Tháng 9 trên quê hương Xô viết anh hùng

(Baohatinh.vn) - Ngày 12/9/1930, phong trào cách mạng của nhân dân Nghệ Tĩnh nổi lên mạnh mẽ, mở đầu cho trang sử vàng chói lọi của cách mạng nước ta. Đã 85 năm trôi qua nhưng “tiếng trống năm 30” vẫn còn vang vọng trong lòng hàng triệu người con đất Việt.

Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại Bến Thủy (TP Vinh - Nghệ An).

Bài ca cách mạng sống mãi với thời gian

“Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước

Nọ Thanh Chương tiếp bước đứng lên

Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên

Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi…”.

Những lời thơ trong Bài ca cách mạng của nhà cách mạng Đặng Chánh Kỷ đầy khí thế Xô viết năm nào như hòa chung trong không khí rạo rực đón chào kỷ niệm 85 năm Xô viết Nghệ Tĩnh trên mảnh đất Xứ Nghệ hôm nay. Xô viết Nghệ Tĩnh - cụm từ thiêng liêng gợi nhớ đến đỉnh cao của phong trào cách mạng những năm 1930-1931 mãi là niềm tự hào của dân tộc.

Trong nắng vàng ấm áp của những ngày đầu thu, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh (TP Vinh, Nghệ An) trở nên tấp nập hơn thường lệ. Những học sinh trong tà áo trắng, háo hức chờ đợi giây phút được vào tìm hiểu cuộc cách mạng đầy oai hùng của thế hệ cha anh. Những cựu chiến binh không khỏi ngậm ngùi khi chứng kiến hình ảnh, hiện vật của phong trào 30-31. “Liên tiếp các cuộc biểu tình của liên minh công – nông nổ ra. Thợ thuyền, nông dân, muôn người bỏ xưởng máy, cày bừa ra đường chiến đấu. Trong thời gian từ tháng 5 - tháng 12/1930, hàng chục vạn nông dân các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… nổi dậy mạnh mẽ và quyết liệt”… Qua lời kể của thuyết trình viên, tất cả như sống dậy trước bao cặp mắt đầy tự hào.

Mộ và Nhà tưởng niệm những người đã hy sinh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ: “Trung bình mỗi năm, bảo tàng đón hơn 20.000 lượt khách đến tham quan. Dịp đặc biệt kỷ niệm 85 năm Xô viết Nghệ Tĩnh, lượng người đến với bảo tàng tăng đột biến. Đặt chân đến nơi đây là cách để những người con đất Việt tưởng nhớ, tri ân các thế hệ đi trước. Vào các lễ hội hàng năm, bảo tàng còn đưa bộ trưng bày lưu động phục vụ nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh”.

Năm nay, tỉnh Nghệ An được Chính phủ giao đăng cai tổ chức lễ kỷ niệm 85 năm Xô viết Nghệ Tĩnh vào ngày 11/9/2015. Trước thềm kỷ niệm, tỉnh phát động phong trào thi đua trong các tầng lớp nhân dân; tổ chức cho cán bộ, đảng viên, người dân tham quan, tìm hiểu về Xô viết Nghệ Tĩnh. Việc phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức sưu tầm hiện vật về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, trang trí lại khuôn viên đường phố chính trong thành phố và các huyện... được Nghệ An tích cực triển khai, đảm bảo cho lễ kỷ niệm diễn ra trọng thể, trang nghiêm đúng với tinh thần của phong trào cách mạng đỉnh cao trong lịch sử dân tộc.

Chiếc trống và vũ khí nhân dân Hưng Nguyên sử dụng trong cuộc biểu tình 12/9/1930.

Cùng hòa chung với không khí của ngày 12/9 lịch sử, tại Khu di tích Xô viết Nghệ Tĩnh ở Thái Lão (thị trấn Hưng Nguyên, Nghệ An) - nơi tưởng nhớ 217 liệt sỹ đã hy sinh; đình Võ Liệt (Thanh Chương), Khu di tích Bến Thủy (TP Vinh), Khu di tích Xô viết Ngã ba Nghèn (Can Lộc)… trở nên sôi động lạ thường. Những câu ca về Xô viết Nghệ Tĩnh vẫn vang vọng trong lòng người. Lịch sử đau thương mà anh dũng, quật cường. Tinh thần của cao trào Xô viết trở thành chất liệu trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là trong các làn điệu dân ca ví, giặm. Từ những bài vè mang dáng dấp tuyên truyền cách mạng như: Lời hiệu triệu của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mau mau đòi lại lợi quyền… đến Biểu tình 12/9 ở Hưng Nguyên, Đò gang những năm 1930-1931 đã cho thấy diễn biến của cuộc đấu tranh đầy sinh động.

Âm hưởng Xô viết Nghệ Tĩnh còn là ngọn nguồn cho sáng tác của các nhạc sỹ. Những lời ca nhắc tới khí thế đấu tranh hào hùng trên khắp các vùng quê hay câu hát thiết tha, cháy bỏng như gọi ta về với khí thế tiến công trong những ngày oai hùng đầy lửa căm hờn, máu và nước mắt. Có thể nói, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã chạm vào cửa ngõ âm nhạc với những lời ca lay động hàng triệu trái tim.

Từ Xô viết Nghệ Tĩnh đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, nhân dân Can Lộc luôn thể hiện tinh thần của những người con trên quê hương Xô viết. Ảnh: Sỹ Ngọ

Hội nhập và phát triển

Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh “đi đầu dậy trước” đã để lại những giá trị tinh thần to lớn cho lịch sử dân tộc suốt chiều dài 85 năm qua. Phong trào là sự phản ánh rõ nét tinh thần táo bạo, quyết liệt, dám làm, dám chịu, đấu tranh từ khó khăn, gian khổ để bảo vệ Tổ quốc. Những giá trị đó cần thiết phải được gìn giữ và giáo dục sâu sắc cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ để từ đó, biến sức mạnh đấu tranh thành sức mạnh đổi mới, sáng tạo trong xây dựng quê hương, đất nước.

Mô hình tượng đài XVNT tại Khu di tích XVNT (Thái Lão-Hưng Nguyên) đang được lấy ý kiến nhân dân

Phát huy tinh thần Xô viết, Nghệ An và Hà Tĩnh đã có những quyết sách năng động và sáng tạo trong xóa đói giảm nghèo, đón bắt thời cơ, kêu gọi đầu tư, phát huy sức mạnh tổng lực, tạo bước đột phá mang lại những thành quả mới. Bước vào thời kỳ CNH-HĐH, Nghệ An, Hà Tĩnh đã vươn mình, chuyển biến mạnh mẽ, trở thành đầu tàu kinh tế khu vực Bắc miền Trung. Nghệ An phấn đấu thu ngân sách năm 2015 đạt 8.184 tỷ đồng, Hà Tĩnh phấn đấu thu 15.000 tỷ đồng. Nhiều khu công nghiệp hình thành và trở thành trọng điểm quốc gia như Vũng Áng, Bắc Cấm… Nhiều công trình hạ tầng được triển khai và hoàn thành với tiến độ nhanh như quốc lộ 1A, nhà ga mới sân bay Vinh, 5 cầu vượt đường sắt, đại lộ Vinh - Cửa Lò, đường ven biển Nghi Xuân - Vũng Áng cùng nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng…

Hà Tĩnh đang vươn mình trỗi dậy với sức sống mới

Thành phố Vinh – “điểm nhấn” KT-XH của tỉnh Nghệ An tiếp tục phát triển nhanh, ổn định và tương đối toàn diện. Những tòa nhà cao tầng lần lượt mọc lên; các công trình hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng; khu du lịch - văn hóa được chú trọng, nâng cấp… trong những năm qua đã phần nào minh chứng sự đổi thay “chóng mặt” cuộc sống của người dân nơi đây. TP Hà Tĩnh đang vươn mình trỗi dậy với sức sống mới. Thị xã Kỳ Anh ra đời ở vùng cực Nam Nghệ Tĩnh, mang lại diện mạo mới cho “Hoành Sơn nhất đái”.

Những thành tựu vượt bậc cho phép Nghệ An, Hà Tĩnh bước vào thời kỳ mới với động lực, sáng tạo mới, tạo ra những cơ hội phát triển KT-XH, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Ngày 27/11/2014, tại kỳ họp của Ủy ban Chính phủ về bảo vệ di sản phi vật thể diễn ra tại Paris, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, trở thành niềm tự hào của người Xứ Nghệ và nhân dân cả nước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói