Tăng cường quản lý thị trường gas

Ngày 17/2, lãnh đạo Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với lãnh đạo Hiệp hội Gas. Kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý về các vi phạm kinh doanh gas và xăng dầu dự kiến sẽ được đưa ra trong vài ngày tới.

Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam Nguyễn Sỹ Thắng cho biết, hiện Nhà máy Tách khí Dinh Cố và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cung cấp khoảng 40% lượng gas cho thị trường trong nước, 60% còn lại phải nhập từ nước ngoài. Do đó, nếu giá gas thế giới có biến động sẽ ảnh hưởng tới giá gas trong nước, như những tháng gần đây khi nhu cầu của Nhật Bản, Hàn Quốc tăng mạnh, châu Âu lạnh bất thường.

Kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý về các vi phạm kinh doanh gas và xăng dầu dự kiến sẽ được đưa ra trong vài ngày tới

Cũng theo ông Nguyễn Sỹ Thắng, một nguyên nhân khác là thị trường gas Việt Nam có quá nhiều công ty tham gia. Nếu Thái Lan một năm tiêu thụ 4 triệu tấn gas có 5 doanh nghiệp gia, Malaysia tiêu thụ 3,5-4 triệu tấn với 6 doanh nghiệp, Hàn Quốc tiêu thụ 10 triệu tấn với 2 doanh nghiệp, thì Việt Nam có tới hơn 100 doanh nghiệp với mức tiêu thụ hơn 1 triệu tấn mỗi năm.

Để tồn tại, nhiều đơn vị nhỏ lẻ bất chấp các quy định của pháp luật đã thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như sang nạp lậu, sử dụng gas kém chất lượng, chiếm dụng bình của các công ty lớn, sử dụng dịch vụ kém chất lượng… Trong khi đó, Nghị định 107/2009/NĐ-CP về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng được các doanh nghiệp nhìn nhận là đã quy định khá đầy đủ tại thời điểm này, tuy nhiên việc thực thi ở nhiều nơi chưa thực sự nghiêm. Ví dụ, mặc dù Nghị định quy định rất rõ ràng rằng mỗi tổng đại lý chỉ được ký với 3 thương nhân cung cấp nhưng thực tế có đại lý lại ký với nhiều thương nhân hơn.

Nghị định 115 /2011/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng đã có hiệu lực từ 1/1/2012.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Chống liên kết, chống độc quyền, không để một doanh nghiệp nào quá lớn, hoặc quá lợi thế trong sở hữu các nguồn lực tới mức có thể chi phối và ảnh hưởng tới giá thị trường là kiến nghị của nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas trong buổi làm việc với Bộ Công Thương nhằm minh bạch thị trường và đưa thị trường gas ổn định. Ngoài ra, một số doanh nghiệp kiến nghị để lập lại trật tự thị trường gas, cần xây dựng tiêu chí đại lý rõ ràng. Một số ý kiến cho rằng cần quy định và có hạn chế đối với các trạm chiết nạp gas.

Vụ trưởng Vụ quản lý thị trường Võ Văn Quyền khẳng định, không chỉ bị điều chỉnh bởi Nghị định 107, giá gas còn là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá được điều chỉnh theo Pháp lệnh Giá và phải thực hiện việc đăng ký giá. Trong quá trình thực hiện, nếu trình tự thủ tục có gì vướng mắc sẽ từng bước phối hợp với Bộ Tài chính để giải quyết.

Việc xác nhận thương nhân đầu mối hàng năm đã được quy định trong Nghị định nhưng chưa được thực hiện, tới đây Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Hiệp hội Gas, Vụ Xuất nhập khẩu xác nhận để làm cơ sở cho hải quan, quản lý thị trường dễ dàng thực thi kiểm soát

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đỗ Thanh Lam cho biết, Cục đang xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý về các vi phạm kinh doanh gas và xăng dầu, dự kiến sẽ được đưa ra trong vài ngày tới.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, tới đây Bộ sẽ tổ chức một hội nghị đánh giá bước đầu về việc thực hiện Nghị định 107 nhằm kiến nghị và bổ sung những bất cập cho phù hợp với tình hình mới.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng đề nghị các doanh nghiệp, Hiệp hội Gas và các cơ quan chức năng cần chủ động phối hợp với nhau trong việc đấu tranh chống vi phạm pháp luật trong kinh doanh gas, đặc biệt là cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

Hiệp hội Gas cũng cần chủ động phổ biến Nghị định 107/2009/NĐ-CP đến từng hội viên để các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói