Thảo luận Luật Đầu tư: Đề nghị bổ sung nội dung hồ sơ chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư

(Baohatinh.vn) - Sáng nay (20/11), Quốc hội tiếp tục phiên làm việc với các nội dung biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh) tham gia thảo luận tại hội trường.

Tham gia thảo luận tại hội trường về Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh) bày tỏ quan điểm đồng tình với Báo cáo thẩm tra Luật Đầu tư (sửa đổi) của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và tham gia đóng góp ý kiến với các nội dung sâu sắc, phản ánh nhiều bất cập đang xảy ra trong thực tiễn.

Thảo luận Luật Đầu tư: Đề nghị bổ sung nội dung hồ sơ chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư

Về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng: Theo Điều 34 hồ sơ thủ tục thẩm định với thành phần hồ sơ rất lớn và đa dạng, tuy nhiên, yêu cầu về thời gian làm việc, năng lực và thẩm quyền thẩm tra có thể gây khó khăn cho cơ quan thẩm định trong việc đánh giá một cách chính xác.

Đại biểu dẫn chứng: Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư phải thẩm định vốn chủ sở hữu để thực hiên dự án và khả năng huy động vốn của nhà đầu tư. Tuy nhiên trên thực tế, việc thẩm định nội dung này không phải là dễ do chưa có cơ sở pháp lý cho phép các cơ quan thẩm định có quyền kiểm tra, xác minh tình hình tài chính của nhà đầu tư. Thời gian qua, việc thẩm định năng lực tài chính chủ yếu đánh giá dựa trên các tài liệu nhà đầu tư cung cấp.

Tuy nhiên, với các tài liệu này thì chưa đủ cơ sở để đánh giá việc đảm bảo vốn chủ sở hữu và khả năng huy động nguồn vốn của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư mới được thành lập, chưa có báo cáo tài chính hoặc có báo cáo tài chính nhưng chưa được kiểm toán độc lập.

Do đó, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thành phần, nội dung hồ sơ chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư, trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc báo cáo, giải trình và cung cấp các tài liệu chứng minh năng lực tài chính và trách nhiệm của cơ quan thẩm định đối với nội dung này.

Về chấm dứt hoạt động dự án đầu tư theo quy định tại Điểm g; Khoản 1, Điều 49: “Nhà đầu tư chậm tiến độ thực hiện dự án 24 tháng so với tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án”.

Đại biểu diễn giải: Tiến độ thực hiện dự án đầu tư, bao gồm: Tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động (nếu có); tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động, hạng mục chủ yếu của dự án, trường hợp dự án thực hiện theo từng giai đoạn, phải quy định mục tiêu, thời hạn, nội dung hoạt động của từng giai đoạn.

Việc quy định trên, sau 24 tháng mà chưa xác định mốc thời gian tính từ thời điểm nào (tính từ ngày ban hành văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay mốc thời gian đầu tiên nhà đầu tư phải bắt đầu triển khai dự án hay mốc cuối cùng phải hoàn thành toàn bộ dự án theo tiến độ được ghi trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư?) là chưa thực sự rõ ràng, có thể hiểu sai trong việc áp dụng. Đây là một trong những nội dung liên quan đến việc khiếu nại, khiếu kiện sau khi chấm dứt hoạt động dự án.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Đầu tư thì chỉ quy định chấm dứt hoạt động toàn bộ dự án, tuy nhiên trên thực tế có nhiều dự án đã đi vào hoạt động một số hạng mục, nếu chấm dứt hoạt động toàn bộ dự án là không thực sự cần thiết và sẽ dẫn đến nhiều phát sinh phức tạp. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định thêm trường hợp chấm dứt một phần dự án đầu tư.

Về ngành nghề cấm kinh doanh, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đồng ý với báo cáo thẩm tra của UBKT và làm rõ thêm một số vấn đề:

Dự thảo luật bổ sung Điểm h Điều 6: Kinh doanh dịch vụ đòi nợ, theo đại biểu không nên đưa điều này vào ngành nghề cấm kinh doanh, vì xét về hình thức, đây cũng là một hoạt động kinh doanh đáp ứng yêu cầu cuộc sống và của khách hàng. Thực tế cho thấy, nhiều người cho vay không đòi được nợ đã dẫn đến truy sát cả gia đình người thân, bạn bè, hàng xóm,... bởi nếu kiện ra tòa thì mất nhiều thời gian, chi phí kiện tụng không phải là nhỏ và không đòi được nợ nếu những người đi vay bị xử đi tù.

Việc quy định này có ngăn chặn được hiện tượng đòi nợ thuê xảy ra khi mà hàng loạt các công ty tài chính mọc lên với chức năng là cho vay nặng lãi và sau đó là đòi nợ diễn ra tương đối phổ biến hiện nay? Đại biểu cho rằng vấn đề là các cơ quan chức năng như công an, chính quyền địa phương phải vào cuộc và có chế tài quản lý chặt chẽ, truy tố hình sự đối với những người đòi nợ thuê có hành vi bạo lực, côn đồ,… chứ không phải là không quản lý được rồi ngăn chặn và cấm.

Về hình thức hỗ trợ đầu tư mới: Dự thảo Luật Đầu tư bổ sung thêm Điểm h, Khoản 1, Điều 20: “Hỗ trợ vốn đầu tư từ NSNN”, đại biểu băn khoăn về sự thích ứng của điểm này trong Khoản 1, vì các điểm a đến g là các hình thức hỗ trợ đầu tư cho một hoạt động hoặc một lĩnh vực nào đó cụ thể được xác định, còn Điểm h phạm vi hỗ trợ rất rộng, quy định còn rất chung chung. Bên cạnh đó, Khoản 2 lại xác định Chính phủ quy định chi tiết cho các hình thức hỗ trợ.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, để đảm bảo tính minh bạch, dự thảo Luật cần xác định rõ hoạt động hay lĩnh vực nào cần được hỗ trợ, có thể liệt kê thêm một số nội dung tương tự như điểm a đến g nếu Chính phủ đánh giá tác động thấy là cần thiết, đảm bảo tính minh bạch cho dự thảo luật. Bởi tựu chung lại, các hình thức hỗ trợ đầu tư (từ a đến g) cũng tập trung từ vốn NSNN là phần nhiều.

(Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh)

Đọc thêm

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.