Tập trung nghiên cứu các giải pháp thu hút đầu tư, thu hút tài chính cho phát triển

(Baohatinh.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, cần tập trung nghiên cứu các giải pháp thu hút đầu tư, thu hút tài chính cho phát triển, đặc biệt là đối với các ngành mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...

Chiều tối 18/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo. Cùng tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương và trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Phúc Sơn điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

5.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Phúc Sơn điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 (Chỉ thị 15-CT/TW), 6 tháng đầu năm 2024, công tác NGKT được triển khai bài bản và hiệu quả, đóng góp thực chất vào phát triển KT-XH. Trong 36 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2024 đến nay, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất, ký kết được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác.

Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp. Nội dung thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu, đàm phán FTA, tăng cường thu hút nguồn lực hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, lao động... được chú trọng lồng ghép và cụ thể hoá thành các cam kết, dự án cụ thể trong hoạt động đối ngoại cấp cao với các đối tác lớn tại Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ, các đối tác tiềm năng ở Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh.

Về các thỏa thuận mới, Việt Nam đã tham gia ký Hiệp định của trụ cột 2 về chuỗi cung ứng tại Hội nghị Bộ trưởng Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF) tháng 6/2024 và đang hoàn tất thủ tục trong nước để ký Hiệp định của các trụ cột 3 và 4 trên tinh thần bảo đảm và thúc đẩy tối đa lợi ích quốc gia.

Bên cạnh đó, nước ta tích cực tham gia đàm phán các hiệp định mới như FTA với Israel, FTA ASEAN-Canada, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với UAE với mục tiêu mở rộng và khai phá các thị trường tiềm năng.

Trong thời gian tới, công tác NGKT sẽ tiếp tục được tập trung cao với tinh thần "5 quyết tâm," "5 bảo đảm, "5 đẩy mạnh," theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho 6 tháng cuối năm. Theo đó, quyết liệt triển khai Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ Ngoại giao về công tác NGKT.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất các hoạt động đối ngoại cấp cao, lồng ghép nội hàm kinh tế và công nghệ vào chương trình nghị sự. Đặc biệt chú trọng chuyến thăm với các đối tác chủ chốt, các diễn đàn đa phương có trọng tâm kinh tế như APEC và G20... Tiếp tục rà soát định kỳ, đôn đốc tiến độ triển khai các cam kết thỏa thuận: phát huy hiệu quả cơ chế tổ công tác nhằm giải quyết dứt điểm nguyên nhân chủ quan; đẩy mạnh trao đổi, vận động chính trị đối ngoại và phối hợp với đối tác giải quyết các khó khăn khách quan, phát hiện và xử lý sớm những vấn đề mới nảy sinh.

Đặc biệt, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, nhất là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh ngoại giao công nghệ, huy động các nguồn lực quốc tế cho quá trình chuyển đổi, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng. Trong đó, về đầu tư, tăng cường thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chủ lực như bán dẫn, năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, AI…

Về thương mại, tăng cường đa dạng hoá thị trường, đối tác và chuỗi cung ứng. Hỗ trợ nâng cao năng lực và nhận thức của doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy liên kết sâu hơn giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước. Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng còn dư địa vào các thị trường chủ chốt, tăng cường hợp tác với Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latin.

Về du lịch, tranh thủ xu hướng phục hồi của du lịch thế giới, tăng cường quảng bá du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm; nghiên cứu tạo thuận lợi hơn cho du khách quốc tế về thủ tục thị thực...

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng với lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp để triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về NGKT trong 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.

Tại Hà Tĩnh, thời gian qua, tỉnh tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác với các nước; trong đó chú trọng các đối tác chiến lược; có chương trình cụ thể thiết lập quan hệ hợp tác, tăng cường hợp tác với đại sứ quán các nước tại Việt Nam. Tiếp tục tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế: WB, ADB, AFD, UNESCO... qua đó tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH và thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế.

Hiện nay, Hà Tĩnh có 9 dự án của các doanh nhân/doanh nghiệp là người Hà Tĩnh ở nước ngoài đầu tư trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư 2.901,81 tỷ đồng. Tỉnh đang triển khai 71 dự án FDI với tổng mức hơn 16 tỷ USD, là một trong 10 tỉnh thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước; đang triển khai 5 dự án ODA với tổng vốn hơn 140 triệu USD.

ttxvn-thu-tuong-ngoai-giao-kinh-te-5-resize-4564.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TTXVN).

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, người dân, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần đưa nước ta thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ KT-XH, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nền kinh tế thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, tài nguyên cạn kiệt, già hóa dân số; tình hình cạnh tranh với các nước… Vì vậy, những kết quả đạt được là rất đáng trân trọng nhưng không được chủ quan, lơ là; nhất là vấn đề thị trường, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, vấn đề cạnh tranh hàng hóa với các nước khác. Càng khó khăn, càng áp lực đòi hỏi càng phải quyết liệt hơn. Bài học kinh nghiệm cho thấy để đạt hiệu quả cần phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm…

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm, nước ta xác định ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Do đó, cần làm mới động lực tăng trưởng truyền thống; tập trung cho động lực xuất khẩu; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch. Đồng thời, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức); lấy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ làm nền tảng, động lực phát triển. Kết nối nền kinh tế nước ta với các nước trên thế giới để phát triển.

Thủ tướng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước; định hướng sự phát triển; đề xuất cơ chế, chính sách kịp thời, quy hoạch vùng nguyên liệu với mục tiêu tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước, phù hợp với xu thế thế giới. Phối hợp trong nước, ngoài nước với tinh thần luôn luôn sẵn sàng, luôn luôn chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả; nắm chắc tình hình, bám sát xu thế, triển khai quyết liệt, hành động sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực; cùng nhau mở rộng thị trường, đẩy mạnh hợp tác với các nước; tiếp tục đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do với các nước, các khu vực.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cơ quan đại diện ở nước ngoài nắm bắt tình hình, theo dõi sát tình hình thế giới để phối hợp tháo gỡ những khó khăn từ sớm, từ xa; tiếp tục tận dụng đà phục hồi du lịch, nghiên cứu mở rộng miễn thị thực (visa) đối với người dân một số quốc gia; tập trung nghiên cứu các giải pháp thu hút đầu tư, thu hút tài chính cho phát triển, đặc biệt là đối với các ngành mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; kêu gọi chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, hợp tác phát triển trí tuệ thông minh, dựa vào khoa học để phát triển; tiếp tục kêu gọi nguồn lực hỗ trợ; tiếp thu các giải pháp quản trị thông minh, hiện đại, tạo đội ngũ cán bộ thông minh, có năng lực để triển khai công tác ngoại giao kinh tế.

“Chúng ta cũng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thường xuyên; phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực; mở rộng thị trường xuất khẩu lao động. Với tinh thần nắm bắt từ sớm, từ xa các xu thế phát triển khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý… để chuyển giao về nước; cùng nhau kết nối, tham gia vào chuỗi cung ứng ở nước ngoài; khai thác tốt hơn năng lực của kiều bào… để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Chủ đề THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI, BIỂN - ĐẢO VÀ BIÊN GIỚI

Đọc thêm

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, các loại khí, chất gây nghiện từ năm 2025.