Sức mua sụt giảm, thị trường dịp tết kém sôi động

(Baohatinh.vn) - Dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thị trường Hà Tĩnh cơ bản ổn định. Nguồn cung hàng hóa dồi dào song sức mua có phần sụt giảm, thị trường kém sôi động hơn những mùa tết trước.

Sức mua sụt giảm, thị trường dịp tết kém sôi động

Thị trường tết Nguyên đán cơ bản ổn định, mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh, hoa quả tươi giá tăng từ 10-30% những ngày áp tết.

Theo đánh giá của Sở Công thương, nguồn hàng phục vụ tết Nguyên đán 2024 tương đối bình ổn, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bắt đầu từ tháng trước tết, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã chủ động dự trữ nguồn hàng hóa để cung cấp ra thị trường. Các ngành chức năng đã thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, giá cả thị trường và đảm bảo an toàn thực phẩm dịp tết; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng hóa, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm về hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc...

Trong những ngày giáp tết (từ khoảng 20 tháng Chạp trở đi), sức mua bắt đầu tăng mạnh so với thời điểm trước đó. Các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, bánh kẹo, nước giải khát, sản phẩm trang trí ngày tết phong phú, đa dạng mẫu mã, không có hiện tượng găm hàng, sốt giá. Những ngày sát tết (27 – 30 tết), giá các mặt hàng hoa quả tươi, thịt, cá, hải sản, rau củ biến động tăng khoảng 10 - 30%.

Sức mua sụt giảm, thị trường dịp tết kém sôi động

Sức mua hàng hóa tại các siêu thị tăng mạnh vào những ngày áp tết.

Tuy nhiên, theo nhận định của các tiểu thương, năm nay tình hình kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu hơn, cùng với đó là nhu cầu mua sắm, tiêu dùng dịp tết cũng đã bão hòa, người dân không còn mua sắm tích trữ nhiều nên sức mua hàng hóa sụt giảm, thị trường không nhộn nhịp, sôi động như các dịp tết trước.

Đặc biệt, mặt hàng hoa, cây cảnh năm nay giá cả khá rẻ so với những năm trước nhưng sức tiêu thụ chậm. Đến ngày 29, 30 tết, thời tiết mưa rét nên lượng khách càng giảm, nhiều tiểu thương rơi vào cảnh ế ẩm.

“Hơn 8 năm bán đào tết, chưa năm nào mà khó khăn như năm nay. Tôi nhập về 500 gốc đào phai để bán nhưng chiều tối 30 tết vẫn còn hơn 70 gốc. Trời mưa rét mà chúng tôi như “ngồi trên đống lửa” - anh Nguyễn Văn Trung (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) bày tỏ.

Sức mua sụt giảm, thị trường dịp tết kém sôi động

Các ngành chức năng tăng cường kiểm soát thị trường những ngày cận tết.

Theo ghi nhận, để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, hầu hết các chợ truyền thống, cửa hàng kinh doanh, tiểu thương mở bán đến ngày 30 tết. Sau ngày nghỉ mùng 1 tết, nhiều tiểu thương đã bán hàng trở lại vào sáng mùng 2.

Từ ngày mùng 4, số lượng quầy, cửa hàng mở cửa hoạt động trở lại nhiều hơn để phục vụ nhu cầu của người dân. Anh Trần Đình Chung – phụ trách marketing siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh cho biết: “Những ngày trước tết, lượng khách đến siêu thị mua hàng tăng mạnh, chúng tôi đã bổ sung nguồn hàng, nhân lực để đảm bảo hoạt động mua sắm cho người dân. Siêu thị đóng cửa nghỉ tết từ trưa 30 tết và mở bán trở lại từ ngày 4 tết. Trong đó, ngày mồng 4 và mồng 5 mở bán nửa ngày buổi sáng, từ ngày mồng 6 trở đi sẽ hoạt động bình thường trở lại”.

Theo ghi nhận, các mặt hàng được chọn mua nhiều đầu năm mới chủ yếu là thực phẩm tươi sống, rau xanh, hoa quả, cau trầu, đồ lễ đi chùa đầu năm, tranh mừng thọ... Ngoài ra, ngày mùng 5 tết trùng với ngày lễ Valentine, do đó các cửa hàng hoa, quà tặng cũng hoạt động khá nhộn nhịp trong những ngày đầu năm mới.

Sức mua sụt giảm, thị trường dịp tết kém sôi động

Tiểu thương bắt đầu bán hàng trở lại từ ngày mùng 2 tết.

Tình hình cung - cầu hàng hóa và giá cả thị trường cơ bản ổn định, không có biến động lớn. Nhìn chung, sức mua hàng hóa dịp đầu năm mới chưa cao vì hầu hết người dân đã chủ động chuẩn bị các sản phẩm cần thiết từ trong tết. Mức giá một số mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh, hoa quả tươi khá cao do nguồn cung còn hạn chế.

Tiểu thương Nguyễn Thị Thắm - bán rau củ tại khu vực chợ Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi mở hàng vào mùng 2 tết. Đầu năm, nguồn cung các loại rau, củ còn ít, tiểu thương đi chợ bán hàng cũng chưa nhiều giá rau xanh cao hơn khoảng 30% so với ngày thường. Khoảng ngày mùng 4, giá cả rẻ hơn, lượng người đi chợ mua sắm cũng bắt đầu nhiều hơn”.

Sức mua sụt giảm, thị trường dịp tết kém sôi động

Đầu năm mới, các mặt hàng được chọn mua nhiều chủ yếu là thực phẩm, đồ lễ, tranh mừng thọ, quà tặng lễ Valentine.

Ông Võ Tá Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Công thương nhận định: Thị trường trước, trong dịp tết năm nay, nguồn cung hàng hóa được các doanh nghiệp, tiểu thương chuẩn bị đa dạng, phong phú về mặt hàng, giá cả bình ổn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Sức mua những ngày giáp tết tăng 2 - 3 lần so với ngày thường, tuy nhiên không cao bằng cùng kỳ năm ngoái. Ra đầu năm mới, một số tiểu thương mở bán, nhu cầu mua thực phẩm của người dân bắt đầu trở lại từ ngày mùng 2 tết, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm và phục vụ hoạt động đi lễ của người dân. Các đình chợ chính (buôn bán các mặt hàng quần áo, giày dép...) hoạt động trở lại sau ngày mùng 5 tết.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ trong năm 2024, sản lượng đào, quất tại các tỉnh, thành phía Bắc phục vụ thị trường tết Nguyên đán Ất Tỵ giảm sút đáng kể. Điều này đã tác động để mặt bằng giá một số loại hoa, cây cảnh chơi tết ở Hà Tĩnh.
Giá xăng, dầu cùng tăng

Giá xăng, dầu cùng tăng

Giá xăng, dầu cùng tăng 140-1.000 đồng một lít từ 15h hôm nay, sau điều chỉnh của liên Bộ Công thương - Tài chính.
Giá vàng hôm nay 16/1/2025: Bật tăng

Giá vàng hôm nay 16/1/2025: Bật tăng

Giá vàng hôm nay 16/1/2025: Cùng chiều với giá vàng thế giới, vàng trong nước cũng tăng theo với mức tăng 200.000 đồng, hiện ở mức 84,8 triệu đồng/lượng.