Tàu ngầm Anh bảo vệ Nga ở Baltic trong Thế chiến I như thế nào?

Một hạm đội tàu ngầm Anh từng giúp Hải quân Nga chống lại Đức ở Baltic trong Thế chiến I. Dù có nhiều chiến thắng, nhưng nó lại kết thúc bằng thảm họa.

Mặc dù là đồng minh, nhưng lính Nga và lính Anh hiếm khi nào chiến đấu “kề vai sát cánh” với nhau trong Thế chiến I. Mỗi bên có những nhiệm vụ chiến lược và mặt trận của mình. Tuy nhiên, có một giai đoạn gần như đã bị lãng quên: đó là khi hải quân của 2 đế chế này cùng chống lại Hải quân Đức ở biển Baltic.

Tàu ngầm Anh bảo vệ Nga ở Baltic trong Thế chiến I như thế nào?

Một chiếc tàu ngầm của Anh. Ảnh: Getty

Con đường nguy hiểm

Để gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Đức, Anh nhận ra rằng họ phải chặn được lộ trình cung cấp quặng sắt từ Thụy Điển tới Đức. Không thể tự mình làm điều đó, người Anh quyết định lợi dụng các chiến hạm và cảng biển của Nga.

Ngoài các mục đích quân sự chiến lược, việc gửi một hạm đội tới biển Baltic cũng có tác động về tâm lý. Bộ trưởng Hải quân Anh Winston Churchill (người sau này trở thành Thủ tướng Anh) muốn cho Nga thấy rằng, các nước đồng minh không quên họ, và rằng nước Anh vẫn ủng hộ Nga mạnh mẽ trong cuộc chiến này.

Ý tưởng đưa một đội tàu nổi nhanh chóng bị hủy bỏ vì chúng không bao giờ có thể đi qua eo biển Đan Mạch, nơi được Hải quân Đức giám sát chặt chẽ.

Tuy nhiên, nơi nào các đội tàu chiến nổi không thể thành công, thì tàu ngầm lại có thể. Tháng 10/1914, 3 tàu ngầm Anh đã thử đi vào vùng biển Baltic. Hai chiếc thành công, trong khi chiếc thứ 3 bị buộc phải quay trở lại.

Mùa đông khắc nghiệt

Việc các tàu ngầm Anh tới Baltic là một điều bất ngờ đối với Nga, vì họ không hề được thông báo trước về các kế hoạch của đồng minh. Thế nhưng, người Anh vẫn được chào đón nồng nhiệt ở Reval (nay là Tallinn), nơi sau đó trở thành căn cứ cho các hoạt động của tàu ngầm Anh.

Trước khi chiến đấu với người Đức, các thủy thủ Anh đã phải sống sót qua mùa đông khắc nghiệt, và đó là một nhiệm vụ không dễ dàng gì. Từ tháng 1 đến tháng 4/1915, hoạt động của tàu ngầm Anh ở Biển Baltic gần như bất khả thi. Cửa sập, kính viễn vọng bị đóng băng cứng và các thủy thủ phải sử dụng búa điện để làm tan băng.

Tàu ngầm Anh bảo vệ Nga ở Baltic trong Thế chiến I như thế nào?

Đội tàu ngầm Anh tới Baltic đã phải chống chọi với mùa đông khắc nghiệt. Ảnh: Getty

Ngoài ra, những bộ đồng phục của các thủy thủ Anh không đủ ấm để chống chọi với cái rét cắt da cắt thịt. “Thảm họa” hơn là ở đây không có rượu rum yêu thích của họ (rượu có thể giúp làm cơ thể ấm hơn khi thời tiết quá giá lạnh). Tuy nhiên, họ tìm được một giải pháp cho vấn đề này: rượu vodka Nga.

Chuỗi chiến thắng

Mùa hè kế tiếp, hạm đội Anh được tăng cường thêm 3 tàu ngầm nữa ở Baltic. Thời điểm này, Hải quân Đức đã bắt đầu những chiến dịch quy mô lớn tiến về Vịnh Riga.

Ngay cả khi số lượng tàu Đức gấp đôi toàn bộ Hạm đội Baltic của Nga, cuộc tấn công của Đức vẫn bị đẩy lùi. Các thủy thủ Anh đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch này. HMS E-1, do Thuyền trưởng Noel Laurence chỉ huy, đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho một trong những tàu chiến quan trọng nhất của Đức - tàu tuần dương Moltke. Điều này dẫn tới việc Đức phải hủy chiến dịch đổ bộ gần Riga.

Với chiến công này, thuyền trưởng Laurence được Sa hoàng Nicholas II thưởng xứng đáng và gọi ông là “người hùng của Riga”.

Tuy vậy, Anh vẫn giữ mục tiêu chính của họ: giảm vận chuyển quặng sắt từ Thụy Điển tới Đức. Tới tháng 11/1915, tàu ngầm Nga và Anh đã đánh chìm 14 tàu chở hàng của kẻ thù.

Sau Cách mạng Nga

Năm 1916, kế hoạch của Anh ở Baltic buộc phải dừng lại. Người Đức đã cải thiện chiến thuật chống ngầm và hạn chế được khá nhiều hoạt động của phe đồng minh. Cùng lúc đó, số lượng tàu chiến Đức ở Baltic cũng giảm đáng kể.

Sau Cách mạng tháng Hai năm 1917 và bất ổn xảy ra, Quân đội và Hải quân Nga nhanh chóng chia rẽ. Do các thủy thủ Nga từ chối nghe lệnh của cấp trên, Tư lệnh hạm đội Anh Francis Cromie nhận thấy mình không phải là người đứng đầu chính thức của tất cả các lực lượng dưới nước (tàu ngầm) của Nga ở Baltic.

Tàu ngầm Anh bảo vệ Nga ở Baltic trong Thế chiến I như thế nào?

Francis Cromie. Ảnh: Public domain

Sau khi đảng Bolshevik nắm quyền lực, các tàu ngầm được tái triển khai tới Hanko, nơi họ chờ đợi số phận của mình được quyết định. Bất chấp cam kết cá nhân của Lenin với Cromie rằng, đội tàu ngầm Anh sẽ không bị làm khó, người Nga vẫn hứa hẹn giao những chiếc tàu ngầm cho Đức.

Các thủy thủ Anh không muốn giao nộp tàu ngầm của mình cho kẻ thù, vì thế họ đánh chìm nó ở Vịnh Phần Lan và sau đó rời Nga qua cảng phía bắc Murnansk./.

Theo VOV.VN

Đọc thêm

Truyện cười: Vé số

Truyện cười: Vé số

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”. 
Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Khi Lionel Messi đăng đàn phản ứng với phát biểu của Eric Abidal, thành viên BLĐ Barcelona, đó như giọt nước mắt của một thằng hề.