Thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với các Quốc hội Lào, Campuchia, Myanmar

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào Pany Yathotou, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Heng Samrin và Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Liên bang Myanmar Mahn Win Khaing Than, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Liên bang Myanmar từ ngày 26-29/9 và tham dự Đại hội đồng AIPA-37 diễn ra từ ngày 29/9-3/10/2016 tại Thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Volachith

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân sau khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Chuyến thăm nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Quốc hội nước ta với Quốc hội Lào, Quốc hội Campuchia và Quốc hội Myanmar; thể hiện sự ưu tiên đặc biệt trong chính sách đối ngoại của nước ta khi chọn Lào và Campuchia là hai nước thăm đầu tiên; thể hiện sự coi trọng và mong muốn của nước ta trong việc thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Myanmar sau khi nước bạn bầu chính quyền dân sự mới, mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa hai nước.

Chuyến thăm cũng nhằm thực hiện các cam kết về trao đổi Đoàn lãnh đạo cấp cao của Quốc hội cũng như các hợp tác khác theo tinh thần Thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Quốc hội nước ta với Quốc hội của ba nước; nhằm tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa cơ quan lập pháp của Việt Nam với cơ quan lập pháp của ba nước.

Tiếp tục phát triển mối quan hệ truyền thống lâu đời, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện hai nước Việt- Lào

Quan hệ Việt Nam- Lào tiếp tục phát triển tích cực, theo chiều sâu, hiệu quả, thực chất trên các lĩnh vực. Hai bên phối hợp tổ chức tốt Cuộc gặp cấp cao thường niên năm 2016 giữa hai Bộ Chính trị; kỳ họp thứ 38 Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác song phương; ký các văn bản pháp lý hoàn thành dự án tôn tạo và tăng dày hệ thống mốc quốc giới giữa hai nước. Hai bên đã tổ chức nhiều chuyến thăm cấp cao. Về phía Lào, ngay sau khi được bầu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Volachith đã thăm chính thức nước ta từ ngày 25- 27/4/2016; ngoài ra còn có các chuyến thăm của Thủ tướng Thongloun Sisoulith, Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Somphanh Phengkhammy, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Saysomphone Phomvihane…

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA giữa hai nước tiếp tục phát triển. Tính đến tháng 12/2015, Lào đã cấp 413 dự án cho các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư tại Lào với tổng số vốn đầu tư khoảng 4,9 tỷ USD. Hai bên cũng đã ký Hiệp định Thương mại mới vào tháng 3/2015; Hiệp định Thương mại biên giới vào tháng 6/2015. Tuy nhiên, năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều chỉ đạt 1,3 tỷ USD, không đạt chỉ tiêu 2 tỷ USD. Hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực an ninh- quốc phòng, năng lượng, y tế, văn hóa, du lịch, giáo dục- đào tạo ngày càng được mở rộng; đẩy mạnh triển khai các dự án, tìm kiếm nguồn vốn triẻn khai các dự án giao thông quan trọng, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Hà Nội- Viêng Chăn.

Hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào được củng cố và tăng cường; hai bên hỗ trợ nhau về phát triển nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật; phối hợp tổ chức các đoàn giám sát giữa các cơ quan của Quốc hội, góp phần thúc đẩy hiệu quả hợp tác giữa hai Chính phủ. Ngày 3/7/2012, hai Quốc hội đã ký Thỏa thuận hợp tác, đây là cơ sở để tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác song phương và đa phương giữa hai Quốc hội. Cơ chế hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Lào tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả. Hai bên tiến hành duy trì đều đặn việc trao đổi đoàn lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của hai Quốc hội nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng thể chế, hệ thống pháp luật và giám sát triển khai thực hiện pháp luật.

Quốc hội hai nước đã phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn nghị viện khu vực và thế giới, tham khảo quan điểm và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn liên nghị viện... Hai bên đẩy mạnh phối hợp, hợp tác để Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2016, góp phần duy trì thống nhất, đoàn kết trong ASEAN.

Chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta sẽ góp phần tiếp tục phát triển mối quan hệ truyền thống lâu đời, tinh thần đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt- Lào.

Tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam- Campuchia

Quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa Việt Nam và Campuchia tiếp tục duy trì và củng cố. Việc thực hiện các Tuyên bố chung và Thỏa thuận cấp cao giữa hai nước được quan tâm và triển khai thực hiện. Hai bên đã phối hợp tổ chức kỳ họp lần thứ 14 Ủy ban hỗn hợp giữa hai nước và đạt thỏa thuận trên 28 lĩnh vực hợp tác.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Việt Nam đã có 11 dự án đầu tư tại Campuchia với tổng số vốn là 211 triệu USD, nâng tổng số dự án của Việt Nam đầu tư tại Campuchia là 172 dự án. Với tổng vốn đăng ký là 3,61 tỷ USD, Việt Nam đứng thứ 5, sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu, Malaysia, trong tổng số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Campuchia. Hiện nay, Campuchia có 12 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 54 triệu USD, đứng thứ 49 trên tổng số 103 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Heng Samrim

Trong năm 2015, kim ngạch thương mại song phương đạt 3,37 tỷ USD. Quý I năm 2016, kim ngạch thương mại song phương đạt 944,6 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2015. Hai nước phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 5 tỷ USD trong thời gian tới. Năm 2015, du khách Việt Nam sang Campuchia đạt khoảng 1 triệu lượt người, du khách Campuchia tới Việt Nam đạt 210.000 lượt người...

Quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Campuchia tiếp tục phát triển. Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội ký tháng 4/2007 là cơ sở pháp lý cho các hoạt động thiết thực và hiệu quả giữa hai Quốc hội, các cơ quan của hai Quốc hội trong những năm gần đây. Hai bên đã thực hiện tốt các chuyến thăm của lãnh đạo Quốc hội, các chuyến thăm làm việc của các cơ quan chuyên môn và của hai Nhóm nghị sĩ hữu nghị góp phần tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa cũng như tình đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và Campuchia.

Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác nhiều mặt Việt Nam- Myanmar

Thời gian qua, Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam- Myanmar được củng cố và phát triển tốt đẹp. Hai bên đã xác định và duy trì 12 lĩnh vực hợp tác ưu tiên như: nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, thủy sản, tài chính- ngân hàng, hàng không, viễn thông, dầu khí, khai thác khoáng sản, sản xuất thiết bị điện, sản xuất và lắp ráp ô tô, xây dựng, đầu tư- thương mại.

Tính đến hết tháng 6/2016, với 11 dự án được cấp phép, tương đương tổng vốn FDI là 693,3 triệu USD. Kim ngạch thương mại hai chiều, tính đến hết tháng 7/2016 đạt 299 triệu USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2015. Hàng năm, hai bên đã tổ chức hội chợ thương mại tại mỗi nước để giới thiệu sản phẩm và thu hút các doanh nghiệp đầu tư.

Cùng với quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội ngày càng phát triển tích cực hơn, nhất là sau khi Myanmar được kết nạp trở thành thành viên Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào tháng 9/2011. Với các chuyến thăm của lãnh đạo Quốc hội hai nước, Quốc hội và Văn phòng Quốc hội hai nước đã ký Thỏa thuận hợp tác vào tháng 7/2013, đây là cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động hợp tác như: duy trì trao đổi đoàn, tăng cường hoạt động của nhóm nghị sỹ hữu nghị, giao lưu giữa nghị sỹ hai nước... Trên diễn đàn đa phương, hai nước đã phối hợp chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn liên nghị viện IPU và AIPA.

Chuyến thăm Cộng hòa Liên bang Myanmar khẳng định sự coi trọng và mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn hợp tác nhiều mặt cùng có lợi giữa Việt Nam và Myanmar trong bối cảnh mới.

Tiếp tục thể hiện chính sách tích cực, chủ động hội nhập quốc tế

Nhận lời mời của Chủ tịch thượng viện, Quốc hội Myanmar Mahn Win Khaing Than Đoàn đại biểu Quôc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu tham dự Đại hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 37 (AIPA- 37) diễn ra từ ngày 29/9- 3/10/2016 tại thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar.

Đại hội đồng AIPA- 37 lần này là Đại hội đồng đầu tiên của Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á được tiến hành sau khi Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập. Chủ đề của Đại hội đồng lần này là “AIPA sống động vì một Cộng đồng ASEAN tiến bộ” nhằm tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện xây dựng Cộng đồng ASEAN theo các nội dung đã đề ra trong văn kiện Tầm nhìn ASEAN 2025. Hiện ASEAN đang tập trung trao đổi các biện pháp nhằm triển khai hiệu quả Tầm nhìn 2025 và 3 Kế hoạch tổng thể của 3 Cộng đồng chính trị- an ninh; kinh tế và xã hội.

Việc Chủ tịch Quốc hội nước ta tham dự AIPA- 37 tiếp tục thể hiện chính sách tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trên các diễn đàn đa phương sau khi Quốc hội Việt Nam đã đăng cai thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU- 132) trong năm 2015; đồng thời đóng góp tích cực vào sự hợp tác trong AIPA cũng như hợp tác khu vực.

Theo quochoi.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói