Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak. (Ảnh: CFR)
Malaysia mở phiên tòa đầu tiên xét xử cựu Thủ tướng Najib Razak: Sau nhiều lần trì hoãn, ngày 3/4, Malaysia đã mở phiên tòa xét xử cựu Thủ tướng Najib Razak với các cáo buộc tham nhũng liên quan đến vụ bê bối Quỹ Đầu tư nhà nước 1Malaysia (1 MDB).
Trong phiên xét xử đầu tiên này, cựu Thủ tướng Najib phải đối mặt với 7 cáo buộc, gồm lợi dụng tín nhiệm, tham nhũng và rửa tiền, vốn được cho là giúp ông "bỏ túi" 42 triệu ringgit (khoảng 10,3 triệu USD).
Ngay sau khi bắt đầu phiên xét xử, cựu Thủ tướng Najib đã bác bỏ mọi cáo buộc trên.
Ban đầu phiên tòa này dự kiến diễn ra vào ngày 12/2 vừa qua, song đã bị hoãn lại theo đề nghị của các luật sư bào chữa.
Phiên tòa xét xử diễn ra gần 1 năm sau khi ông Najib thất bại trong cuộc tổng tuyển cử, vốn đưa cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, 93 tuổi, trở lại nắm quyền.
Bà Lori Lightfoot trả lời phỏng vấn báo chí bên ngoài địa điểm bỏ phiếu tại Nhà thờ Công giáo Saint Richard ở Chicago, Illinois vào ngày 2/4/2019. (Ảnh: AFP)
Người phụ nữ gốc Phi đầu tiên được bầu làm Thị trưởng Chicago, Mỹ: Ngày 2/4, bà Lori Lightfoot đã được bầu làm Thị trưởng Chicago.
Bà Lori Lightfoot (56 tuổi) là cựu công tố viên liên bang và hiện đang là luật sư. Bà đã giành chiến thắng trước Toni Preckwinkle - một phụ nữ người Mỹ gốc Phi khác với số phiếu áp đảo (74% so với 26%). Lightfoot sẽ trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên trong lịch sử giữ chức Thị trưởng Chicago - thành phố lớn thứ ba nước Mỹ. Kể từ năm 1837 đến nay, Chicago chỉ có một Thị trưởng da màu và một Thị trưởng khác là nữ.
Cử tri hy vọng Thị trưởng mới có thể đưa ra các biện pháp để giải quyết các vấn nạn tại thành phố 2,7 triệu dân này, đặc biệt là vấn đề bất bình đẳng kinh tế và bạo lực súng đạn. Năm 2018, có hơn 550 người thiệt mạng ở Chicago do bạo lực băng đảng - chủ yếu là các băng đảng buôn ma túy ở khu dân cư của người Mỹ gốc Phi.
Ông Juan Guaido. (Ảnh: Reuters)
Quốc hội lập hiến Venezuela tước quyền miễn trừ của “Tổng thống tự phong”: Quốc hội lập hiến Venezuela ủng hộ đề nghị của Tòa án Công lý Tối cao về việc tước quyền miễn trừ đối với ông Juan Guaido, mở đường cho việc truy tố nhà lãnh đạo phe đối lập được Mỹ ủng hộ này.
Quyết định tước quyền miễn trừ đối với ông Guaido – lãnh đạo phe đối lập đang kiểm soát Quốc hội – được đưa ra chỉ 1 ngày say khi Tòa án Công lý tối cao kêu gọi các nghị sỹ Quốc hội lập hiến có hành động đối với “Tổng thống tự phong”, do ông Guaido bị cáo buộc kích động bạo lực và có liên quan tới hoạt động tài chính bất hợp pháp.
Việc mất quyền miễn trừ đồng nghĩa với việc ông Guaido có thể bị truy tố hình sự.
Ông Juan Guaido hiện là Chủ tịch Quốc hội Venezuela và được hưởng quyền miễn trừ truy tố đối với nghị sĩ theo luật định. Sau khi phe đối lập giành quyền kiểm soát Quốc hội trong cuộc bầu cử năm 2017, những người ủng hộ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã thành lập Quốc hội lập hiến nhằm vô hiệu hóa quyền lực của Quốc hội.
Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano. (Ảnh: AP)
Tổng giám đốc IAEA khẳng định việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân: PressTV đưa tin, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano đã tái khẳng định Iran tuân thủ những cam kết liên quan tới hạt nhân trong khuôn khổ Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA).
Người đứng đầu IAEA ngày 2/3 nhấn mạnh: "Trong những báo cáo thông thường với ban lãnh đạo, tôi đã tuyên bố rằng Iran đang tuân thủ những cam kết này. Kể từ tháng 1/2016, cơ quan (IAEA) đã xác minh và giám sát việc thực thi những cam kết liên quan tới hạt nhân của Iran trong khuôn khổ JCPOA."
Ông Amano lưu ý thêm các thanh tra viên IAEA đã tiếp cận đầy đủ tất cả địa điểm được yêu cầu nhằm xác minh việc thực thi thỏa thuận.
Những tuyên bố trên được ông Amano đưa ra sau khi đại diện đặc biệt của Mỹ về Iran cho biết Washignton sẽ không xem xét miễn trừ thêm cho những nước nhập khẩu dầu Iran.
Thủ tướng Anh Theresa May (trái, phía trước) phát biểu tại phiên họp của Hạ viện về thỏa thuận Brexit tại London, ngày 29/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Anh đề nghị Liên minh châu Âu tiếp tục lùi thời hạn Brexit: Chiều 2/4, theo giờ địa phương, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ đề nghị Liên minh châu Âu (EU) gia hạn thêm thời hạn Brexit để có thời gian tháo gỡ "bế tắc" tại Hạ viện.
Bên cạnh đó, bà cũng cho biết muốn gặp lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn để hai bên thống nhất kế hoạch về tương lai quan hệ giữa Anh với EU.
Phát biểu tại số 10 Phố Downing sau cuộc họp nội các kéo dài hơn 7 giờ nhằm tháo gỡ thế bế tắc hiện nay liên quan đến Brexit, Thủ tướng May cho biết bà muốn đảng Bảo thủ và Công đảng đối lập nhất trí một kế hoạch Brexit mới và đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện trước ngày 10/4 do đó cũng là ngày EU tiến hành cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp về vấn đề Brexit.
Về phía mình, lãnh đạo Công đảng đối lập Corbyn cho biết sẵn sàng gặp Thủ tướng May và rằng Hạ viện cần bỏ phiếu cho các lựa chọn khác để thay cho khung khuôn khổ tương lai các mối quan hệ hiện nay giữa Anh và EU một cách "sớm nhất có thể."