Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy chất vấn thành viên Chính phủ. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Phát huy những mặt tích cực đã làm được của kỳ họp trước, phiên chất vấn lần này tiếp tục ghi nhận những đổi mới quan trọng trong hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ này.
Tăng thời lượng, tranh luận đến cùng
Điểm đổi mới nổi bật nhất so với những kỳ họp trước đây của Quốc hội, Kỳ họp thứ 3 đã dành thêm nửa ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Tuy tăng thêm thời gian chất vấn nhưng nhóm vấn đề chất vấn không tăng thêm.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay việc tăng thêm thời lượng chất vấn và trả lời chất vấn nhằm dành thời gian cho các thành viên Chính phủ tham gia giải trình nhiều hơn, qua đó làm sáng tỏ các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.
Tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành chất vấn về 4 nhóm nội dung liên quan đến những vấn đề bức xúc xã hội mà nhân dân và cử tri cả nước quan tâm, những vấn đề hết sức hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Đó là: Tái cơ cấu nền nông nghiệp hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa bền vững, phát triển nguồn lợi thủy sản; Quản lý hoạt động văn hóa, chất lượng du lịch, giữ vững nền tảng đạo đức xã hội; Vấn đề khám chữa bệnh, giá thuốc chữa bệnh, y tế cơ sở; Huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá: “Các nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn lần này đều rất thiết thực, bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh được những mối quan tâm, bức xúc của cử tri và nhân dân thời gian gần đây.”
Tiếp nối những đổi mới tích cực và hữu hiệu trong các phiên chất vấn lần trước, tại Kỳ họp này, quyền tranh luận của đại biểu Quốc hội tiếp tục được thực hiện và phát huy, với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng. Qua phần trả lời của các thành viên Chính phủ, đại biểu nào chưa hài lòng với câu trả lời có thể chất vấn lại, phản biện hoặc tranh luận thêm, làm rõ hơn nội dung chất vấn, đề cập sâu sắc từ nhiều góc độ và đi đến tận cùng của vấn đề. Cũng qua phần tranh luận, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ có thể giải trình cặn kẽ hơn những việc đã làm, đang làm hoặc chưa làm được, những khó khăn đặt ra, định hướng sắp tới và giải pháp khả thi.
Trong ba ngày chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là thành viên Chính phủ nhận được nhiều ý kiến phản biện nhất từ các đại biểu Quốc hội với 19 ý kiến tham gia tranh luận. Đây là lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến rất nhiều vấn đề của đời sống xã hội, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri, nhân dân cả nước và các đại biểu Quốc hội.
Những tranh luận, phản biện lại từ các đại biểu Quốc hội đối với phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã làm rõ hơn nữa trách nhiệm của Bộ trong việc xử lý các vấn đề "nóng" được dư luận xã hội quan tâm xung quanh tình trạng đầu tư dàn trải, giải ngân vốn đầu tư công chậm, giải pháp khắc phục những vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư công...
Để có giải pháp đúng tầm
Một điểm nhấn của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này là với mỗi nhóm vấn đề chất vấn, cùng với phần trả lời của các tư lệnh ngành, các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực đã trực tiếp tham gia giải trình, làm rõ những nội dung vượt quá thẩm quyền quản lý của một bộ, thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ.
Tại các kỳ họp trước, các Phó Thủ tướng đã từng tham gia trả lời chất vấn trước Quốc hội, nhưng lần này mỗi Phó Thủ tướng trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu đối với lĩnh vực mình phụ trách. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng phân định rõ trách nhiệm như vậy là để có giải pháp đúng tầm hơn.
Qua ba ngày chất vấn, vấn đề Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà (Đà Nẵng) đã nhận được nhiều quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Trước phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện vào sáng 14/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tiếp tục giải đáp phần tranh luận của đại biểu Quốc hội về nội dung này.
Băn khoăn của đại biểu Quốc hội về việc có phải Chính phủ để Đà Nẵng tự quyết trong quy hoạch Sơn Trà hay không đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định chắc chắn không có chuyện này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng khi chính quyền Đà Nẵng vào cuộc sẽ có giải pháp tạo sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định vấn đề này trên tinh thần phát triển bền vững. Những yếu tố nào về bền vững chưa chắc chắn bây giờ sẽ để lại," Phó Thủ tướng khẳng định.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá câu trả lời của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giúp các đại biểu Quốc hội yên tâm. Nhiều cử tri trên cả nước cũng sẽ yên tâm khi Đà Nẵng cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có giải pháp tối ưu để khai thác các sản phẩm du lịch.
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cử tri Phan Công Huy, công tác tại Điện lực Đà Nẵng thể hiện sự tâm đắc với phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về quy hoạch bán đảo Sơn Trà và cho rằng phần trả lời đã tạo được niềm tin của nhân dân Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung. Vấn đề quy hoạch bán đảo Sơn Trà cần sự thống nhất trong đảng bộ chính quyền và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng.
Trong nửa ngày cuối cùng của phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã thay mặt Chính phủ, trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Phan Anh Khoa chất vấn thành viên Chính phủ. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Các câu hỏi của đại biểu Quốc hội đặt ra đối với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ rất đa dạng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cử tri, Nhân dân và các đại biểu Quốc hội về phương án giải quyết một số dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả; tình trạng khiếu kiện kéo dài trong dân; giải quyết ùn tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; vấn đề môi trường biển tại miền Trung; tư duy nhiệm kỳ...
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trả lời cụ thể từng vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận tại hội trường, qua đó giúp cử tri, nhân dân hiểu rõ hơn các quyết sách của Chính phủ, những công việc sẽ triển khai trong thời gian tới...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá các phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi và xây dựng. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề và tích cực tranh luận. Đặc biệt, hoạt động tranh luận không chỉ diễn ra giữa đại biểu với các thành viên Chính phủ mà còn giữa đại biểu với đại biểu, qua đó góp phần làm rõ thêm những hạn chế, yếu kém, xác định trách nhiệm và có giải pháp khắc phục.
Qua 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, có thể cảm nhận từ Hội trường Diên Hồng một không khí cởi mở, dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm. Trong bầu không khí ấy hiện hữu một niềm tin, niềm mong đợi về bước chuyển mình đi lên của đất nước. Ở đó có sự đồng thuận, quyết tâm cao của cả Quốc hội và Chính phủ, cả người chất vấn và người được chất vấn, cùng hướng đến một mục tiêu chung, vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân./.