Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hà Nội Đặng Quốc Tiến, Trưởng nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh - GSTS Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Hà Tĩnh Ngô Đức Huy đồng chủ trì hội thảo.
Dự hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Về phía tỉnh Hà Tĩnh có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và các Ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Dự án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020; lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Công ty TNHH The Boston Consulting Group (BCG) của Mỹ làm tư vấn. Theo đó, đơn vị tư vấn đã đưa ra 3 kịch bản phát triển KT-XH gồm: Phương án phát triển trong điều kiện bình thường; Chiến lược tăng trưởng xanh Hà Tĩnh; Tăng trưởng cao theo hướng công nghiệp hóa nặng.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh báo cáo quá trình triển khai dự án
Cả 3 kịch bản trên đều không có dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, lọc hóa dầu. Qua phân tích, luận chứng các kịch bản, đơn vị tư vấn đề xuất lựa chọn kịch bản 2: Chiến lược tăng trưởng xanh Hà Tĩnh.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS,TS Mai Trọng Nhuận - Trưởng nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của lập quy hoạch KTXH của quốc gia, của tỉnh, đồng thời nêu rõ, hội thảo là dịp để kết nối các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, con em Hà Tĩnh đang sinh sống và công tác ở ngoài tỉnh hiến kế, đóng góp ý kiến nhằm xây dựng một Hà Tĩnh khát vọng xanh và phát triển bền vững.
GS,TS Mai Trọng Nhuận phát biểu đề dẫn hội thảo
Hội thảo tập trung vào các nội dung chính: Góp ý các báo cáo của BCG; nhận xét về đánh giá của BCG về kết quả thực hiện quy hoạch, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đối với lập quy hoạch tỉnh; đề xuất, kiến nghị.
Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đều đồng tình với kịch bản 2 của BCG đưa ra, đồng thời nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế nhưng phải đảm bảo bền vững. Các ý kiến tham luận cũng cho rằng, bên cạnh phát triển công nghiệp, cảng biển, Hà Tĩnh cũng cần phát huy tiền năng, lợi thế về nhân lực chất lượng cao, giáo dục, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.
Tham luận tại hội thảo, GS.TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lưu ý, cần thận trọng khi phát triển công nghiệp thép và điện than, vì đây là lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường khá lớn. Trong khi đó, BCG đơn vị tư vấn nhận định Hà Tĩnh có tiềm năng, lợi thế về điện tái tạo, điện mặt trời, nhưng không đưa ra được định hướng đến giải pháp tận dụng tiềm năng đó.
Giáo sư Nguyễn Mại phát biểu tại hội thảo
Giáo sư Nguyễn Mại cũng cho rằng, cách trình bày của tư vấn thiếu tính hệ thống và không bao quát một số ngành, lĩnh vực rất quan trọng, cũng là lợi thế của Hà Tĩnh như: Thủy sản và lâm nghiệp, sản xuất kim loại, khung thiết bị xây dựng, sản xuất và truyền dẫn năng lượng, đồ gỗ nội thất, dệt may, hậu cần dịch vụ du lịch.
PGS.TS Trần Đình Thiên phát biểu tại hội thảo
PGS.TS Trần Đình Thiên, (Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng, tư vấn cần phân tích tương quan lợi thế phát triển của Hà Tĩnh trong giai đoạn tới. Phải làm rõ lợi thế phát triển quan trọng nhất của Hà Tĩnh trong giai đoạn tới là gì? Cần nuôi dưỡng lợi thế như thế nào? Cần điều kiện gì để khai thác và phát huy tốt nhất lợi thế đó?
“Liệu trong giai đoạn tới, lợi thế con người Hà Tĩnh (tiềm năng trí tuệ, tài năng kinh doanh và thực lực doanh nghiệp “gốc” Hà Tĩnh) có nổi trội hơn lợi thế cảng biển?” - PGS.TS Trần Đình Thiên đặt câu hỏi.
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, (Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia), đồng quan điểm với đơn vị tư vấn BCG khi lựa chọn kịch bản phát triển 2, vì kịch bản này có vẻ dung hòa hơn. Đây là phương án đảm bảo tính chất “động lực” ở mức vừa phải.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng, với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, nhiều danh nhân, nhà văn hóa nổi tiếng, Hà Tĩnh có lợi thế để phát triển du lịch văn hóa, tâm linh… Đây cũng là mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà lưu ý, trong quy hoạch tỉnh cần nhìn nhận một cách khách quan. Hà Tĩnh trong mối quan hệ với cả nước, và với các tỉnh trong khu vực có gì khác biệt? Dựa vào tiềm năng khác biệt của Hà Tĩnh để tìm hướng phát triển mới.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao Hà Tĩnh trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch. Lập quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của một quốc gia, một vùng, một tỉnh… đều có ý nghĩa quan trọng. Quy hoạch tổng thể không chỉ thể hiện tầm nhìn, quan điểm, định hướng, mục tiêu chiến lược cần hướng đến, mà còn hệ thống các giải pháp nhằm triển khai, hiện thực hóa mục tiêu tổng quan, mục tiêu cụ thể.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ lưu ý một số vấn đề trong quá trình quy hoạch
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ghi nhận đơn vị tư vấn đã đưa ra ý tưởng mới, trong đó nhấn mạnh yếu tố khoa học công nghệ, môi trường xanh, bền vững… phù hợp với xu thế phát triển, và chỉ đạo của Trung ương. Tuy nhiên sự tham gia, ý tưởng của chuyên gia nước ngoài thể hiện trong quy hoạch còn ít; tư duy liên kết vùng còn thiếu… Phó Thủ tướng lưu ý, tư vấn và tỉnh cần tính toán thêm chỉ tiêu thu ngân sách, thu nhập người dân, với mục tiêu đến bao giờ Hà Tĩnh cân đối thu ngân sách; tiếp tục phát huy Khu kinh tế Vũng Áng là khu kinh tế động lực quan trọng của cả nước; lợi thế biển, rừng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch.
“Với sự quan tâm sâu sắc của Trung ương, các bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị tư vấn và sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, tin tưởng Hà Tĩnh sẽ có vị trí xứng đáng trên bản đồ kinh tế cả nước” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn phát biểu tiếp thu các ý kiến đóng góp
Kết thúc hội thảo, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các bộ ngành và Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội đã có những góp ý vào tổng thể quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh.
Hà Tĩnh xin tiếp thu các ý kiến đóng góp đầy trách nhiệm của đại biểu và yêu cầu tư vấn tiếp thu một cách nghiêm túc, đầy đủ. Quan điểm của tỉnh đối với đơn vị tư vấn là không vì gò ép về thời gian mà nhận sản phẩm không tốt.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo Hà Tĩnh chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo