Trả lời: Về thẩm quyền của Chủ tịch xã, phường trong việc “ra tay” xử lý công trình vi phạm TTXD, thì Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm TTXD đô thị.
Tại Điều 17 Nghị định đã quy định thẩm quyền xử lý vi phạm TTXD đô thị của Chủ tịch UBND cấp xã như sau: Quyết định đình chỉ thi công xây dựng đối với công trình xây dựng vi phạm thuộc địa bàn mình quản lý; Quyết định cưỡng chế phá dỡ đối với công trình xây dựng vi phạm thuộc địa bàn do mình quản lý, trừ những công trình xây dựng vi phạm do UBND cấp huyện cấp Giấy phép xây dựng hoặc Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng;
Tổ chức thực hiện cưỡng chế tất cả các công trình xây dựng vi phạm theo quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện và Chánh thanh tra Sở Xây dựng; Xử lý cán bộ dưới quyền được phân công quản lý TTXD đô thị để xảy ra vi phạm mà không xử lý kịp thời, dung túng bao che cho hành vi vi phạm; Kiến nghị Chủ tịch UBND cấp huyện xử lý các trường hợp vi phạm TTXD đô thị vượt thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã; xử lý cán bộ làm công tác quản lý TTXD đô thị thuộc thẩm quyền quản lý của Chủ tịch UBND cấp huyện.
Theo Luật sư Vi Văn A - Trưởng Văn phòng Luật sư số 7, Đoàn Luật sư Hà Nội: Căn cứ quy định của pháp luật thì Chủ tịch UBND cấp xã hoàn toàn có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ thi công xây dựng đối với công trình xây dựng vi phạm thuộc địa bàn mình quản lý, quyết định cưỡng chế phá dỡ đối với công trình xây dựng vi phạm thuộc địa bàn do mình quản lý, trừ những công trình xây dựng vi phạm do UBND cấp huyện cấp Giấy phép xây dựng hoặc Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng.
Đối với công trình xây dựng không có giấy phép trên địa bàn xã, cán bộ quản lý xây dựng cấp xã có thẩm quyền lập biên bản ngừng thi công, yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục xin cấp Giấy phép xây dựng.
Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng, thì Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định đình chỉ thi công xây dựng, buộc xin cấp Giấy phép xây dựng.
Ngoài ra, nếu vi phạm TTXD nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự theo Luật Hình sự. Cụ thể tại Điều 4 của Nghị định đã quy định rất rõ các biện pháp xử lý vi phạm TTXD đô thị. Theo đó, tuỳ theo mức độ vi phạm, hành vi vi phạm TTXD đô thị phải bị xử lý theo một hoặc các hình thức sau: Ngừng thi công xây dựng công trình; đình chỉ thi công xây dựng công trình, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp điện, nước; cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm; buộc bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra; xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.