Sơn Lễ: Hết hè vẫn... "khát"!

(Baohatinh.vn) - 11 thôn với 1.578 hộ thì Sơn Lễ (Hương Sơn - Hà Tĩnh) đã có tới 6 thôn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Tình trạng khan hiếm nguồn nước sinh hoạt triền miên trong những mùa nắng nóng đang làm cho đời sống của người dân nơi đây hết sức khó khăn.

Sơn Lễ: Hết hè vẫn... "khát"! ảnh 1
Hồ Khe Cò hiện đang ở mực nước “chết”

Một thau nước, 3 lượt dùng!

“Sau khi vo gạo xong thì đến lượt rửa rau, cuối cùng dùng cho trâu bò uống”, bà Hà Thị Xin ở thôn Thọ Lộc nói về cách sử dụng tiết kiệm nước của gia đình trong những ngày hè vừa qua.

Sơn Lễ: Hết hè vẫn... "khát"! ảnh 2
Người dân phải dùng mọi biện pháp để tích trữ nước

Nước giếng không có để bơm lên sinh hoạt, ông Trần Viết Thanh và bà Phạm Thị Huệ dù đã 80 tuổi nhưng hàng ngày vẫn phải đi hàng trăm mét đến những gia đình có giếng khoan trong xóm để xách những xô nước về nấu ăn.

Biết sự vất vả của ông bà, con cháu ở xa đã gửi tiền về để ông bà khoan giếng, nhưng khoan hết mũi này đến mũi khác nước cũng "chẳng chịu" lên. Đến nay, nước sinh hoạt vẫn chưa có nhưng mảnh vườn nhỏ của gia đình này đã nham nhở những mũi khoan sâu hoắm.

Sơn Lễ: Hết hè vẫn... "khát"! ảnh 3
Sơn Lễ: Hết hè vẫn... "khát"! ảnh 4
Ít thì gánh, nhiều phải huy động xe trâu để "kéo" nước về

Nói về tình trạng khan hiếm nguồn nước, chị Nguyễn Thị Lộng ngao ngán: “Làm gì thì làm nhưng việc đầu tiên trong ngày của mẹ con chúng tôi là đánh xe bò đi đến những gia đình có giếng khoan có nước để xin. Giếng thì ít người xin nước lại đông nên có khi mẹ con chúng tôi phải đánh xe đi lòng vòng cả tiếng trong xã mới lấy được. Nước xin được chỉ dùng để ăn chứ không dám tắm”.

Người dân xa các hồ đập “khát” đã đành nhưng người gần các hồ đập thủy lợi cũng không hơn gì. “Trước đây, hồ đập không cạn thì đang còn chỗ để tắm và giặt giũ, nay các đập cũng cạn trơ đáy nên việc tắm giặt là rất khó khăn. Là nhà ở gần đập Khe Cò nhưng dù thiếu nước chúng tôi cũng chẳng dám lên đó để tắm vì nước ở đập quá cạn và bẩn”, anh Phan Tất Đạt chia sẻ.

Nam Sơn, Tây Sơn, Sơn Thủy, Thọ Lộc, Tuệ Sơn… là những thôn hiện phải chịu cảnh thiếu nước trầm trọng nhất.

Sơn Lễ: Hết hè vẫn... "khát"! ảnh 5
Sơn Lễ: Hết hè vẫn... "khát"! ảnh 6
Giếng đào cạn khô, giếng khoan khoan mãi cũng không thấy nước

Theo thống kê của xã, ở thôn Tuệ Sơn có 51 hộ dân với 6 giếng khoan nhưng chỉ có 3 giếng là có nước để sử dụng. Thôn Thọ Lộc có 5 giếng khoan nhưng có tới 170 hộ dùng. Đó là giếng khoan, còn giếng đào thì gần như 100% hộ đã bị cạn.

Là gia đình mới khoan được giếng có nước, ông Lê Xuân Trường, thôn Thọ Lộc chia sẻ: “Sau 4 mũi khoan, gia đình tôi mới hết cảnh thiếu nước sinh hoạt. Có được cái giếng này ngoài việc cung cấp đủ nước cho gia đình tôi, những người dân xung quanh cũng đỡ phải đi xin nước ở các xóm khác”.

“Từ ngày ông Trường khoan được giếng sáng nào nhà ông ấy cũng đông như trẩy hội”, một người dân cho biết.

Dân khát, ruộng đồng càng “khát”!

Vụ hè thu năm nay, toàn xã Sơn Lễ gieo cấy 115 ha nhưng đến nay số diện tích này đang thiếu nước trầm trọng. Theo cán bộ xã này, nếu thời tiết dịu hơn và mưa xuống thì may ra năng suất cũng chỉ đạt 50-60%.

Sơn Lễ: Hết hè vẫn... "khát"! ảnh 7
Lúa không lên được vì thiếu nước

Do nắng hạn và thiếu nước nên các thôn Khe Cò, Nam Sơn và Sơn Thủy đành chịu cảnh “trắng” diện tích. Chứng kiến cảnh cả toàn bộ diện tích lúa gieo ở cánh đồng Nẫy đang khô héo từng ngày vì thiếu nước, người dân nơi đây chỉ biết ngậm ngùi nhìn bất lực.

“Nếu trời không cho mưa xuống thì số diện tích lúa gieo này xem như mất trắng. Nguồn nước tưới cho cánh đồng này không biết lấy ở đâu khi đập xả nước cho vùng lúa này cũng đã cạn trơ đáy”, ông Lê Xuân Huệ cho biết.

Không chỉ lúa chết vì thiếu nước, những hàng cây được trồng cạnh mương nước cũng đang chết dần chết mòn. Sơn Lễ vốn là xã có khá nhiều diện tích vốn trước đây được dùng để trồng đậu, vừng thì nay cũng bạc phếch vì nắng hạn.

Nói về tình trạng thiếu nước ở địa phương, ông Nguyễn Quang Nam - Phó chủ tịch UBND xã Sơn Lễ cho biết: “Thiếu nước sinh hoạt thì xã chỉ biết vận động người dân tương trợ lẫn nhau. Những nhà có giếng khoan có nước chia sẻ với những gia đình không có nước. Còn nước để phục vụ tưới tiêu thì bất lực hoàn toàn. Tất cả hộ đập trên xã đều đang ở mực nước chết. Giờ muốn có nước để sản xuất thì chỉ trông chờ trời mưa”.

Cũng theo ông Nam, một số xóm đã đào giếng ở ngoài đồng để lấy nước sinh hoạt nhưng không hiệu quả.

Nước sạch chưa đủ để dùng trong ăn uống chứ chưa nói gì đến phục vụ những sinh hoạt khác và sản xuất nên người dân xã này đang sống trong cảnh rất khó khăn.

Chủ đề Hạn hán - Thiên tai

Đọc thêm

Người Việt ăn uống ngọt đến mức nào

Người Việt ăn uống ngọt đến mức nào

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, việc đánh thuế đồ uống có đường có thể sẽ là chiến lược mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ trông đợi vào giải pháp này.
Thế hệ không được làm ông bà

Thế hệ không được làm ông bà

Lối sống không sinh con của nhiều người Mỹ đang thay đổi xã hội theo nhiều cách khác nhau, trong đó có trải nghiệm về tuổi già.
Tan hoang sau bão Yagi

Tan hoang sau bão Yagi

Mái tôn bay, cần cẩu gãy, cây đổ ngổn ngang... trên đường ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội khi bão Yagi đổ bộ.
Chấp nhận sự thật của con cái

Chấp nhận sự thật của con cái

Đối với sự thật tiêu cực, đòi hỏi con người phải có khả năng/kỹ năng chấp nhận. Đây chính là một loại khả năng/kỹ năng mang tính tự vệ cao.
[Motion Graphics] Hướng dẫn các kỹ năng an toàn mùa bão

[Motion Graphics] Hướng dẫn các kỹ năng an toàn mùa bão

Cùng với việc tuân thủ các chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền các cấp, người dân cần lưu ý một số kỹ năng an toàn trong mùa bão nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra.
Dự báo thời tiết Hà Tĩnh hôm nay 6/9

Dự báo thời tiết Hà Tĩnh hôm nay 6/9

Hôm nay (6/9), dự báo thời tiết các khu vực tại Hà Tĩnh mây thay đổi, ngày và đêm có mưa rào và dông rải rác; nhiệt độ dao động trong khoảng 26-35 độ C.