàn Công tác của ban thường vụ cấp ủy cấp huyện tổ chức Hội nghị ban chấp hành đảng bộ các xã thuộc diện sáp nhập (xã cũ) để thông báo các phương án đã được ban thường vụ huyện ủy thông qua và lấy phiếu tín nhiệm giới thiệu nhân sự của các chức danh, thu phiếu, kiểm phiếu (kết quả kiểm phiếu không công bố tại hội nghị này).

Tổ chức hội nghị ban thường vụ cấp ủy các xã thuộc diện sáp nhập (xã cũ) để thực hiện các nội dung như đối với hội nghị ban chấp hành đảng bộ xã nêu trên.

Bước 5: Hội nghị ban thường vụ cấp ủy cấp huyện (lần 2) để xem xét, quyết định. Trên cơ sở kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, kết quả phiếu tín nhiệm của các hội nghị cấp xã, căn cứ tình hình cụ thể, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện thảo luận, quyết định thành lập đảng bộ mới; chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy; giới thiệu nhân sự để bầu ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra và các chức danh chủ chốt khác theo thẩm quyền; quyết định chuyển giao tổ chức đảng, đảng viên từ đảng bộ cũ về đảng bộ mới.

Về giải quyết các chế độ, chính sách cho cán bộ sau xắp xếp: Về phương pháp bố trí cán bộ dôi dư và cấp trưởng dôi dư khi làm cấp phó: Cho hưởng nguyên lương, phụ cấp và bảo lưu phụ cấp chức vụ đối với cán bộ, công chức từ cấp trưởng xuống cấp phó từ khi sắp xếp đến đại hội Đảng. Trường hợp cán bộ, công chức của các xã sắp xếp đủ tiêu chuẩn, điều kiện, sẽ chuyển sang xã khác nếu còn thiếu cán bộ nhưng không thuộc diện sắp xếp.

Công chức cấp xã dôi dư có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bố trí công việc khác thì thực hiện thông tuyến, liên thông cán bộ bằng cách tuyển dụng không qua thi tuyển theo Nghị định số 161 của Chính phủ cho các quan cấp tỉnh, cấp huyện (nếu đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, phù hợp với vị trí việc làm). Thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết TW6 khóa XII tại Hà Tĩnh cho thấy, cốt lõi khó nhất hiện nay vẫn là sắp xếp cán bộ chủ chốt, mặc dầu vậy, Hà Tĩnh đã có lời giải cho bài toán này. Tin rằng, làm tốt công tác tuyên truyền và bản thân cán bộ chủ động, nhận thức rõ trách nhiệm vì lợi ích chung, nêu gương thì nhất định sẽ thực hiện được và sẽ hiệu quả hơn.

- PV: Đồng chí đánh giá thế nào về quyết tâm chính trị của tỉnh khi thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết TW 6?

Đồng chí Lê Đình Sơn: Nghị quyết của Đảng thì nguyên tắc đầu tiên là phải nghiêm túc chấp hành. Nhưng để Nghị quyết đi vào cuộc sống cần phải tập trung tuyên truyền, vận động, học tập, quán triệt và tạo sự đồng thuận trong Đảng bộ, trong nhân dân. Khi nào đạt được đến mức độ đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân thì chúng ta làm.

Với quan điểm đổi mới sáng tạo, làm đến đâu chắc chắn đến đó, tư tưởng thông suốt, quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt và phải có sản phẩm cụ thể, tỉnh Hà Tĩnh nêu cao tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung, đồng thời không nóng vội mà phải “làm đến đâu chắc đến đó”.

Thực tiễn quá trình triển khai của Hà Tĩnh vừa qua đã chứng minh rõ nét điều đó. Nơi nào chưa chín muồi thì tiếp tục tuyên truyền, vận động; đã quyết liệt rồi thì quyết liệt hơn, đã tập trung cao thì tập trung cao hơn.

Tất nhiên, cũng phải quán triệt tinh thần khẩn trương thực hiện và thực hiện có hiệu quả, bởi vì mục đích bao trùm, quan trọng nhất là sắp xếp nhưng sao cho có hiệu lực, hiệu quả, có lợi cho Đảng, cho nước, cho dân, tiết kiệm được chi phí hành chính, tăng đầu tư phát triển.

Hiện nay, chúng tôi chưa thống kê chi tiết nhưng chắc chắn qua việc sắp xếp này, sẽ tiết kiệm một số lượng tiền lớn để phục vụ đầu tư phát triển. Có thể nói, đây là việc làm cần thiết nhưng phải được sự đồng thuận, ủng hộ và phải kiên trì thực hiện.

Quyết tâm của chúng tôi là từng bước làm chắc, đặc biệt là trong bối cảnh sắp diễn ra đại hội Đảng, nhiều khả năng sẽ phát sinh khiếu nại, tố cáo, gây bất ổn, do đó, cấp ủy và toàn hệ thống chính trị của Hà Tĩnh từ tỉnh đến cơ sở sẽ tập trung làm tốt, làm kỹ, chuẩn bị cho Đại hội các cấp thành công, hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

- PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo Khánh Lan/dangcongsan.vn

Chủ đề Sáp nhập xã ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trao giải Búa Liềm vàng cấp tỉnh lần thứ XII – năm 2024.
Hương Sơn tinh gọn được 13 tổ chức cơ sở đảng

Hương Sơn tinh gọn được 13 tổ chức cơ sở đảng

Từ năm 2017 đến nay, Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã rà soát, sắp xếp lại các tổ chức cơ sở đảng, bố trí cán bộ kiêm nhiệm phù hợp với năng lực của từng người nên tạo được sự đồng thuận cao.
Hà Tĩnh chú trọng việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân

Hà Tĩnh chú trọng việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân

Thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh, thời gian qua, các cấp ở Hà Tĩnh đã thường xuyên quan tâm công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân.
60 năm giữ trọn lời thề sắt son với Đảng

60 năm giữ trọn lời thề sắt son với Đảng

60 năm qua, vợ chồng đảng viên lão thành Nguyễn Hồng Tiến và Nguyễn Thị Nhung ở phường Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh - Hà Tĩnh) luôn một lòng sắt son với Đảng, gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương.