Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà vừa ký văn bản của UBND tỉnh chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết 149/NQ-CP ngày 21/9/2023 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới. |
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong Kế hoạch số 182-KH/TU ngày 13/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 367/KH-UBND ngày 31/8/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương; Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới; Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 04/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Đội CSGT-TT Công an huyện Thạch Hà kiểm tra phương tiện vận tải trên tuyến tỉnh lộ 550.
Trong đó, tập trung thay đổi tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm mới, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tham gia bảo đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; tích cực, chủ động phê phán, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật giao thông; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, vận động với giám sát, thanh tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật.
Đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào sinh hoạt định kỳ, là nhiệm vụ thường xuyên. Yêu cầu đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người dân gương mẫu thực hiện, tích cực vận động gia đình, người thân chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phê phán các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; đồng thời không có hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.
Đưa tiêu chí chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một trong những tiêu chí để bình xét thi đua trong các tổ chức, đoàn thể, cơ quan, đơn vị.
Tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo hướng thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; thường xuyên đánh giá, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức phối hợp liên ngành trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Công an tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, làm giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí và hạn chế ùn tắc giao thông. Tiếp tục chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, huy động các lực lượng cảnh sát khác tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Tiếp tục triển khai các biện pháp mạnh, tổ chức các tổ công tác đặc biệt của Công an tỉnh và công an cấp huyện để kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi tụ tập, gây mất trật tự, an toàn giao thông, phòng chống đua xe trái phép, phóng nhanh, vượt ẩu và đấu tranh với tội phạm trên các tuyến giao thông. Tăng cường kiểm tra các cảng nội địa, bến thủy hoạt động không phép, sai phép; hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng; hoạt động khai thác cát trái phép, khai thác và nuôi trồng thủy sản, hải sản gây cản trở giao thông; xử lý nghiêm các vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, các vi phạm về đăng ký, đăng kiểm, trang bị phao cứu sinh, thiết bị an toàn kĩ thuật...
Ứng dụng khoa học, công nghệ để đổi mới căn bản phương thức hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông, tiến tới chủ yếu phát hiện, xử lý vi phạm qua hình ảnh thu nhận bằng các phương tiện kỹ thuật gắn với việc nộp phạt qua tài khoản ngân hàng. Tiến tới cơ bản các thủ tục hành chính trong lĩnh vực giao thông được thực hiện bằng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Quản lý chặt chẽ việc cấp biển số phương tiện giao thông.
Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về ATGT.
Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình giao thông, xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình; tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng công trình giao thông.
Thực hiện công tác thẩm định thiết kế, dự toán công trình, dự án giao thông bảo đảm chất lượng, tiến độ yêu cầu; thực hiện tốt công tác quản lý, theo dõi về chất lượng tiến độ công trình, công tác bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
Phối hợp chia sẻ thông tin, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình ô tô cho lực lượng Công an để ứng dụng hiệu quả hơn công tác nghiên cứu tổ chức giao thông, cung cấp thông tin, hướng dẫn lưu thông trực tuyến, góp phần hạn chế, giải quyết ùn tắc giao thông.
Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế cử cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ phối hợp với đơn vị, địa phương liên quan tăng cường tập huấn kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, lái xe, nhân viên Hội Chữ thập đỏ, các tình nguyện viên và người dân sống dọc các tuyến đường. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo xây dựng, phát triển mô hình đội, nhóm sơ cứu tai nạn giao thông phù hợp với tình hình thực tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn cơ quan, tổ chức thuộc ngành y tế thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Thông tư số 26/2014/TTLT-BYT-BCA ngày 23/7/2014 của Bộ Y tế và Bộ Công an quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Sở Nội vụ chỉ đạo Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh tiếp nhận hồ sơ từ Ban An toàn giao thông tỉnh, thẩm định thành tích, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân đúng quy trình, đảm bảo đối tượng, tiêu chuẩn theo quy định.
Sở Tài chính: hằng năm, phối hợp với Công an tỉnh, Ban An toàn giao thông và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh phương án phân bổ nguồn lực cho công tác bảo đảm TTATGT phù hợp với điều kiện thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách.
Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh: thực hành quyền công tố và kiểm sát chặt chẽ công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tội phạm, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tai nạn giao thông. Xét xử kịp thời, nghiêm minh, nhất là những vụ TNGT gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, TNGT có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện gây tai nạn có nồng độ cồn, người điều khiển phương tiện cản trở, chống đối, chống người thi hành công vụ theo quy định; tăng cường tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động án tai nạn giao thông để răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông trong cộng đồng.
Ban An toàn giao thông tỉnh chủ trì kiểm điểm, đánh giá xếp loại tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của các sở, ban, ngành, các đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương; hướng dẫn về đối tượng, tiêu chuẩn, thời gian và hồ sơ đề nghị các cấp khen thưởng; tổng hợp hồ sơ đề nghị khen thưởng của các đơn vị, địa phương gửi Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh (Sở Nội vụ) thẩm định, trình có thẩm quyền xem xét, quyết định khen thưởng theo quy định.