Nguồn nước đập dâng Ngàn Trươi ô nhiễm bất thường từ ngày 16/5/2019. Ghi nhận tại cống xả của đập dâng ngày 26/7/2019, nước vẫn có màu đỏ đục, bốc mùi hôi thối
Vào các ngày 13 và 14/5/2019, trên địa bàn huyện Vũ Quang có mưa lớn; đến ngày 16/5/2019, nước tại đập dâng chuyển màu đỏ đục bất thường, chứa nhiều váng, có mùi hôi thối.
Đáng nói, tại đập dâng có Nhà máy nước Vũ Quang sử dụng nguồn nước phục vụ nước sinh hoạt, ăn uống cho hàng trăm hộ gia đình và tất cả các cơ quan hành chính sự nghiệp đóng trên địa bàn thị trấn Vũ Quang.
Ông Nguyễn Đức Hoành, một người dân thị trấn Vũ Quang chia sẻ: Nước Ngàn Trươi đột ngột ô nhiễm, hôi thối khó chịu khiến chúng tôi rất lo lắng. Vấn đề này cần sớm được xử lý thì người dân mới "ăn ngon ngủ yên".
Qua xác định trên bản đồ địa hình cho thấy: Nước đập dâng bắt nguồn từ hai nguồn chính là từ hồ Ngàn Trươi (công trình đầu mối) của dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang và nước từ Khe Trươi bắt nguồn từ xã Hương Điền, Sơn Thọ (Vũ Quang) đổ vào hòa chung tại vị trí tổ dân phố 1, thị trấn Vũ Quang. Nguồn nước từ Khe Trươi cũng có màu đỏ đục nhưng nhạt hơn màu nước ở đập dâng.
Bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy nguồn nước đang ô nhiễm nặng.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó phòng TN&MT huyện Vũ Quang thông tin, sau khi nhận được phản ánh từ người dân về hiện tượng ô nhiễm, UBND huyện đã lấy mẫu nước gửi đi quan trắc và kiểm tra tình trạng xả thải các nguồn nước.
Qua kiểm tra cho thấy, dọc hai bên Khe Trươi có nhiều hộ dân sinh sống và 1 trang trại lợn quy mô khoảng 1.000 con của ông Mai Xuân Hạnh (thôn 6, xã Sơn Thọ) thải gián tiếp ra vị trí cách Khe Trươi khoảng 3 km (địa điểm trang trại cách đập dâng khoảng 10 km). Kết quả quan trắc định kỳ của trang trại có các thông số đánh giá chất lượng nước thải ra môi trường tiếp nhận đều nằm trong giới hạn cho phép.
Nguồn thải thứ hai xả thải xuống Khe Trươi là nước thải của Nhà máy sản xuất gỗ Thanh Thành Đạt tại cụm Công nghiệp Vũ Quang ở xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang. Hiện nay, nhà máy đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm.
Nước từ hồ Ngàn Trươi có nguồn thải nước sinh hoạt của 172 hộ gia đình (thuộc thị trấn Vũ Quang), gần khu vực đập dâng có 1 trang trại chăn nuôi lợn của ông Dương Đình Công tại tổ dân phố 5, thị trấn Vũ Quang (trang trại này đã bị UBND huyện đình chỉ hoạt động cách đây 1 năm).
Ngoài ra, đập dâng còn tiếp nhận nguồn nước thải của Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Quang, nước thải của bệnh viện này được xử lý qua hệ thống công nghệ Nhật Bản AAO kết hợp MBR quan trắc chất lượng nước thải định kỳ theo quy định (có các thông số nằm trong giới hạn cho phép) và đã được Sở NN&PTNT cấp giấy phép xả nước thải.
Tương tự, nguồn nước đổ về cống Vũ Quang (công trình đấu mối) ô nhiễm khiến người dân sống xung quanh lo lắng.
Theo báo cáo của Sở TN&MT về hiện tượng ô nhiễm tại đập dâng Ngàn Trươi thì chất lượng nước hồ Ngàn Trươi và đập dâng đang có diễn biến phức tạp (các lần lấy mẫu, kiểm tra khác nhau cho kết quả khác nhau), cả nước ở tầng mặt và tầng đáy. Việc xác định nguyên nhân gây ra ô nhiễm nước đập dâng thời gian qua rất khó khăn, khu vực đập dâng có nhiều nguồn thải đổ vào.
Trước tình hình trên, đầu tháng 7/2019, UBND tỉnh đã có văn bản số 1797/STNMT – CCMT yêu cầu Sở TN&MT phối hợp với huyện Vũ Quang và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện kiểm tra, đánh giá chất lượng, diễn biến nguồn nước hồ Ngàn Trươi và đập dâng Ngàn Trươi, làm rõ nguyên nhân nguồn nước bị ô nhiễm và có biện pháp xử lý triệt để, đảm bảo chất lượng nguồn nước và môi trường trong khu vực; kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Dự án Hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (đầu mối hồ Ngàn Trươi, đập dâng Vũ Quang và hệ thống kênh), việc xả thải của các dự án có liên quan trong khu vực, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.
Kết quả quan trắc ngày 28/5/2019 (do Công ty TNHH Một thành viên Kỹ Thuật Tài nguyên và Môi trường Nghệ An thực hiện), tại vị trí hồ chứa nước Ngàn Trươi (ở tầng đáy), thông số NO2 - (tính theo N) vượt 60 lần giá trị giới hạn cho phép theo QCVN 08-2015/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, dùng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi. |