Phân cấp sức mạnh của bóng đá Đông Nam Á một lần nữa được thể hiện rõ ràng sau lượt trận mở màn AFF Cup 2020. Nửa trên là những ông lớn như Thái Lan, Việt Nam, Malaysia... Nửa dưới là Lào, Campuchia, Timor Leste. Cuộc đối đầu được dự đoán cân bằng nhất lượt mở màn từng được dự đoán là Singapore - Myanmar. Nhưng cuối cùng, đó lại trở thành trận đấu chênh lệch nhất.
Đội tuyển từng 4 lần vô địch khu vực đã buộc Đông Nam Á phải đánh giá lại về họ.
Singapore khiến Đông Nam Á phải đánh giá lại về họ khi thắng Myanmar 3-0. Ảnh: The Straits Times.
Con đường riêng của tuyển Singapore
So với Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Singpore đã chạm trán đối thủ mạnh nhất. Nhưng họ cũng là đội thắng ấn tượng nhất.
3 bàn của Singapore được ghi trong 13 phút. Họ tung 17 cú sút về phía khung thành đối thủ, trong đó có 9 cú sút trúng đích, một tỷ lệ mẫu mực. Thông số phạt góc, sút phạt của Singapore đều áp đảo. Và thật thú vị khi họ làm những điều đó chỉ với tỷ lệ kiểm soát bóng 46,1%. Myanmar cầm bóng nhiều hơn, nhưng Singapore mới là đội tạo ra nhiều nguy hiểm hơn.
Người Singapore không cần chuyền bóng quá nhiều để đạt được điều mình muốn. Singapore có 261 đường chuyền, kém xa Việt Nam (615). Nhưng các thông số quan trọng liên quan trực tiếp tới khả năng đe dọa khung thành của họ đều ấn tượng.
Tỷ lệ sút trúng đích của Singapore là 64% so với 35,4% của Việt Nam, tỷ lệ tạt bóng thành công 33%, gấp đôi Việt Nam. Họ cầm bóng ít, nhưng đá phạt góc nhiều nhất ngày khai màn (10 lần), bằng chứng cho chất lượng lên bóng ở biên, buộc đối thủ phải phá bóng và từ đó có cơ hội đá phạt.
90 phút với Myanmar có thể hé lộ hình ảnh của đội tuyển phòng ngự phản công hay nhất tại AFF Cup 2020. Khi xu hướng kiểm soát lên ngôi với các đại diện tiêu biểu là Thái Lan, Việt Nam, Singapore vẫn trung thành với cách đá phòng ngự phản công, ưu tiên chuyền dài. Đó cũng là thứ bóng đá đã làm nên thành công của họ trong quá khứ.
Nhưng khi đó, Singapore gây ấn tượng với dàn cầu thủ nhập tịch. Lần này, họ làm điều đó với những cầu thủ nội.
Ba anh em nhà Fandi trưởng thành từ Học viện Bóng đá Quốc gia Singapore. Ảnh: The Straits Times.
Tuyển Singapore được dựng nên từ đào tạo trẻ
"Khi tôi được tung vào sân, khi tôi lắng nghe tiếng hò reo từ các cổ động viên, đó là lúc tôi nhận ra điều này thật đặc biệt, trận đấu này khác đấy. Và đó thực sự là một trận cầu lớn”, đó là chia sẻ của Song Ui-young, cầu thủ gốc Hàn Quốc mới nhập tịch Singapore hồi tháng 8. Anh là nhân chứng hiếm hoi của chính sách nhập tịch lừng danh mà bóng đá đảo quốc sư tử từng triển khai trong quá khứ.
20 trong 28 cầu thủ Singapore đã được đào tạo trực tiếp tại Học viện Bóng đá Quốc gia. Đây là tổ chức được thành lập năm 2000 do Liên đoàn Bóng đá Singapore (FAS) trực tiếp quản lý. Tổ chức tập hợp những HLV đào tạo trẻ hay nhất Singapore, đào tạo theo chương trình thống nhất với giáo án chung.
Những cậu bé này sau đó gia nhập CLB Young Lions cũng do FAS quản lý. Đây thực chất là đội trẻ Singapore, được tạo điều kiện để thi đấu ở giải vô địch quốc gia. Cách làm đó giúp những đứa trẻ được chơi bóng từ sớm với đàn anh, do đó tiến bộ nhanh hơn. Singapore là quốc gia duy nhất làm được điều đó và đã làm thành công tại Đông Nam Á. Diện tích quốc gia nhỏ và quy mô giải vô địch quốc nội không lớn mang tới những điều kiện đặc thù, giúp họ làm được điều này.
Bởi vậy, các đội tuyển Singapore luôn có lối chơi đồng nhất.
Bên cạnh Học viện Bóng đá Quốc gia, thành công ban đầu của tuyển Singapore cũng có dấu ấn từ Lion City Sailors, CLB đóng góp 15 người cho đội tuyển. Đội bóng số một Singapore được huấn luyện bởi Kim Do-hoon lừng danh, người đã giúp Ulsan Hyundai vô địch châu Á mùa 2021. Lion City Sailors cũng sở hữu lò đào tạo lừng danh, được thừa nhận ở cấp châu Á với ngôi sao từ Liên đoàn Bóng đá châu Á. Ông Kim cũng là HLV từng được đồn đoán sẽ dẫn dắt CLB Hà Nội.
Với 2 bệ đỡ ấy, bóng đá Singapore thực ra đã ghi lại dấu ấn từ vài năm qua. Ở vòng loại World Cup 2022, Singapore rơi vào bảng D “tử thần”, nơi có cả Saudi Arabia, Uzbekistan, Palestine và Yemen. Nhưng họ vẫn giành 7 điểm sau 5 trận đầu, có những thắng lợi trước Palestine và Yemen.
Từ những chiến thắng đó, tỷ số 3-0 trước Myanmar bắt đầu trở nên dễ hiểu hơn.
Đội hình Singapore ở AFF Cup có 6 cầu thủ U23, được dẫn dắt bởi HLV Nhật Bản Tatsuma Yoshida. The Straits Times miêu tả đội bóng này đang có thể “đưa bóng đá Singapore tiến vào kỷ nguyên mới”.
Cuộc đối đầu giữa Singapore và Philippines chiều nay cũng thú vị. Đội bóng đến từ đảo quốc sư tử sẽ gặp đội bóng đang phản chiếu lại hình ảnh của chính họ trong quá khứ. Philippines vẫn như 3 năm trước, vẫn là đội bóng của những anh chàng Phi kiều. Thủ môn gốc Đức Bernd Schipmann, hậu vệ gốc Nhật Daisuke Sato, hậu vệ gốc Thụy Sĩ Martin Steuble và đương nhiên không thể quên đội trưởng Stephan Schrock, người sinh tại Tây Đức, từng chơi cho Eintracht Frankfurt, là những trụ cột của Philippines.
Đánh bại Philippines, Singapore sẽ cho các đội ở Đông Nam Á thấy họ sẵn sàng trở lại với đỉnh cao.