Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và lãnh đạo MTTQ Việt Nam chủ trìhội nghị. Ảnh: daidoanket.vn
Báo cáo sơ kết 5 năm của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho thấy, công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng và chính quyền của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội các cấp có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng.
Theo đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp các tổ chức thành viên xây dựng, ký kết 12 chương trình phối hợp giám sát, 1 quy chế phối hợp thí điểm về giám sát công khai, minh bạch và trách nhiệm của người đứng đầu cấp huyện, xã trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng tại một số dự án KT-XH ở địa phương.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Văn Hùng điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải và lãnh đạo một số tổ chức, ban ngành cùng dự
Ủy ban MTTQ các cấp cơ sở đã chủ trì phối hợp tổ chức được hơn 490.000 cuộc giám sát. Các chương trình giám sát dần đi vào nền nếp, thực chất, hiệu quả.
Trong 5 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức được 6 hội nghị phản biện xã hội; Ủy ban MTTQ các cấp ở địa phương tổ chức được 82 hội nghị. Những kiến nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam được dư luận đánh giá cao, nhiều nội dung được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và phản hồi tích cực.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: daidoanket.vn
MTTQ các cấp tích cực phối hợp tổ chức các hội nghị đối thoại. Hầu hết ý kiến tại đối thoại được người đứng đầu tiếp thu, giải trình và giải quyết thấu đáo. Thông qua hoạt động đối thoại đã tạo được môi trường dân chủ, cởi mở, nhiều bên, nhiều cấp cùng tham gia, qua đó góp phần tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước…
Tại hội nghị, nhiều địa phương đã báo cáo kết quả công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong 5 năm qua, đồng thời, phân tích những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Công tác triển khai thực hiện ở nhiều địa phương còn chậm so với yêu cầu. Một số địa phương còn có hiện tượng né tránh, ngại va chạm; nhận thức về công tác này còn chưa thống nhất, chưa đúng bản chất...
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: daidoanket.vn
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Dân Vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, trong 5 năm qua, chuyển biến về nhận thức là điều rõ nét nhất; công tác giám sát, phản biện được cụ thể hóa bằng việc sửa đổi Luật MTTQ, thể hiện sự ghi nhận quyền dân chủ của người dân.
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã góp phần cho chính quyền địa phương giải quyết những vấn đề nổi cộm, xây dựng các chính sách phù hợp điều kiện thực tế; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền.
Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị các cấp chính quyền các địa phương tiếp tục cụ thể hóa hoạt động giám sát, phản biện để nâng cao hiệu quả, chất lượng. Tăng cường đối thoại để gần dân, lắng nghe ý kiến của người dân, kịp thời giải quyết những vấn đề nổi cộm; đồng thời, MTTQ cấp tỉnh phải hỗ trợ cấp huyện, xã thực hiện hiệu quả công tác phản biện, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.