Tại sao khủng hoảng Qatar chưa có hồi kết?

Đã hơn 1 tháng trôi qua kể từ khi 4 nước Arab gồm Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar với cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố. Tuy nhiên, thế bế tắc giữa Qatar và nhóm các nước Arab do Saudi Arabia đứng đầu vẫn tiếp diễn bất chấp các hoạt động ngoại giao tăng cường để giải quyết vấn đề này.

tai sao khung hoang qatar chua co hoi ket

Ảnh: Reuters

Vậy đâu là nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng này chưa có hồi kết?

Nhiều nhà phân tích cho rằng, sở dĩ cuộc khủng hoảng này chưa có hồi kết là do những toan tính của các nước liên quan, sự hạn chế của các đòn trừng phạt và khả năng chịu đựng sức ép "tuyệt vời" của Qatar.

Tính chất "hai mặt" của Mỹ

Phản ứng của chính quyền Trump đối với cuộc khủng hoảng Qatar khiến cho giới phân tích cảm thấy ngày càng khó hiểu đối với quan điểm lập trường của Mỹ trong cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh hiện nay.

Ngay sau khi khủng hoảng nổ ra, ông Donald Trump công khai cáo buộc đồng minh Qatar tài trợ chủ nghĩa cực đoan, đồng thời ngầm ủng hộ cô lập nước này.

Ba tập đoàn năng lượng lớn nhất phương Tây đang tiến hành vận động hành lang nhằm đưa Qatar tham gia vào việc mở rộng sản xuất khí đốt, đồng thời trao cho Doha một cơ hội trong cuộc tranh chấp với các nước láng giềng Ả Rập vùng Vịnh.

Trong một bài phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump bày tỏ: "Thật không may, Qatar đã hỗ trợ tài chính cho chủ nghĩa khủng bố trong thời gian dài, sự hỗ trợ này đã đạt tới một mức độ rất cao".

Đặc biệt trên trang Twitter của mình rằng, ông Trump đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các nước vùng Vịnh đứng đầu là Saudi Arabia trong việc cô lập Qatar.

Những tuyên bố của ông Donald Trump dường như đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ, có thể làm đảo lộn sự cân bằng quyền lực ở Trung Đông. Trong khi đố, chỉ mới vài tuần trước cuộc khủng hoảng, ông Trump còn cười tươi và bắt tay với Quốc vương Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani, nói rằng “chúng ta là bạn bè, là bạn từ rất lâu rồi”.

Đặc biệt, ngày 6/7, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh giữa Qatar và một số nước Arab chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Mỹ tiếp tục tái khẳng định quan hệ đối tác an ninh chiến lược với Qatar.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại rằng bất đồng ngoại giao giữa Qatar và các nước Arab khác hiện đã lâm vào thế bế tắc và có thể kéo dài hoặc tiếp tục leo thang.

Theo các chuyên gia phân tích, phản ứng có phần "tiền hậu bất nhất" của chính quyền Trump đối với Qatar cho thấy tính chất "lá mặt lá trái" của Mỹ trong việc đối xử với cuộc khủng hoảng ngoại giao và chính trị tại vùng Vịnh hiện nay. Động thái này của Mỹ càng như "tiếp thêm dầu vào lửa" khiến cho "đốm lửa âm chỉ cháy" ở Trung Đông luôn trực chờ bùng cháy bất cứ lúc nào.

Các đòn trừng phạt còn hạn chế

Ngày 5/6, sau khi cáo buộc Qatar ủng hộ khủng bố, 4 nước Arab đứng đầu là Saudi Arabia đã áp đặt các lệnh trừng phạt, cắt đứt tuyến đường vận tải trên không, trên biển và trên bộ với Qatar.

Cuối tháng 6/2017, bốn nước Arap đã đưa ra bản danh sách gồm 13 yêu cầu đối với Qatar kêu gọi nước này thay đổi chính sách của họ, bao gồm việc đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran và chấm dứt hỗ trợ khủng bố.

Nhà khoa học chính trị Qatar, Viện sĩ Mohammed al-Musaffir cho biết sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar không liên quan đến cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay ở khu vực.

Các nước trên sau đó đưa ra một "tối hậu thư", đồng thời đặt ra hạn chót cho Doha đáp ứng các yêu cầu này trong 10 ngày, kết thúc vào ngày 2/7. Với các nỗ lực hòa giải của Kuwait, 4 nước trên ngày 2/7 đã nhất trí gia hạn "thời hạn chót" thêm 48 giờ nữa để Doha thực hiện các yêu cầu.

Sau cuộc gặp tại Cairo hôm 5/7, Ngoại trưởng các nước này đã bày tỏ sự thất vọng về cách phản ứng “tiêu cực” của Qatar trước bản tối hậu thư.

Ngày 7/7, 4 quốc gia Arab tiếp tục tuyên bố việc Doha từ chối thực hiện các yêu cầu của họ là bằng chứng cho thấy nước này có mối liên hệ với các nhóm khủng bố, đồng thời cho biết các nước Arab sẽ tiến hành các bước về chính trị, kinh tế và pháp lý để chống lại Qatar.

Thực tế, các lựa chọn của 4 nước Arab trong việc chống lại Qatar là rất hạn chế. Bởi vì, để thực sự tác động đến Qatar trên tất cả các phương diện ngoại giao, kinh tế, thương mại, quân sự, đòi hỏi phải áp dụng các biện pháp như buộc các ngân hàng vùng Vịnh rút tiền gửi khỏi Qatar hoặc thậm chí cắt đứt việc vận chuyển khí đốt tự nhiên vốn là nguồn sống của nền kinh tế nước này - một động thái leo thang mà rất ít nhà phân tích cho rằng các nước Arab thực sự muốn thực hiện.

Allison Wood, nhà phân tích tại Công ty Kiểm soát Rủi ro tại Dubai, nói: “Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy các nước Arab có kế hoạch dài hạn để chấm dứt cuộc xung đột này”.

Giới phân tích cho rằng sự hạn chế của liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu dựa trên 2 lý do.

Thứ nhất, họ cần thêm thời gian để nghiên cứu về cách phản ứng của Qatar và có lập trường chung.

Thứ hai, liên minh này trước tiên cần tham vấn Mỹ - nước hy vọng tình hình sẽ lắng dịu - trước khi đưa ra quyết định về các biện pháp tiếp theo. Nhiều người tin rằng sự phản ứng thận trọng của liên minh Saudi Arabia phần lớn là kết quả từ sức ép của Mỹ.

Khả năng chịu đựng sức ép "tuyệt vời" của Qatar

Để chống chọi với sự phong tỏa kinh tế nghiêm ngặt của các nước vùng Vịnh đứng đầu là Saudi Arabia, chính phủ Qatar đã kích hoạt một loạt các biện pháp trên các lĩnh vực kinh tế-thương mại và đối ngoại.

Trong một động thái được cho là nhằm chuẩn bị đối phó với mọi tình huống xấu mà các nước vùng Vịnh áp đặt, Qatar ngày 4/7 đã thông báo kế hoạch tăng sản lượng khai thác khí đốt tự nhiên thêm 30% trong vài năm tới.

Ngày 5/7, các ngoại trưởng của 4 nước Arab gồm Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain đã bày tỏ sự thất vọng về các phản ứng “tiêu cực” của Qatar trước những yêu sách của 4 nước này.

Thông báo này được đưa ra sau khi Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani đã có cuộc tiếp xúc với các Giám đốc điều hành 3 hãng năng lượng nổi tiếng thế giới gồm ExxonMobil, Royal Dutch Shell và Total tại Qatar.

Phát biểu với báo giới, Giám đốc Cơ quan Dầu khí Qatar Saad Sherida Al-Kaabi cho biết nước này có ý định tăng sản lượng khai thác khí đốt lên mức 100 triệu tấn/năm vào năm 2024.

Trong lĩnh vực tài chính-tiền tệ, hiện các ngân hàng Qatar đang thực hiện chính sách tài chính mới, trong đó trọng tâm là tăng khả năng thanh khoản và cải thiện cải thiện khả năng thu mua USD.

Về kinh tế-xây dựng, chính phủ Qatar tập trung đẩy mạnh tiến độ hoàn thành các hợp đồng kinh tế-xây dựng trị giá hàng trăm triệu USD với các công ty đã đang có quan hệ làm ăn với Qatar, bao gồm nhà thầu Dubai Drake & Scull International, Tập đoàn bất động sản Damac Properties, Tập đoàn Năng lượng Dolphin Energy đến từ Abu Dhabi.

Về mặt đối ngoại, Qatar tăng cường các cuộc tiếp xúc và liên minh quân sự với các đồng minh chủ chốt trong khu vực. Trong đó, chính phủ Qatar đã tăng cường các cuộc tập trung chung với Thổ Nhĩ Kỳ và cho phép quân đội và các cố vấn quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ có mặt tại các căn cứ quân sự của Qatar.

Theo các nhà phân tích, với việc từ chối thực hiện bản tối hậu thư của các nước Arab, quốc gia nhỏ bé nhưng giàu có Qatar đã “bắt thóp” được các nước này và buộc họ phải chứng minh những ảnh hưởng thực sự mà họ có đối với nước láng giềng “ương ngạnh”.

Đặc biệt, Qatar là quốc gia sở hữu nguồn khí đốt tự nhiên lớn thứ ba thế giới, do đó nước này hoàn toàn có thể sử dụng chúng để đối phó với các đòn trừng phạt từ các nước Arab đứng đầu là Saudi Arabia.

Hơn nữa, việc thắt chặt các lệnh trừng phạt với Qatar có thể gây phản tác dụng về mặt chính trị và kinh tế. Qatar có thể sẽ thúc đẩy việc xích lại gần hơn với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, cả Saudi Arabia và Ai Cập đều không muốn thấy Tehran và Ankara can dự vào công việc nội bộ của các nước Arab.

Về mặt kinh tế, bởi Qatar và các nước láng giềng có quan hệ thương mại và kinh tế gần gũi, nên sự phong tỏa Qatar sẽ có hậu quả tiêu cực với chính bản thân các nước Arab.

Như vậy có thể thấy rằng, bất chấp các nỗ lực ngoại giao gần đây của các bên liên quan, triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng Qatar một cách nhanh chóng vẫn rất mờ mịt. Để giảm bớt thế "đối đầu" giữa các nước trong cuộc khủng hoảng này, đòi hỏi phải có sự tham gia một cách "tích cực" của các bên liên quan.

Theo Tiền phong

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.