Theo quan niệm của nhiều người, vào mùa Vu lan (Rằm tháng 7 âm lịch), các gia đình thường tổ chức cúng, cầu siêu cho người thân quá cố bằng mâm cỗ chay nên nhu cầu về đồ chay tăng đột biến so với những tháng trước đó (chỉ cúng, ăn chay vào ngày rằm, mồng một). Nếu như trước đây, việc tìm mua đồ ăn chay khá khó khăn, chỉ có một số ít cửa hàng bày bán thì hiện nay, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng nên các quầy tạp hóa, siêu thị lớn, siêu thị mini hay các quầy thực phẩm ở chợ dân sinh… đều có.
Từ những ngày đầu tháng 7 âm lịch, mặt hàng thực phẩm chay chế biến sẵn cũng như đóng gói đã rục rịch chuyển động về số lượng.
Thị trường đồ chay rất phong phú, với đủ các loại nem, giò, chả, thịt, cá, tôm chay… để khách hàng lựa chọn, giá bán dao động từ vài chục ngàn đến cả mấy trăm ngàn đồng/kg (tùy loại). Các loại đồ uống chay cũng khá đa dạng như: Rượu không cồn, bia chay không cồn, bia hoa quả, các loại sữa hạt…
Mặc dù đa dạng hơn, nhưng năm nay, giá cả mặt hàng thực phẩm chay không có biến động nhiều so với mọi năm, có chăng chỉ tăng nhẹ ở một số thực phẩm nhập khẩu, hoặc nguyên liệu cần chế biến cầu kỳ. Để có một mâm cỗ chay tươm tất, khách hàng cần chi từ 200.000 đến hơn 600.000 đồng. Ngoài ra, cửa hàng bán và nhận làm cỗ chay với mức giá trung bình từ 15.000 - 50.000 đồng/món, tuỳ vào yêu cầu của khách hàng.
Giá thành cho một mâm cỗ chay trung bình từ 200.000- 800.000 đồng
Chị Nguyễn Thị Hằng (khối phố 6, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) cho biết: "Gia đình tôi rất thích món ăn chay. Bình thường một tháng nhà tôi cũng ăn chay 4-5 bữa vì tốt cho sức khỏe. Từ đầu tháng này, chúng tôi cũng ăn nhiều đồ chay hơn vì cũng muốn tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Ngoài những mặt hàng mua sẵn, tôi cũng học làm một số món chay từ rau củ quả các loại".
Nắm bắt được nhu cầu thực phẩm chay tăng mạnh trong mùa Vu lan, các cửa hàng, quán ăn kinh doanh những mặt hàng này đã chủ động nhập hàng, bổ sung thêm sản phẩm mới để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Theo chị Nguyễn Thị Thúy (chủ hàng Cơm chay Nhân Duyên), ngoài thực phẩm thì các loại gia vị để nấu một mâm chay cũng đa dạng không kém, từ bột mì, bột gạo, hạt đậu xanh, hương liệu… đến đồ dùng trang trí.
So với các tháng trong năm, đây là thời điểm chị Thúy phải liên tục tăng ca để có thể kịp chế biến các món ăn theo đơn đặt hàng
Các món mặn có gì thì món chay có tương tự, chỉ khác nguyên liệu chế biến. Để khách hàng được thưởng thức những món chay ngon nhất, đảm bảo từ chất lượng thực phẩm đến hương vị, các cửa hàng rất chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, từ khâu nguyên liệu đến cách chế biến, bảo quản. Mặc dù dịp rằm tháng 7 giá cả đều tăng nhưng cửa hàng của chị Thúy vẫn giữ nguyên giá như ngày thường.
"Từ đầu tháng 7 đã có rất nhiều gia đình, dòng họ liên hệ để đặt cỗ chay cúng rằm, cầu siêu. Trong các mâm cỗ chay thì các loại rau củ quả chiếm 85%, còn lại là bột. Bên cạnh đó, cỗ chay sẽ tùy thuộc vào mùa rau củ như mùa hè thì chúng tôi sẽ sử dụng củ sen, hạt sen, nấm, quả sake... còn mùa đông thì có nấm bào ngư, hạt đậu ngự, các loại khoai môn cao...", chị Thúy cho biết.
Ngoài ra, các quán ăn "online" cũng nhanh chóng cập nhật xu hướng bán các món ăn truyền thống như bánh trôi, chè ngũ vị... để bày biện trong các mâm cúng rằm tháng 7.
Cúng chay, ăn chay là nét đẹp văn hóa mang giá trị tâm linh. Ăn chay, theo quan điểm nhà Phật, còn gieo mầm lành cho sức khỏe, giúp cơ thể tránh nhiều độc tố từ việc ăn mặn và phòng ngừa bệnh tật. Bên cạnh những món ăn, quán ăn chay truyền thống, các mặt hàng đồ ăn chay nấu sẵn còn được bày bán ở các chợ và cả trên mạng xã hội. Đây là loại hình kinh doanh mới, “ăn theo” mùa Vu lan. Thực đơn khá đa dạng, người bán thay đổi theo ngày, quan trọng là giao hàng tận nơi nên khách hàng rất ưa chuộng.
Thực phẩm chay ngày càng đa dạng, tiện ích cũng sẽ đi kèm với sự mập mờ về chất lượng, nguồn gốc nên khách hàng cần quan tâm, chú ý lựa chọn trước khi sử dụng, nhất là vào những dịp đông khách như mùa Vu lan.