Theo sử sách, châu Thạch Hà xưa kéo dài từ hữu ngạn sông Nghèn, sông Hà Hoàng đến dãy Hoành Sơn. Nơi đây lưu dấu đời sống của người Việt cổ cách đây hơn 4.800 năm, qua các hiện vật tại di chỉ khảo cổ học Thạch Lạc, cồn Lôi Mốt (Thạch Vĩnh), Phái Nam (Thạch Lâm). Cùng với các di chỉ khảo cổ, các vết tích hằn in trên đá ở dãy Trà Sơn và các cồn cát chạy dài ở gần chân núi đã chứng minh những biến động địa chất và xã hội tại Thạch Hà, gắn với quá trình phù sa núi bồi lắng biển, cư dân hướng về biển để đánh bắt cá, chinh phục đồng bằng.
Thị trấn Thạch Hà ngày càng đổi mới, hòa nhịp vào sự phát triển của quê hương đất nước. Ảnh: Nhật Quang |
Bởi vậy, Breton dầu viết An – Tĩnh cổ lục vào đầu thế kỷ XX vẫn chép: Từ tỉnh lỵ Hà Tĩnh xuống Cửa Sót có đi qua một vùng quanh năm ngập nước, điều đó cho thấy, cách đây mươi thế kỷ, đây là một đầm lầy lớn. Nhắc đến miền đất Thạch Hà, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm Ất Tỵ, niên hiệu Ứng Thiên thứ 12 (1005), mùa đông, tháng 10, Đông Thành vương thua chạy vào đất Cửu Long. Vua đuổi bắt, lại chạy sang Chiêm Thành, chưa đến nơi thì bị người châu Thạch Hà giết chết”. Đây là sự kiện sớm nhất hiện còn lưu lại trong chính sử, khẳng định sự xuất hiện của danh xưng Thạch Hà.
Vậy là đến hôm nay, danh xưng Thạch Hà đã trải qua 1009 năm tồn tại liên tục. Trong một thời kỳ dài, dưới các triều đại phong kiến, Thạch Hà là miền biên viễn, biên giới An Nam - Chiêm Thành (tên núi Nam Giới với nghĩa biên giới phía Nam là vì thế), chiến tranh, giặc giã, trộm cướp triền miên. Đất và người nơi đây đã đi cùng lịch sử, trở thành chứng nhân của bao phen đổi dời, từ Bắc thuộc Tùy, Đường; giao tranh An Nam - Chiêm Thành; chống ngoại xâm Nguyên, Minh, Thanh; rồi chịu cảnh tương tàn Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn. Người dân Thạch Hà từ thế kỷ XVII đã cảm thán đầy xót xa: “Giặc ra, thuyền chúa lại vào/ Cửa nhà lại đổ, hầm hào lại xây”.
Đi qua thời gian, thử thách, người Thạch Hà càng vững bền trái tim sắt đá, kiên trì đấu tranh chống lại các ách thống trị. Đất Thạch Hà hôm nay tự hào là quê hương của 3 vị vua (Hắc đế Mai Thúc Loan, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Tiền Ngô vương Ngô Quyền) và những tấm gương tiêu biểu như Đô đốc Hồ Phi Chấn, Thượng tướng quân Võ Tá Sắt, Nguyễn Hiền, Từ Hữu Hòe, Nguyễn Sỹ Quý, Đặng Hữu Cán, Nguyễn Hữu Từ, Tiến sĩ quan Thượng thư Trương Quốc Dụng…
Kế thừa khí phách ông cha, đầu thế kỷ XX, đất Thạch Hà nổi lên những tấm gương kiên trung, đóng góp lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc: Lý Tự Trọng - người thanh niên cộng sản đầu tiên; Nguyễn Thiếp, Mai Kính - Bí thư Tỉnh ủy. Trong giai đoạn “nước sôi, lửa bỏng”, “làng đỏ” Phù Việt, tiếp đó là Đồng Bàn, Cổ Kênh, Đan Hộ, Tiền Lương, Chi Phan đã thành lập các chi bộ cộng sản, làm cơ sở cho Đảng bộ Hà Tĩnh hoạt động, lãnh đạo nhân dân thổi bùng ngọn lửa cao trào Xô viết 1930-1931.
Từ tâm thức ngưỡng vọng nhân thần, khắp các miền quê, người dân đã chung sức xây dựng đền, miếu tỏ lòng biết ơn như: đền Nen (thờ Lý Nhật Quang, Tô Hiến Thành, Mai Thúc Loan); đền Lê Khôi tưởng vọng Đại tướng quân xả thân vì xã tắc; đền Trương Quốc Dụng tưởng nhớ danh nhân toàn tài; miếu Rõi thờ một giọt máu của Lý Nhật Quang…
Thạch Hà là đất của nhiều nỗi gian truân nhưng cũng là đất phát nhân tài, đất hiếu học. Năm Nhâm Tuất 1442, dưới triều nhà Lê, Nguyễn Hộc (Cổ Kênh) và Phan Viên (xã Bàn Thạch) đã trở thành 2 vị trạng khai khoa cho đất Thạch Hà khi đỗ Nhị giáp tiến sĩ. Từ đó, phong trào học hành, thi cử ngày càng phát triển và thịnh đạt. Lịch sử Đảng bộ huyện Thạch Hà, tập 1 (1930-1945), xuất bản năm 1997 ghi: “Chỉ tính trong phạm vi địa bàn huyện Thạch Hà hiện nay, đời Lê, Nguyễn đã có 24 người đỗ đại khoa… Ở trường hương, hàng chục sĩ tử đỗ hương cống (đời Lê) và 29 người đỗ cử nhân (đời Nguyễn).
Ngoài ra, còn có rất nhiều người trúng sinh đồ, tú tài”. Trong hàng những người đậu đạt thời kỳ ấy, nổi lên nhiều tấm gương, tiêu biểu 3 vị tiến sĩ đồng triều là cha con Phan Huy Cận, Phan Huy Ích, Phan Huy Ôn (xã Canh Hoạch). Nhiều dòng họ hiếu học còn được ghi danh đến ngày nay như: họ Phan Huy (Canh Hoạch), họ Nguyễn (Cổ Kênh), họ Trương Quốc (Phong Phú), họ Trần (Ngọc Điền), Võ Tá (Hà Hoàng)…
Đua thuyền trên sông Cày (Thạch Hà). Ảnh:Văn Bảy |
Nói đến Thạch Hà, người ta thường nói về một vùng văn hóa đặc sắc mà tiêu biểu là các làn điệu ví, giặm, hò. Trong cần lao, khó nhọc, người Thạch Hà luôn tự tạo cho mình niềm lạc quan, tin tưởng. Khi nghiên cứu địa chỉ giặm Nghệ Tĩnh, nhiều nhà nghiên cứu đã gọi tên “giặm Thạch Hà”. Trong 36 nghệ nhân hát giặm mà Nguyễn Đổng Chi giới thiệu trong “Hát giặm Nghệ Tĩnh”, có tới 26 người quê Thạch Hà như: dái Kình, dì Tương, thầy Nhung (Ba Giang), cố Ngờn, o Chuột (Đan Chế); Út Lan (Hà Hoàng), ông Cương (Hương Nao)… Nghệ nhân hát ví có thầy Tín, o Đĩ Em (Trung Tiết), bà Hương Vịnh, cố Hoành, cố Thừa Canh, o Tửu (Hương Nao)…
Bên cạnh ví, giặm được phổ biến ở nhiều vùng quê, Thạch Hà còn có “đặc sản” hò Thạch Khê với hình thức hò “đánh trống khắc chang” nổi tiếng, xuất hiện thời kỳ chống Mỹ. Đây là hình thức cụ thể hóa chủ trương “văn nghệ hóa chính trị” của Đảng, làm sinh động mặt trận tư tưởng. Chính tinh thần yêu sinh hoạt văn hóa – văn nghệ mà Thạch Hà có nghệ sĩ như Xuân Năm (Thạch Linh), Lê Thanh Bình (Thạch Ngọc) - những người làm nên bài giặm “Thần sấm ngã” khi Hà Tĩnh đánh thắng trận đầu. Sức mạnh tinh thần đã làm nên sức mạnh vật chất.
Có lẽ vậy mà ngày 31/3/1965 (5 ngày sau chiến công 26/3), dân quân xã Thạch Thượng cùng tự vệ UBND huyện bắn cháy 1 chiếc F4 khi chúng ném bom cầu Cày. Tiếp đó, ngày 19/4/1965, dân quân xã Thạch Thượng, Thạch Trung và tự vệ cơ quan phối hợp với Đại đội pháo 27 bắn rơi chiếc AD6 ngay trên cánh đồng Thạch Trung. Không chỉ đánh giặc giỏi, hát giặm hay, người Thạch Hà còn sản xuất giỏi. Với bàn tay khéo léo, người dân nơi đây đã tạo nên các sản phẩm làng nghề tiêu biểu như nón (Phù Việt), đan (Đan Chế), kiềng (Việt Xuyên), bưng trống (Thạch Hội), đúc đồng (Thạch Lâm), thợ Đình Hòe (Thạch Đỉnh)... Các làng nghề thường gắn với sinh hoạt hò, vè, ví, giặm.
Qua nhiều lần biến động địa giới, Thạch Hà nay chỉ còn diện tích 313,924 km2 với 31 xã, thị trấn. Dẫu vậy, Thạch Hà vẫn mang trong mình nhiều tiềm năng, lợi thế: là huyện phụ cận TP Hà Tĩnh, có núi, sông, đồng bằng, bãi biển. Phát huy truyền thống từ ngàn năm, sau gần 30 năm đổi mới, Thạch Hà đã đạt được những thành tựu to lớn, diện mạo ngày càng khởi sắc. Với địa hình gồm 3 vùng có những lợi thế khác nhau (trà sơn, đồng bằng, duyên hải), Thạch Hà đang phát huy thế mạnh của từng vùng. Trà sơn gắn với sức xanh của đại ngàn, bàn tay con người đang làm nên những rừng thông, keo, cao su xanh tốt. Nơi đây còn hình thành các mô hình kinh tế vườn đồi như nuôi bò, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, hoa, cây cảnh với chỉ dẫn quen thuộc: bưởi Thạch Ngọc; đào Bắc Sơn, Thạch Vĩnh; bò, gà Ngọc Sơn, Nam Hương, Thạch Xuân…
Xuôi mái Trà Sơn, nơi lắng tụ của phù sa các con sông uốn mình ra biển là những cánh đồng chuyên canh lúa như Thạch Lưu, Thạch Vĩnh. Đặc biệt, tại vùng đồng bằng với lợi thế tuyến QL 1A, đã hình thành thị trấn Thạch Hà, cụm công nghiệp Phù Việt - Thạch Long với nhiều hình thức SXKD sôi động. Vùng ven biển, với lợi thế thiên nhiên ban tặng, người Thạch Hà đang phát huy tốt tiềm năng du lịch và phát triển kinh tế. Bên cạnh bãi biển Thạch Hải, Thạch Văn, các di tích văn hóa thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch như danh thắng Quỳnh Viên - đền Lê Khôi, nhiều bãi cát ven biển đã được đầu tư nuôi tôm, sản xuất rau - củ - quả như Thạch Bàn, Thạch Đỉnh, Thạch Văn, Thạch Trị.
Về Thạch Hà hôm nay, đường xuôi nối đường lên ngược, các vùng kinh tế - văn hóa được kết nối tiện lợi. Mạng lưới giao thông như con tàu hối hả, thức dậy bao tiềm năng trong lòng đất, trong khát vọng đổi mới của mỗi vùng quê. Năm 2015, danh xưng Thạch Hà tròn 1.010 năm xuất hiện trong chính sử, cũng là năm diễn ra đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, tôi tin Thạch Hà sẽ hội tụ đủ sức mạnh nhân tâm, thổi bùng huyền thoại rồng ẩn mình trong lòng sông có đá để vươn xa hơn, mạnh mẽ hơn trước bể cả mênh mông.