Người di cư Trung Mỹ tại khu lều tạm ở Mexicali, bang Baja California, Mexico, trong hành trình tới Mỹ ngày 18/11/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Mỹ sẽ triển khai trục xuất người nhập cư bất hợp pháp sau ngày 4/7: Sau ngày nghỉ lễ Quốc khánh 4/7, cơ quan chức năng Mỹ sẽ bắt đầu triển khai chiến dịch trục xuất người nhập cư bất hợp pháp tại 10 thành phố, trong đó có Los Angeles, Houston, Chicago, Miami, New York và San Francisco. Trong tuyên bố trên mạng xã hội ngày 2/7, Tổng thống Donald Trump nêu rõ: "Sau ngày 4/7, rất nhiều người sẽ phải ra khỏi Mỹ.”
Thông báo trên được Tổng thống Trump đưa ra tại Phòng Bầu dục khi ông ký dự luật của Thượng viện trị giá 4,6 tỷ USD nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư ở khu vực biên giới phía Nam giữa Mỹ và Mexico.
Trên thực tế, chính quyền Tổng thống Trump đưa ra kế hoạch trục xuất nói trên từ cuối tháng 6. Tuy nhiên, kế hoạch này đã được hoãn lại để các nghị sỹ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa có thêm thời gian thảo luận và tìm kiếm giải pháp hữu hiệu cho vấn đề tị nạn cũng như các "kẽ hở" pháp lý ở biên giới phía Nam.
Kỹ thuật viên Iran kiểm tra các thiết bị tại cơ sở làm giàu urani Isfahan ở cách thủ đô Tehran 420km về phía nam. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)
Nga, Trung Quốc kêu gọi Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 2/7 kêu gọi Iran "không để cảm xúc lấn át" và tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, một ngày sau khi Tehran thông báo đã vượt giới hạn urani làm giàu theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sau các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Ông Lavrov nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi Iran bình tĩnh, không để cảm xúc lấn át và tuân thủ các điều khoản chính của thỏa thuận hạt nhân". Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 2/7 bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Iran vượt quá giới hạn dự trữ urani làm giàu theo thỏa thuận hạt nhân 2015, tuy nhiên cho rằng sức ép tối đa của Mỹ là nguyên nhân đưa đến tình hình căng thẳng hiện nay.
Ông Cảnh Sảng nêu rõ: "Trung Quốc lấy làm tiếc về các biện pháp Iran đưa ra, tuy nhiên cùng lúc, chúng tôi nhấn mạnh trong nhiều trường hợp trước đó, chính sức ép tối đa của Mỹ là nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng hiện nay. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên xem xét vấn đề này với triển vọng dài hạn và toàn diện, kiềm chế và duy trì thỏa thuận JCPOA (Kế hoạch hành động chung toàn diện) cùng nhau để không có sự leo thang căng thẳng thêm nữa".
Một tàu ngầm nghiên cứu biển sâu của hải quân Nga. (Ảnh: RIA Novosti)
Tàu ngầm nghiên cứu của hải quân Nga bốc cháy, 14 người thiệt mạng: Bộ Quốc phòng Nga ngày 2/7 thông báo ít nhất 14 thủy thủ thuộc hải quân nước này thiệt mạng do ngạt khói khi một tàu ngầm nghiên cứu khoa học bốc cháy gần căn cứ quân sự ở thành phố Severomorsk.
"Nhờ hành động quên mình của thủy thủ đoàn, ngọn lửa đã được dập tắt. Tàu ngầm nghiên cứu biển sâu đang được kéo về căn cứ hải quân Severomorsk", thông báo có đoạn.
Sự cố xảy ra khi con tàu đang thực hiện nhiệm vụ khảo sát trong vùng lãnh hải của Nga. Tư lệnh hải quân Nga đang phụ trách cuộc điều tra về nguyên nhân sự cố.
Hãng tin RBC của Nga cho rằng, tàu ngầm bốc cháy làm 14 thủy thủ thiệt mạng là tàu ngầm hạt nhân AS-12. Bộ Quốc phòng Nga chưa xác nhận về loại tàu gặp nạn.
Hiện trường vụ nổ xe bồn chở xăng ở làng Ahumbe, bang Benue, Nigeria ngày 2/7. (Ảnh: Updatenaija)
Xe bồn phát nổ ở Nigeria, 50 người hôi xăng thiệt mạng: Một xe bồn chở xăng ngày 2/7 gặp tai nạn và bị lật tại làng Ahumbe ở bang Benue, miền Trung Nigeria. Nhiều người dân trong làng chứng kiến vụ tai nạn đã kéo tới hiện trường để hôi xăng.
Aliyu Baba, người đứng đầu Ủy ban An toàn Đường bộ bang Benue cho biết số xăng rò rỉ này sau đó bốc cháy, tạo ra một vụ nổ lớn khiến ít nhất 50 người thiệt mạng. Nhiều người bị bỏng nặng trong vụ nổ đã được chuyển tới các bệnh viện gần đó.
Một phát ngôn viên chính quyền địa phương tiết lộ số người chết vượt quá 64 người, nhưng cảnh sát từ chối xác nhận thông tin này. Nhân chứng Paul Otukpa cho biết một chiếc xe 14 chỗ bị phá hủy do vụ nổ và chỉ một người trên xe sống sót.
Cảnh sát Indonesia thông báo đã bắt giữ thủ lĩnh của Jemaah Islamiah. (Ảnh: Kyodo News)
Thủ lĩnh nhóm khủng bố lâu đời nhất ở Indonesia sa lưới: Ngày 1/7, cảnh sát Indonesia thông báo đã bắt giữ thủ lĩnh của Jemaah Islamiah (JI), nhóm khủng bố cực đoan có quan hệ với mạng lưới Al Qaeda và là thủ phạm thực hiện loạt vụ đánh bom trên đảo Bali hồi năm 2002 khiến hơn 200 người thiệt mạng.
Người phát ngôn của cảnh sát Indonesia - Chuẩn tướng Dedi Prasetyo cho biết, cuối tuần qua, Para Wijayanto cùng vợ đã bị lực lượng cảnh sát chống khủng bố nước này bắt giữ tại một khách sạn ở Bekasi, ngoại ô thủ đô Jakarta.
Wijayanto là thủ lĩnh lâu năm của JI, bị tình nghi dính líu tới hoạt động chế tạo bom sử dụng trong hàng loạt vụ tấn công, trong đó có các vụ đánh bom ở Bali hồi năm 2002 và vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Australia ở Jakarta.
JI là một trong những tổ chức khủng bố lâu đời nhất ở Indonesia. Kể từ năm 2013 đến nay, Wijayanto đã chiêu mộ tân binh cho JI, huấn luyện và cử ít nhất 6 nhóm tay súng người Indonesia tới tham chiến tại Syria. Ngoài ra, đối tượng này còn bị cho là hậu thuẫn các phiến quân ở thành phố Poso, một điểm nóng về khủng bố trên đảo Sulawesi.