Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền chủ trì hội nghị.
Chiều 30/5, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 12/5/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới”. Cùng dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương. |
Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền trình bày báo cáo 5 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU.
5 năm qua, Nghị quyết số 02-NQ/TU đã được các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các quy định của Đảng về công tác nêu gương.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị.
Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn ngày càng đi vào nền nếp và thực chất. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được cụ thể hóa, triển khai thực hiện khá đồng bộ thông qua các hình thức phù hợp.
Công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp xã với Nhân dân được quan tâm thực hiện góp phần giải quyết các vụ việc phát sinh ngay từ cơ sở, hạn chế đơn, thư vượt cấp, khiếu kiện kéo dài.
Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; trong các loại hình doanh nghiệp ngày càng được quan tâm.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thu Hà: Để việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát của các tổ chức trong hệ thống chính trị về thực hiện dân chủ ở cơ sở; chú trọng kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm...
Nhiều chỉ tiêu về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện tốt: 100% cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở xây dựng đầy đủ các quy chế về thực hiện dân chủ cơ sở đúng quy định; 100% doanh nghiệp khu vực Nhà nước và 92% doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước có tổ chức công đoàn ký thỏa ước lao động tập thể; 100% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo các nội dung theo quy định; 92% doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại định kỳ tại nơi làm việc theo quy định...
Bí thư Huyện ủy Hương Sơn Bùi Nhân Sâm chia sẻ kinh nghiệm trong phát huy phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, huy động sức dân xây dựng nông thôn mới.
Kết quả việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đã từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hành dân chủ xã hội của Nhân dân; thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở; đồng thời góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh.
Tuy vậy, ở một số cơ quan, đơn vị, chất lượng các quy chế, quy định về thực hiện dân chủ cơ sở còn hạn chế; vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy chế dân chủ chưa thật sự rõ nét; việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, chưa có tổ chức đảng, tổ chức công đoàn còn khó khăn…
Phó Bí thư Đảng ủy Khối CCQ&DN tỉnh Nguyễn Trọng Vân đề xuất giải pháp nhằm phát huy việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả xây dựng dân chủ ở cơ sở, BCH Đảng bộ tỉnh xác định: Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và các chủ trương, nghị quyết, quy định của trung ương, của tỉnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền tạo sự chuyển biến sâu sắc trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; đề cao tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đưa việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Gắn thực hiện quy chế dân chủ cơ sở với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh; phấn đấu đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.
Tham dự hội nghị, các đại biểu đã phân tích, làm rõ những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời đề xuất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả việc xây dựng dân chủ ở cơ sở.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện dân chủ cơ sở
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng khẳng định: Sau 5 năm triển khai, Nghị quyết 02-NQ/TU đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và Nhân dân về thực hành dân chủ. Nhờ phát huy dân chủ nên Hà Tĩnh đã huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân để vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng phát biểu kết luận hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị thời gian tới các cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục quán triệt, triển khai sâu rộng Nghị quyết số 02-NQ/TU, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thực hiện quy chế dân chủ.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng; phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; huy động sức mạnh nội lực của Nhân dân cùng hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
“Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên, công chức và Nhân dân được biết, được bàn, được quyết định, được kiểm tra” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy các cấp và các quy chế, quy định về thực hiện dân chủ cơ sở. Tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở các cấp...