Tâm thức biển trong lòng người Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Với 137 km đường bờ biển từ Cửa Hội đến Vũng áng - Sơn Dương và khu vực lãnh hải rộng khoảng 20 nghìn km2, biển Hà Tĩnh cất giấu nhiều truyền thuyết, dã sử, huyền thoại và tín ngưỡng dân gian hết sức độc đáo, phản chiếu đời sống lao động, tâm hồn, tình cảm và những cuộc đấu tranh với thiên nhiên, giặc giã của con người nơi đây.

Tâm thức biển trong lòng người Hà Tĩnh

Theo "Nghệ An ký" của Bùi Dương Lịch, Hà Tĩnh có 6 cửa biển (Cửa Hội, cửa Cương Gián, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu, cửa Xích Lỗ. Trong ảnh: Mũi Đao (Kỳ Nam - TX Kỳ Anh). Ảnh: Thanh Hải

Theo “Nghệ An ký” của Bùi Dương Lịch thì Hà Tĩnh có 6 cửa biển (Cửa Hội, cửa Cương Gián, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu, cửa Xích Lỗ). Từ thời Lý - Trần đã có 5 thương cảng: Hội Thống, Cửa Sót, Nhượng Bạn, Hải Khẩu, Xích Lỗ (nhiều tài liệu viết là Xích Mỗ, Xích Mộ - thuộc xã Kỳ Nam, nay đã bị bồi lấp, cạn và hẹp - TG). Nhiều nhà nghiên cứu đã dày công tìm hiểu “con đường tơ lụa trên biển” từ Nhật Bản đến Hội Thống và phố cổ Phù Thạch (Đức Vĩnh, Đức Thọ) và khẳng định: từ thế kỷ XVII đã có những thuyền buôn lớn của Nhật vào giao thương tại cảng cổ Hội Thống.

Ông Trần Phi Công - Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh trong bài “Cửa biển - Thương cảng cổ Hội Thống” đã viết: Theo nguồn thư tịch hiện tại lưu trữ tại Nhật Bản, vào thời kỳ Châu Ấn thuyền, tháng 6/1610, có một con tàu của Nhật Bản đang trên đường vào buôn bán đã bị đắm chìm tại cửa biển Đan Nhai (Hội Thống) được quan Phò mã Quảng Phú hầu, Văn Lý hầu Trần Tịnh bỏ gia sản góp phần cứu trợ cho 105 người trên thuyền, giúp họ đóng thuyền để trở về Nhật Bản. Khảo cổ học cũng phát hiện tại Hội Thống một số mảnh gốm hizen của Nhật Bản được sản xuất trong khoảng từ năm 1660-1670 do các thương nhân Trung Quốc và Hà Lan mang đến đây để bán cho Nhân dân trong vùng”.

Là vùng đất “phên dậu”, biên trấn của quốc gia Đại Việt một thời kỳ dài, vùng biển Hà Tĩnh là nơi ghi dấu nhiều chuyến tuần du về phương Nam của các vị vua, những cuộc giao tranh giữa quan quân triều đình với giặc giã và những cuộc thử sức với sóng gió.

Tâm thức biển trong lòng người Hà Tĩnh

Toàn cảnh Khu di tích đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải.

Dọc theo bờ biển Hà Tĩnh vì thế cũng chất chứa nhiều huyền thoại, dã sử, truyền thuyết. Sách “An Tĩnh cổ lục” (LeBreton), trang 118, viết về đền Tam Lang Long Vương ở làng Nhụy Uyên, huyện Thạch Hà (nay gọi là Miếu Ao - xã Thạch Trị, Thạch Hà) như sau: “Tục truyền thuyền ngự của Lê Thánh Tôn đi đánh Chăm-pa, phải dừng lại đây một cách bất ngờ. “Do sự tác động của một sức mạnh huyền bí, các mái chèo đều không cất lên được và gió tự nhiên dừng lại một cách bất thường”. Sau khi đã hỏi dân sở tại về lý do của hiện tượng này, nhà vua sai tổ chức tạ lỗi vị thần thành hoàng địa phương. Lập tức gió lại nổi lên đẩy đội chiến thuyền đi một mạch đến đất Chăm-pa. Sau khi thắng trận trở về, nhà vua xuống chiếu cho thờ vị thần đã bảo hộ mình”.

Với người dân Hà Tĩnh, câu chuyện dân gian được lưu giữ nhiều nhất trong tâm thức, được truyền lại qua nhiều thế kỷ vẫn là chuyện về Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, vợ của vua Trần Duệ Tông. Nàng là con của một vị quan trong triều, thông minh, tài giỏi như “viên ngọc sáng”. Nàng đã có 10 lời khuyên vua kế sách trị nước “Kê minh thập sách” nổi tiếng. Năm 1377, vua Trần Duệ Tông cất quân đi đánh Chăm-pa, can ngăn vua không được, nàng xin đi theo chồng. Dân gian kể về sự hy sinh của nàng theo hai câu chuyện: Đội chiến thuyền đến Hải Khẩu thì gặp sóng to, gió lớn không đi được nên dừng lại, đêm nằm ngủ, nhà vua mộng có vị thủy thần đòi phải tế một trong những người vợ của vua thì mới sóng yên biển lặng. Bích Châu tự nguyện làm vật tế thần. Ngay sau đó thì sóng yên biển lặng.

Tâm thức biển trong lòng người Hà Tĩnh

Đua thuyền trên cửa khẩu Kỳ Ninh - TX Kỳ Anh. Ảnh tư liệu của Công Việt

Một câu chuyện khác: Đoàn chiến thuyền của nhà vua phải giao tranh với giặc dữ. Giữa lúc nguy nan, nàng Bích Châu cũng xông ra đánh giặc và hy sinh. Sau khi nhà vua tử trận, thi hài vua được đưa về cung bằng đường bộ, thi hài bà rước bằng đường thủy nhưng gió lớn sóng to nhiều ngày nên quan quân đành an táng bà tại vùng biển Ô Tôn (đền Eo Bạch, cảng Vũng Áng hiện nay) sau đó bà được rước qua cửa biển lập mộ tại địa điểm đền Bà Hải hiện nay. Vua Lê Thánh Tông trong chuyến đi chinh phạt phương Nam qua đây ngủ lại gặp mộng lành, sau khi đại thắng trở về đã sai lập đền thờ và phong cho bà tước vị Chế Thắng phu nhân.

Lê Thánh Tông cũng là vị vua để lại trong sử sách 10 bài thơ nổi tiếng viết về các phong cảnh, trong đó có 8 bài về các cửa biển, hải đảo của Hà Tĩnh: “Đảo Song Ngư”, “Đan Nhai hải khẩu”, “Nam Giới hải khẩu”, “Kỳ La hải khẩu”, “Xích Mộ hải khẩu”, “Sa Tắc cảng ngẫu thành”, “Chế Thắng hải khẩu từ”. Triều đại nhà Lê rực rỡ đầu thế kỷ XV còn gắn với nhân vật lịch sử có nhiều công lao với đất nước và Nhân dân. Đó là dũng tướng Lê Khôi, cháu của Lê Lợi và là chỉ huy đội quân của Nghệ An (An - Tĩnh), người cô công lớn trong đánh giặc Chăm-pa và giặc Minh, lập nên vùng đất lớn ở Lam Thành và được Nhân dân vùng biển Thạch Hà thờ phụng như là vị thần phù hộ cho mình.

Tâm thức biển trong lòng người Hà Tĩnh

Lễ hội Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi của ngư dân vùng Cửa Sót. Ảnh: Huy Tùng.

Đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi hay còn gọi đền thờ Võ Mục Vương nằm trên dải núi Long Ngâm thuộc địa bàn xã Thạch Bàn, Thạch Hải, tiếp giáp biển Cửa Sót - Thạch Kim. Chuyện vị tướng Lê Khôi như là một huyền thoại biển nhắc nhở hàng vạn người, nhất là vào dịp lễ giỗ vào đầu tháng 5 âm lịch về công ơn ngài. Lễ hội đền Chiêu Trưng diễn ra tại 4 xã: Thạch Hải, Đỉnh Bàn (Thạch Hà), Thạch Kim, Mai Phụ (Lộc Hà).

Ước mong trời yên biển lặng, những chuyến ra khơi vào lộng thuyền đầy ắp tôm cá, vượt qua giông tố dữ dằn, ngư dân biển Hà Tĩnh luôn cầu mong các đấng nhân thần và thiên thần độ trì che chở, vì thế dọc các vùng biển Hà Tĩnh, bên cạnh thờ các vị Tam Hải Long vương, Thánh Mẫu Liễu Hạnh, tục lệ đắp mộ, xây miếu thờ cá ngư ông (cá Voi) vẫn được duy trì cho đến ngày nay.

Tâm thức biển trong lòng người Hà Tĩnh

Lễ hội cầu ngư, chèo cạn ở Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh). Ảnh: Hương Thành.

Hệ thống di tích biển và thắng cảnh ở Hà Tĩnh gắn với nhiều lễ hội văn hóa dân gian như lễ hội: Sỹ, nông, công, thương, ngư (Xuân Thành, Nghi Xuân), lễ hội Cầu Ngư (Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên), lễ giỗ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh), lễ “Kỳ phúc lục ngoạt” ở Thạch Trị (Thạch Hà)…

Trong đó, lễ hội đền Chiêu Trưng và lễ hội Cầu Ngư đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội đặc trưng của vùng biển đã làm cho văn hóa biển Hà Tĩnh mang màu sắc độc đáo, gắn kết bền vững không gian biển với đời sống tâm hồn, tình cảm của người dân.

Những người con của biển lớn lên từ trong tiếng sóng và tiếng gió, ngấm vị mặn mòi của biển khơi luôn mang trong mình một tâm thức biển lạ kỳ. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú, người con của vùng biển Cửa Sót (Thạch Kim, Lộc Hà) chia sẻ: “Với người dân biển, ngoài một đời sống thực tế luôn đối diện với thiên nhiên khắc nghiệt, bão tố bất thường còn có một đời sống tâm linh thiêng liêng và phong phú.

Tâm thức biển trong lòng người Hà Tĩnh

Ngư dân Thạch Kim (Lộc Hà) rộn ràng ngày mới. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải.

Văn hóa biển từ ngàn đời đã giúp họ đúc kết các kinh nghiệm sống ở trên bờ, kinh nghiệm đánh bắt dân gian “cha truyền, con nối’ và đặc biệt là ứng xử với tự nhiên, thời tiết. Ví như họ đã tổng kết kinh nghiệm bằng những câu ca truyền miệng: “Tháng 3 trong nước em ơi/ Bớt cơm anh lại mà nuôi mẹ già” vì tháng 3 nước biển trong, cá xót mắt không chịu ăn mồi. Hay: “Tháng 7 nước chảy lo le” là tháng có những dòng nước chảy xiết đan chéo nhau khiến lưới xoắn lại khó đánh bắt cá. Người dân biển thật tự hào khi họ phát hiện nguồn gốc thủy tộc gắn với truyền thuyết Mẹ Âu Cơ, khi trên rừng có tên con thú gì thì dưới biển có tên hải sản ấy: cá voi, cá bò, cá chim, cá ngựa, cá dơi, cá chó (hải cẩu), cá heo, tôm hùm (hổ)...

Một nền tảng văn hóa biển phong phú, hấp dẫn đang cần được khai thác, quảng bá, bảo tồn, gìn giữ để du khách đến với biển Hà Tĩnh không chỉ được đằm mình trong làn nước trong xanh, thưởng thức vị hải sản đậm đà, ngon ngọt mà còn được nuôi dưỡng, tắm mát bởi những câu chuyện ngàn đời, những sinh hoạt dân gian truyền thống của người dân nơi đây.

Chủ đề Biển Hà Tĩnh

Đọc thêm

Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.
Bảo tàng Hoa Cương - Nơi lưu giữ những kỷ vật quý của Việt Nam

Bảo tàng Hoa Cương - Nơi lưu giữ những kỷ vật quý của Việt Nam

Xuất phát từ ý tưởng lưu giữ lại những những tinh hoa, truyền thống tốt đẹp của quê hương đất nước, nhà giáo, Tiến sĩ Nguyễn Quang Cương, xã Bình An, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) trong 50 năm đã dày công sưu tầm hàng ngàn hiện vật, tài liệu, bút tích quý hiếm.
 Soi đèn đi nhặt "lộc biển"

Soi đèn đi nhặt "lộc biển"

Khi màn đêm buông xuống, thủy triều bắt đầu rút sâu, hàng trăm người dân đã đổ về bãi biển Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để nhặt "lộc biển" dạt kín bờ.
"Viên ngọc xanh" giữa vùng thượng Kỳ Anh

"Viên ngọc xanh" giữa vùng thượng Kỳ Anh

Ẩn mình giữa những dãy núi, đồi chè Nam Sơn như một "viên ngọc xanh" lấp lánh giữa khung cảnh thiên nhiên thanh bình của miền quê nông thôn mới Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Thanh bình xóm đạo miền núi Vũ Quang

Thanh bình xóm đạo miền núi Vũ Quang

Đoàn kết, chung sức đồng lòng cùng các cấp, người dân thôn giáo toàn tòng (thôn 7, xã Quang Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã cùng nhau xây dựng một miền quê thanh bình, đáng sống.