Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện sẽ đến cấp tỉnh?

Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã yêu cầu tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện sẽ đến cấp tỉnh?

Việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ tiếp tục tập trung vào các xã, huyện chưa đạt tiêu chuẩn. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp đã kết thúc giai đoạn 1 (từ 2019-2021) với việc giảm đi 8 huyện và 561 xã. Trong giai đoạn tiếp theo, lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính các cấp được thực hiện như thế nào sẽ được Bộ Nội vụ nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội quyết định.

Sắp xếp hơn 18.800 cán bộ dôi dư

Trong ba năm từ 2019-2021, các đơn vị liên quan đã trình 48 nghị quyết về việc sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị cấp xã tại 45 tỉnh thành. Qua đó, đến nay cả nước đã giảm được 8 huyện và 561 xã. Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính đã khiến các địa phương dôi dư hơn 18.800 cán bộ.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ các địa phương đã tích cực tham mưu giải quyết số lượng người dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Đến nay, cấp huyện dôi dư sau sắp xếp là 706 người, đã giải quyết được 361 người, đạt 51,1%, còn 345 người tiếp tục sắp xếp, giải quyết đến năm 2025.

Cấp xã dôi dư sau sắp xếp là 9.705 người, đã giải quyết được 6.657 người, đạt 68,6%, còn 3.048 người tiếp tục sắp xếp, giải quyết đến năm 2025. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp là 8.448 người, đã giải quyết được 7.956 người đạt 94,2%, còn 492 người.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, việc sắp xếp này cũng giúp giảm gần 450 cơ quan tổ chức hành chính cấp huyện với 12% biên chế công chức; giảm 3.437 cơ quan tổ chức ở cấp xã với 32,6% biên chế công chức. Đặc biệt, việc sắp xếp giúp giảm chi ngân sách Nhà nước trên 2.000 tỷ đồng.

Kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách như chủ trương của Đảng đã đề ra mà còn mở rộng không gian phát triển, tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương để phát triển bền vững.

Nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh?

Trao đổi tại họp báo định kỳ của Bộ Nội vụ ngày 26/12 về lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian tới, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết trong giai đoạn tiếp theo Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tập trung vào sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện theo tiêu chuẩn. Đối với vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ chỉ nghiên cứu thí điểm trong thời gian tới.

Theo ông Phan Trung Tuấn, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập đến việc tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, trong đó có việc nghiên cứu sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cũng đã đề cập đến vấn đề này. Mới đây nhất, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cụ thể thêm một bước nội dung văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trong đó có nội dung nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện sẽ đến cấp tỉnh?

Cán bộ xã Tân Long (sáp nhập từ 2 xã Tân Lập và Long Thành), thuộc huyện Thủ Thừa, hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

“Nội dung này đã có chủ trương của Đảng. Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cho chủ trương, trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp trong giai đoạn 2023-2030. Trên cơ sở Nghị quyết này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành kế hoạch cụ thể kèm lộ trình chi tiết về sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn tới,” ông Phan Trung Tuấn thông tin.

Ông Phan Trung Tuấn cho biết thêm dư kiến lộ trình sắp xếp đơn bị hành chính đề xuất chia thành hai giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030. Sở dĩ Bộ Nội vụ đề xuất nghiên cứu thực hiện trong hai giai đoạn này vì liên quan đến bầu cử đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

“Bộ Nội vụ cũng đề xuất trong giai đoạn 2023-2025 tập trung vào tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định,” ông Phạm Trung Tuấn cho hay.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính và mới đây đã ban hành Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của 1211/2016/UBTVQH13. Nghị quyết đã nêu rõ các quy định điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể, đối với số lượng các đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn cấp huyện, cấp xã sẽ tiếp tục nghiên cứu lộ trình sắp xếp trong giai đoạn tới.

Trong giai đoạn vừa qua, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đạt kết quả tích cực nhưng bên cạnh đó giải quyết các vấn đề liên quan cũng là vấn đề lớn, không chỉ các đơn vị hành chính phải sắp xếp bộ máy, tổ chức nhân sự mà còn ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Do đó, đối với việc nghiên cứu sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, ông Phạm Trung Tuấn cho biết Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng để báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương thực hiện vào thời điểm thích hợp.

“Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ tác động rất nhiều mặt, cả về tâm tư, tình cảm của đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn một tỉnh, tác động nhiều chiều nên phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng và đánh giá tác động trên nhiều mặt trước khi đề xuất cấp có thẩm quyền cho chủ trương thực hiện thí điểm vào thời điểm thích hợp,” ông Phạm Trung Tuấn nói.

Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, Nghị quyết 27 của Trung ương nêu rõ là việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trong thời gian tới là nghiên cứu thí điểm và sẽ phải có đề án nghiên cứu rất kỹ lưỡng, phù hợp với quy hoạch đơn vị hành chính các cấp, quy hoạch đô thị, nông thôn và phải có đủ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn.

“Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phải báo cáo Bộ Chính trị, Hội nghị Trung ương, Quốc hội và thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định. Hiện Bộ Nội vụ chưa có đề xuất cụ thể sắp xếp tỉnh nào với tỉnh nào mà phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng, trình cấp có thẩm quyền,” Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho hay./.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Giai đoạn 2020-2025, tập trung thực hiện định hướng phát triển Khu kinh tế Vũng Áng theo hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Nam của tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, với các cơ chế, chính sách rộng mở, tạo đòn bẩy để khu kinh tế trọng điểm mạnh mẽ vươn mình đón thời cơ mới.
Tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Tổ chức bộ máy tại các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ và Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục được sắp xếp với mục tiêu tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.