Tham vọng đằng sau những chiến lược quảng cáo gây tranh cãi của Vietjet

(Baohatinh.vn) - Thành lập vào năm 2007 và chính thức khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 12/2011, hãng hàng không tư nhân Vietjet (Vietjet Air) đã trở thành hãng bay lớn thứ hai Việt Nam, chiếm hơn 40% thị phần hàng không nội địa, với số lượng hành khách vận chuyển đạt khoảng 50 triệu lượt.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Vietjet. (Ảnh: Nozomu Ogawa)

Tờ Nikkei của Nhật nhận định, mặc dù lựa chọn cách thức tiếp thị, truyền thông gây nhiều tranh cãi, như tổ chức trình diễn thời trang bikini trên máy bay hay xuất bản những bộ ảnh lịch với sự xuất hiện của các người mẫu xinh đẹp trong trang phục bikini màu vàng, đỏ (màu của máy bay Vietjet) đầy gợi cảm, thế nhưng không thể phủ nhận một điều là sau những ồn ào, mức độ nhận diện thương hiệu của Vietjet Air được gia tăng hiệu quả đến không ngờ.

Sau tất cả, vẫn phải công nhận một điều rằng Vietjet là một hãng hàng không có tốc độ phát triển nhanh với những bước đi đầy khôn ngoan dù tuổi đời còn rất trẻ. Những thành công mà Vietjet đạt được đã giúp cho bà Nguyễn Thị Phương Thảo (47 tuổi) - người sáng lập kiêm CEO của hãng bay này trở thành nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam.

Vietjet cũng giúp tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh trong nước được đi du lịch nhiều hơn. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2016, tốc độ tăng trưởng hành khách nội địa tại thị trường hàng không Việt Nam đạt 17,2%, thuộc vào hàng cao nhất trong khu vực.

Bằng chiến lược giá rẻ, như đưa nhiều ghế hơn lên một máy bay, tối ưu hóa các nguồn lực và năng suất lao động của nhân viên bên cạnh duy trì chi phí vận hành thấp, bà Thảo đang xây dựng nên một doanh nghiệp vững chắc.

Trong một đánh giá trích từ báo cáo của VinaCapital, đây là một trong những công thức giúp Vietjet vượt qua các đối thủ cạnh tranh trên thị trường Đông Nam Á. Doanh thu của Vietjet năm 2017 dự kiến ​​đạt 42 nghìn tỷ đồng, tăng 53% so với năm ngoái, và lợi nhuận ròng đạt 3,8 nghìn tỷ đồng, tăng 56%.

Theo Nikkei, Vietjet đang có kế hoạch mở rộng mạng bay ra khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong 5 năm tới. Để đạt được các mục tiêu đề ra, hãng bay này đã ký một loạt các thỏa thuận mua phi cơ mới với các nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới. Vietjet hiện cũng đang sở hữu đội tàu bay thuộc loại trẻ nhất toàn cầu với tuổi tàu trung bình chỉ 3,3 năm.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư, Tập đoàn VinaCapital nhận định: Vietjet “là một ngôi sao đang lên trong ngành hàng không và sẽ vẫn nhận được nhiều ưu đãi từ các chính sách phát triển của chính phủ trong vài năm sắp tới”.

Tuy nhiên bà Thảo không phải là người phụ nữ quyền lực duy nhất ở Vietjet. Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vietjet - Nguyễn Thanh Hà, 67 tuổi, người có nhiều năm làm việc tại Cục hàng không Việt Nam (CAAV), được xem là một trong những nhân tố quan trọng giúp hãng bay giá rẻ vươn lên trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của Vietnam Airlines, trong khi các đối thủ khác tiếp tục tụt lại phía sau, như: Indochina Airlines (phá sản), Pacific Airlines (bị mua lại) và Air Mekong (đang treo dự án).

Sinh ra tại Hà Nội, bà Thảo sang Liên Xô theo học ngành tài chính, kinh tế và ngân hàng từ năm 17 tuổi. Bà gặp gỡ người chồng hiện tại và thành lập công ty Sovico Holdings tại Nga vào những năm 1990. Ở tuổi 27, CEO tương lai của Vietjet nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế, và bắt đầu đầu tư vào 4 lĩnh vực tại Việt Nam, gồm tài chính, hàng không, bất động sản và công nghiệp.

Bà Thảo sống khá khép mình, tuy nhiên, bắt đầu từ thời điểm Vietjet niêm yết trên sàn chứng khoán vào tháng 2/2017, bà trở nên “quen mặt” hơn với truyền thông.

Bà Thảo cũng xuất hiện tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, diễn ra vào tháng 11 vừa qua. Hầu hết các sự kiện của APEC, đều diễn ra ở một trong những bất động sản của vị nữ tỷ phú tại Đà Nẵng.

Tuy nhận được khá nhiều chỉ trích khi sử dụng hình ảnh người phụ nữ để làm quảng cáo, CEO Vietjet cam kết sẽ “hành động thực sự” để hỗ trợ phụ nữ phát triển sự nghiệp tại Việt Nam.

Trong một chia sẻ vào năm 2016, bà Thảo cho biết: “Trong bất kỳ công ty hoặc văn phòng nào, khi tìm kiếm một nhà lãnh đạo, họ thường nghĩ đến đàn ông đầu tiên và có xu hướng tìm kiếm một người đàn ông thay vì phụ nữ”.

“Tại Vietjet, chúng tôi thiết lập một tỷ lệ nhất định những vị trí điều hành thuộc về nữ giới”, bà Thảo nói đồng thời cho biết Vietjet cũng đặt mục tiêu thay thế dần nam giới bằng nữ giới trong những công việc như kỹ sư hay phi công trong tương lai.

* Nội dung bài viết được Báo Hà Tĩnh điện tử lược dịch từ Nikkei Asian Review.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói