Tác phẩm Chú bé đeo ba lô màu đỏ của nhà văn Nguyễn Đình Tú. |
Câu chuyện bắt đầu là một thế giới tuổi thơ trong veo, hồn nhiên, ấm áp của những tâm hồn thánh thiện. Đơn giản, đó là thế giới của trẻ thơ, mà trẻ thơ luôn là những gì vô tư, thánh thiện. Đó là các nhân vật Điều, Thế, Cường, Hường, Hưng đang ở độ tuổi học sinh tiểu học hiếu động, nghịch ngợm, tò mò, ưa khám phá… Đó là vùng đất trung du phì nhiêu cây cối, màu mỡ đất đai, là không gian mênh mông của một lâm trường có tên Núi Sam thuộc thị trấn Thạch Biên có phần heo hút… với nhiều bí hiểm đối với trẻ thơ.
Theo chân bọn trẻ, bạn đọc cũng thỏa mãn phần nào sự hiếu kỳ: một dấu vết thành cổ xa xưa trên đồi Sơn Nhân, một góc chùa đổ hoang vắng, một hệ thống hầm ngầm còn sót lại thời kháng chiến bí mật… Rồi chuyện “người rừng” hoang đường mà có thật với chi tiết li kỳ về chiếc bẫy bắt thú, về những cái nỏ, mũi tên… Câu chuyện cứ như một cuốn phim quay chậm, hết cảnh này đến cảnh khác, đơn giản mà hấp dẫn, huyền thoại mà có thật cứ lôi kéo, mời gọi bạn đọc.
Nhưng hạt nhân những câu chuyện khám phá của lũ trẻ là chuyện đi tìm bí mật của nhân vật chính, cậu bé Hưng: Mẹ của Hưng là ai, ở đâu, làm gì, có yêu thương Hưng như bao bà mẹ khác…??? Cuộc tìm kiếm công phu và đích đáng nhất vẫn là khám phá và tìm kiếm tình người, hơn nữa là tình ruột thịt thiêng liêng và vĩnh cửu. Bởi vì, xét đến cùng, cái còn lại, cái giá trị nhất, đáng trân trọng nhất trên thế gian này là tình người. Logic tất yếu ấy sẽ là điểm tựa vững chãi nhất để Hưng quyết tâm đi tìm Mẹ.
Một thành công của cuốn sách này chính là ở sự nhập thân vào nhân vật, trao gửi điểm nhìn miêu tả, phân tích cho nhân vật, do vậy những chi tiết hiện lên theo quan điểm nhân vật, lạ lẫm, ngỡ ngàng, non tơ và tươi nguyên. Ví như từ một đứa bé miền trung du quen với cây cối núi rừng trên thảo nguyên nay được sống ở miền mênh mang sóng nước của biển khơi cùng nắng và gió cát, tất nhiên sẽ có sự cảm nhận riêng và hồn nhiên nhất về vùng đất mới. Điều đó sẽ đem đến cái nhìn khác lạ đến ngỡ ngàng.
Mỗi bi kịch là một nút thắt của câu chuyện. Mỗi sự giải quyết bất ngờ (có khi còn ngẫu nhiên) là một sự cởi nút tình huống. Hết tình huống này đến tình huống khác. Để rồi khép lại bằng sự đạt được mục đích của Hưng: Tìm ra sự thật! Sự thật ấy thế nào, bạn đọc sẽ rút ra cho riêng mình một cảm nhận: Hưng thật đáng quý trọng và đáng học tập về ý chí khát vọng, về cách biết vượt qua hoàn cảnh bi kịch.
Cuốn sách khép lại về câu chữ nhưng mở ra về ý nghĩa: thì ra bài học làm người là phải luôn sống bằng niềm tin và khát vọng. Giá trị cuộc đời là ở sự tìm kiếm không mệt mỏi. Chỉ có trong tìm kiếm con người ta mới đích thực là mình.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú chia sẻ về nguồn cảm hứng để anh viết tác phẩm mới: “Những đứa trẻ lên mười có khả năng hấp dẫn bạn đọc ghê gớm. Những đứa trẻ lên mười cũng có khả năng trình ra trước bạn đọc cả một thế giới nội tâm đa dạng và phức tạp của mình. Những đứa trẻ lên mười cũng đã có thể có những hành động làm thay đổi cuộc đời mình hoặc những người xung quanh. Những đứa trẻ lên mười vốn bí ẩn, thú vị và luôn mang lại bất ngờ cho cuộc sống quanh chúng. Những đứa trẻ lên mười cũng là một phần của chính tôi. Và thế là tôi nghĩ đến một câu chuyện… Câu chuyện về những đứa trẻ lên mười. Đó chính là Chú bé đeo ba lô màu đỏ.”