Thà Khẹt mộng mơ bên dòng Mê Kông

(Baohatinh.vn) - Nằm bên tả ngạn dòng sông Mê Kông, thị xã Thà Khẹt (tỉnh Khăm Muộn, CHDCND Lào), dẫu nhỏ bé, khiêm nhường nhưng đầy thơ mộng. Dường như nửa thế giới tĩnh lặng của thiên nhiên xanh và nửa của sự náo nhiệt âm thanh từ cuộc sống hàng ngày đã tạo cho Thà Khẹt một nét độc đáo riêng.

tha khet mong mo ben dong me kong

Cầu Thà Khẹt - Na-khon Phạ-nôm qua sông Mê Công, một địa danh quan trọng trong Hành lang Đông-Tây. Ảnh: internet

Con đường dọc sông Mê Kông

Vẫn con sông Mê Kông mà tôi gặp 10 năm trước, vẫn con đường láng nhựa thuở xưa tôi từng dạo bước. Vẫn nét hồn nhiên, thơ mộng không thay đổi. Nhưng Thà Khẹt hôm nay đã vui hơn nhiều.

Tôi cùng anh bạn đồng nghiệp nhẩn nha dọc bờ sông Mê Kông. Thật quá đỗi mộng mơ khi ngước nhìn những giọt nắng thủy tinh đậu lung linh trên những vòm cây thốt nốt. Hàng thốt nốt đứng nghiêng bên bờ sông, thân cao, thẳng như thân dừa, lá thốt nốt giống như lá cây cọ làng tôi. Đấy là loại cây tạo ra những chùm quả có vị ngọt mát tuyệt vời.

Dọc đường sông, cây nối cây, hết thốt nốt đến phượng vĩ. Đầu đường phượng vĩ đan dày, rực rỡ soi bóng xuống dòng sông, cuối đường lại bắt gặp phượng vĩ bung đầy cánh thắm. Con sông Mê Kông đang vào mùa nước đỏ, bóng hoa phượng lẫn trong bóng chiều buông dát lên mặt sông một màu đỏ rực. Sông rộng mênh mông, hun hút bên bờ hữu ngạn kia là những lâu đài, thành quách đồ sộ của đất nước Thái Lan. Những con sóng trên sông Mê Kông dịu nhẹ như chẳng hề nổi cáu với ai bao giờ.

Từ bao đời nay, Mê Kông đã nổi danh là “thủy cung đẹp” cho muôn loài cá, tôm sinh trưởng. Sông không chỉ hút hồn du khách với cảnh quan ngoạn mục, sông còn là chốn mưu sinh của nhiều người dân Thà Khẹt. Nghề đánh cá trên sông Mê Kông khá đa dạng: đánh cá bằng xuồng máy, bằng thuyền độc mộc, bằng bè tre nứa, thậm chí là đứng câu ngay tại bờ sông. Ngoài những chiếc thuyền máy hối hả, thì đại đa số những người dân vạn chài ở đây đều âm thầm, lặng lẽ và bình thản đến lạ lùng. Người lưng trần, quần cộc đang ngồi đầu mũi thuyền gỗ màu đen sẫm, rê lưới giữa lòng sông. Người ngồi trên bè, vừa cho bè trôi, vừa nhích dần từng chiếc rọ tre theo luồng nước sâu đậm.

Tôi thích xem câu cá, nên đứng bên thảm cỏ cạnh bờ sông quan sát người đàn ông đội chiếc mũ lá đang câu. Ông tên là Nợm Khang. Bên hông ông Nợm Khang còn đeo thêm một chiếc giỏ tre, mắt đăm đăm nhìn ra mặt nước. Chiếc cần câu với dây cước dài hàng chục mét được ông cầm khư khư trên tay và vút tung dây ra xa rồi từ từ kéo vào. Cứ như thế, ngày nối ngày, nguồn cá tươi trên sông này đã lần lượt vào chiếc giỏ tre ông hàng trăm, hàng ngàn con. Ông còn kể cho tôi nghe cách đây 4 tháng, ông đã câu được một con ba ba nặng hơn 5 ký. Bữa ấy, thấy cần câu kéo vào mỗi lúc một nặng, ông kêu mấy bạn cùng bờ hỗ trợ mới bắt được con ba ba lớn này.

Nghề đánh bắt trên sông Mê Kông thuận lợi bao nhiêu thì nguồn cá ngon, cá sạch ở Thà Khẹt càng dồi dào bấy nhiêu. Trung bình mỗi năm, nguồn cá Thà Khẹt cung cấp cho thị trường Lào từ 500-700 tấn. Tôi dạo quanh dọc bờ sông Mê Kông, chợt thấy hàng cá được bày bán la liệt. Đủ các loại cá quả, trê, chép, rô... Hàng chục chiếc xô, chậu đựng đầy ắp cá tươi. Những xâu cá khô vừa nướng đượm màu vàng, thơm ngậy, chưa nhìn đã muốn nếm thử. Không chỉ đặc sản cá, các hàng thực phẩm khác như chim quay, vịt quay, thịt bò, thịt lợn đều được xếp đầy trên bàn gỗ. Đại đa số những người bán hàng dọc đường là phụ nữ Lào trung tuổi, ăn bận khá xuề xòa. Họ không vồn vã chào mời nhưng khách hàng vẫn thường xuyên lui tới, bởi giá các mặt hàng tại đây rẻ hơn nhiều so với các điểm bán tại chợ Khăm Muộn hay thủ đô Viêng Chăn. Các chủ hàng thống nhất một giá, không ai tùy tiện nâng hay giảm giá theo ý mình. Kinh doanh sòng phẳng và trung thực nên họ chẳng bao giờ lấy của khách một đồng tiền thừa.

Tôi và anh bạn đồng nghiệp thật sự hút hồn trước một cây si lớn nhất đường sông Mê Kông. Theo những người dân ở đây cho biết, cây si này đã hơn 500 tuổi.

tha khet mong mo ben dong me kong

Chị Xom Nạn Chạy đang đứng bán nước mía gần gốc cây này khá sành sỏi tiếng Việt, tiết lộ: Không ít lần trời nổi giông chiều, nhiều cây xanh bị sét đánh gãy cành, nhưng cây si này chẳng bao giờ gặp tai họa. Cứ mỗi năm, cây lại mọc thêm bao nhiêu cành, lại xuất hiện bao nhiêu chùm rễ màu nâu, cứ ngỡ như bộ râu “thần” trong chuyện cổ tích.

Chiều buông, không khí mua bán tấp nập hơn. Chúng tôi ngồi dưới bóng cây si 500 tuổi thư thái tận hưởng gió sông, ráng chiều hồng và những đặc sản riêng có của Khăm Muộn.

Đêm ở Thà Khẹt

Nhịp sống thị xã Thà Khẹt đổ dồn về đêm. Một diện tích rộng và bằng phẳng, cách bờ sông Mê Kông chưa đầy một cây số là khu công viên dành cho tuổi trẻ. Khi thị xã lên đèn, cả khu công viên lung linh ánh sáng màu.

tha khet mong mo ben dong me kong

Phố đêm Thà Khẹt

Ban ngày, tôi nhìn khu công viên trống vắng, chỉ thấy sân khấu với các họa tiết rực rỡ, xung quanh công viên bày đủ các ô hồng, ô xanh, ghế đá, ghế nhựa. Chưa tới 7h tối, khu công viên người đi lại như mắc cửi. Xe máy, ô tô từ cánh tả đến cánh hữu xếp chật ních trước cổng.

Bác bảo vệ Lầu Xủ Xông cho biết: “Công viên này được chính quyền thị xã Thà Khẹt xây dựng từ năm 2011, mô hình đầu tiên làm theo hình thức “xã hội hóa” nhưng đã trở thành điểm thu hút nhất vùng này. Mỗi đêm, ít nhất có 500-700 lượt người vào vui chơi, giải trí, những ngày đại lễ lên tới hàng ngàn người”. Chúng tôi bước vào công viên. Khi nhạc nổi khúc “Lăm tơi”, tất cả các đôi nam nữ đều cuốn theo sóng nhạc du dương. Công viên tuổi trẻ Thà Khẹt đã trở thành nơi giao lưu, nơi hẹn hò, mắt nhìn mắt, tay cầm tay của các đôi trai gái…

Đối diện với công viên Thà Khẹt là vô số những ngôi nhà cao tầng khá sang trọng. Các nhà đều thiết kế tầng trên gia chủ ở, tầng dưới làm dịch vụ kinh doanh. Gần một phần tư dân số ở khu vực này đều người Lào gốc Việt. Đại đa số đều làm ăn khấm khá, khoảng chục gia đình đã trở thành chủ hộ giàu có nhờ dịch vụ buôn bán hàng nhập khẩu từ Viêng Chăn, Thái Lan, Myanmar. Hóa ra, đất Thà Khẹt đã thành “đất lành chim đậu”. Không ít những chàng trai, cô gái “Tây ba lô” đã chọn Thà Khẹt trong chuyến du lịch dài ngày.

tha khet mong mo ben dong me kong

Chợ Thà Khẹt

Chúng tôi rủ nhau vào thưởng thức bia Lào tại một nhà hàng sang trọng thì gặp một cô gái Nga đang đứng bán hàng tại quầy. Cô vừa trẻ, vừa xinh. Nhờ có ít vốn liếng ngoại ngữ nên anh bạn nhà báo của tôi ở Hà Nội có dịp trò chuyện với cô gái vui vẻ, thân thiện.

Cô ấy bảo rằng, cô vừa tốt nghiệp đại học, xin phép bố mẹ du lịch trải nghiệm tại Lào. Khi tới thị xã Thà Khẹt, cô như bị mắc phải “bùa mê” ở đây. Cô đã điện thoại về cho gia đình, rằng cô hoãn quay về nước để học làm kinh doanh buôn bán với người Lào, hiểu thêm phong tục, tập quán ở đây.

Anh bạn tôi đùa: - Em muốn lấy chồng người Lào không?

Cô ấy chỉ cười vui, không trả lời.

Thà Khẹt không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng mà còn bởi những công trình có kiến trúc độc đáo. Sát hàng rào khách sạn Mê Kông có một ngôi chùa đẹp, dân bản xứ thường quen gọi là chùa Khộp. Chùa Khộp được cấu trúc theo hình tháp nhọn, sơn nhũ vàng. Trước sân chùa đan xen các bóng cây bồ đề, đại, đa... Cây nào vỏ cũng xù xì theo dấu vết thời gian. Một khoảng đất rộng được xây thành những lăng mộ và lập bàn thờ cho những sư thầy đã quá cố. Trong ngôi chùa thâm nghiêm, có 3 nhà sư tu hành đắc đạo. Sư thầy Xeng Khua Vẳn, dầu đã ngoài tuổi 70 vẫn khỏe mạnh, hồng hào. Chùa Khộp có 6 chú tiểu, suốt ngày tất bật quét dọn nhà chùa, dâng lễ bái Phật và làm những công việc sự vụ do sư thầy bảo ban, sắp xếp.

Khi thấy bóng chúng tôi ở ngoài cửa, 2 chú tiểu lễ phép mời khách vào tận lễ đường. Trong khói hương bay nhè nhẹ, sư thầy Xeng Khua Vẳn đang quỳ lạy trước bức tượng Phật. Cạnh sư thầy, 4 người đàn ông và 2 người đàn bà cùng ngồi chắp tay cung kính. Họ đang làm lễ cầu siêu cho con trai là chiến sĩ quân đội Lào đã anh dũng hy sinh cách đây hơn 4 thập kỷ. Lễ bái cho buổi cầu siêu hôm nay đầy đủ hoa quả, bánh và các trang sức bằng vàng mã. Tan lễ cầu siêu, chúng tôi tiếp cận được với sư thầy Xeng Khua Vẳn. Khuôn mặt sư thầy thật phúc hậu. Sư thầy dùng tay vẩy nước vào đầu, rồi buộc chỉ cổ tay “cầu may” cho 2 chúng tôi. Cảm động hơn, sư thầy mời anh em chúng tôi thưởng thức bánh trái.

Giờ phút tạm biệt, tiễn chúng tôi ra cổng, sư thầy còn nán lại nói với tôi:

- Trong cuộc đời này chẳng có gì thiêng liêng, cao quý bằng lòng nhân ái. Vì thế, mọi người đến chùa là đến với niềm khao khát về tâm đức. Đức Phật dạy tôi bằng đạo pháp, bằng kinh lý những điều hay nhất. Tôi thấy lòng thanh thản khi mình tu và niệm, tất cả hiểu ra điều đó.

Tháng 8/2016

Đọc thêm

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Kho từ vựng của gen Z đang mang đến làn sóng sáng tạo mới trong ngôn ngữ, tạo dấu ấn, phong cách của người trẻ trong giao tiếp nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ lệch chuẩn nếu lạm dụng.
Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương (dân ca K’Ho Lạch) do Đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Ngày 11/12 tại TP Hồ Chí Minh, Liên chi hội Bánh Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) và Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn (Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam - The Vietnam Bakery Cup 2024 (VNBC), thu hút gần 500 đầu bếp trong và ngoài nước tham gia.
Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá của tác giả Y Soái (phát triển dân ca K’Ho Lạch), do đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Đèo Gió có bao nhiêu là gió, sao không thể cuốn hết chuyện cũ đi để mỗi lần nhìn vào mắt chồng, Hạnh lại thấy mình rơi tõm vào cái hố buồn sâu hun hút...
Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Gió mùa về phố rồi tan vào mặt hồ, vào những con đường xa tít tắp để cả mùa đông ta cứ bâng khuâng tha thiết nhớ, một ký ức mang tên gió mùa…
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay gừng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP.HCM chiều nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh
Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm

Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm

Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.