Thế giới ngày qua: Nga có cơ sở để buộc tội Mỹ vi phạm Hiệp ước INF

(Baohatinh.vn) - Nga có cơ sở để buộc tội Mỹ vi phạm Hiệp ước INF, Thủ tướng Anh bị chỉ trích vì sử dụng ngôn ngữ đối đầu tại quốc hội... là những thông tin thế giới nổi bật trong ngày 26/9 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Thế giới ngày qua: Nga có cơ sở để buộc tội Mỹ vi phạm Hiệp ước INF

Trong ảnh (tư liệu): Tên lửa Harpoon được phóng từ tàu khu trục USS Fitzgerald của Mỹ trong cuộc tập trận bắn đạn thật trên biển gần Guam. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nga có cơ sở để buộc tội Mỹ vi phạm Hiệp ước INF. Ngày 26/9, người phát ngôn Điện Kremlim cho biết Moskva buộc tội Washington vi phạm Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), và Nga vẫn tuân thủ tinh thần cũng như từng chi tiết của hiệp ước.

TASS đưa tin, phát biểu với báo giới vào ngày 26/9, người phát ngôn Điện Kremlim Dmitry Peskov cho biết Moskva buộc tội Washington vi phạm Hiệp ước các lực lượn hạt nhân tầm trung (INF), và Nga vẫn tuân thủ tinh thần cũng như từng chi tiết của văn kiện này.

Ông Peskov nêu rõ: "Về Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với bất kỳ cáo buộc nào nhằm vào Nga. Phía Nga không vi phạm nội dung và tinh thần của Hiệp ước INF, và ngược lại, chúng tôi vẫn tiếp tục cáo buộc Mỹ vi phạm Hiệp ước INF, và đã có cơ sở cho điều này.

Quan chức cấp cao này cho biết thêm: “Sự thật là thông điệp của Tổng thống Putin đã được lưu truyền ở các nước quan trọng hoặc các tổ chức châu Âu và châu Á cũng như quốc tế. Mặc dù Hiệp ước INF đã bị hủy hoại bởi sai lầm của Mỹ, Tổng thống Putin thúc đẩy những nỗ lực nhằm ngăn chặn gia tăng căng thẳng và sự mất ổn định tình hình liên quan tới an ninh và ổn định toàn cầu, nếu các tên lửa tầm trung và ngắn từng bị cấm trước đây được triển khai”./."

Thế giới ngày qua: Nga có cơ sở để buộc tội Mỹ vi phạm Hiệp ước INF

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại cuộc họp của đảng Likud ở Jerusalem ngày 18/9/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Israel đề nghị truyền trực tiếp phiên tòa chống lại ông. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 26/9 đề nghị Bộ trưởng Tư pháp Avichai Mandelblit cho phép truyền trực tiếp phiên tòa mà ông có thể sẽ xuất hiện vào tuần tới liên quan đến cáo buộc tham nhũng. Ông khẳng định “không có gì phải giấu”.

Nhóm luật sư của ông Netanyahu sẽ trình các lập luận của ông lên Bộ Tư pháp ngày 2/10 tới. Trước đó, hồi tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Mandelblit đã thông báo ý định truy tố Thủ tướng Netanyahu tội biển thủ, gian lận và lạm dụng tín nhiệm.

Phiên tòa này coi là cơ hội cuối cùng để nhóm luật sư của ông Netanyahu biện hộ cho ông trước khi Bộ trưởng Mandelblit quyết định có truy tố ông hay không.

Ông Netanyahu đưa ra đề nghị trên một ngày sau khi Tổng thống Reuven Rivlin đề nghị ông đứng ra thành lập chính phủ mới sau cuộc tổng tuyển cử ngày 17/9 vừa qua.

Trong một cuốn băng video do người phát ngôn của ông cung cấp, ông Netanyahu cho biết: “Sau 3 năm với đầy những tin tức rò rỉ, sai lệch và thiên vị, đã đến lúc công chúng cần được nghe mọi thứ - kể cả từ phía tôi, một cách đầy đủ, không qua trung gian, không qua kiểm duyệt, bóp méo”.

Thế giới ngày qua: Nga có cơ sở để buộc tội Mỹ vi phạm Hiệp ước INF

Thủ tướng Boris Johnson phát biểu ngày 25/9. (Nguồn: Reuters)

Thủ tướng Anh bị chỉ trích vì sử dụng ngôn ngữ đối đầu tại quốc hội. Ông Johnson đã mô tả dự luật của phe đối lập buộc kéo dài thời điểm Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) là "hành động đầu hàng" và "dự luật đáng xấu hổ.

Theo AP, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang phải đối mặt với phản ứng giận dữ vì ông đã sử dụng ngôn ngữ đối đầu tại quốc hội, một ngày sau khi phải hứng chịu thất bại nặng nề tại Tòa án Tối cao Anh.

Ông Johnson đã mô tả dự luật của phe đối lập buộc kéo dài thời điểm Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) là “hành động đầu hàng” và “dự luật đáng xấu hổ,” đồng thời gạt bỏ những quan ngại cho rằng ngôn từ của ông có thể gây nguy hiểm cho các nghị sỹ là “lố bịch.”

Một số nghị sỹ trong Quốc hội Anh cảnh báo rằng ngôn từ của ông Johnson mang tính kích động và nên thận trọng hơn xét tới vụ sát hại nghị sỹ Anh Jo Cox hồi năm 2016.

Bà Cox là nghị sỹ thân EU thuộc Công đảng đối lập Anh, bị bắn chết hồi tháng 6/2016 trong chiến dịch vận động trưng cầu dân ý về việc Anh “đi hay ở” trong EU.

Thế giới ngày qua: Nga có cơ sở để buộc tội Mỹ vi phạm Hiệp ước INF

Huawei sẵn sàng cấp phép công nghệ 5G cho công ty Mỹ. Huawei trưng bày công nghệ mạng 5G tại Triển lãm Di động Thế giới ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Huawei sẵn sàng cấp phép công nghệ 5G cho công ty Mỹ. Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc ngày 26/9 tuyên bố sẵn sàng cấp phép công nghệ di động 5G cho một công ty Mỹ. Phát biểu với báo giới, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Huawei Nhậm Chính Phi cho biết công nghệ mà Huawei chia sẻ cho các công ty Mỹ có thể sẽ bao gồm bí quyết thiết kế chip. Ông nhấn mạnh Huawei không sợ có thêm đối thủ khi cung cấp công nghệ cho các công ty cạnh tranh.

Trước đó, trong tháng này, ông Nhậm Chính Phi đã để ngỏ khả năng Huawei sẽ bán công nghệ 5G bao gồm bằng sáng chế, mã nguồn, bản thiết kế và bí quyết sản xuất cho các công ty phương Tây chỉ với một lần đóng phí.

Huawei đang nỗ lực giảm thiểu những tác động từ quyết định của Mỹ cấm các công ty trong nước bán linh kiện và công nghệ cho hãng này. Huawei hy vọng doanh thu bán điện thoại thông minh sẽ đạt 10 tỷ USD trong năm nay.

Thế giới ngày qua: Nga có cơ sở để buộc tội Mỹ vi phạm Hiệp ước INF

Ông Jacques Chirac. (Nguồn: Getty images)

Cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac qua đời ở tuổi 86. Theo Reuters, cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã qua đời ở tuổi 86 và gia đình của ông Chirac đã xác nhận thông tin này trong ngày 26/9

Ông Chirac sinh ngày 29/11/1932 tại Paris, giữ cương vị Tổng thống Pháp qua hai nhiệm kỳ từ năm 1995-2007. Trên trường quốc tế, ông Chirac được nhớ đến nhiều nhất vì đã khiến Mỹ tức giận khi bày tỏ sự phản đối công khai của mình đối với cuộc chiến tại Iraq năm 2003.

Tiếp bước người tiền nhiệm Charles de Gaulle, ông Chirac đã nỗ lực nâng vị thế quan trọng của nước Pháp trên trường quốc tế.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã bày tỏ “rất xúc động và thương tiếc” khi nghe tin ông Chirac qua đời. Người phát ngôn EC Mina Andreeva dẫn lời ông Juncker cho biết: “Châu Âu không chỉ mất đi một chính khách vĩ đại, mà một người bạn lớn.”

Ông Juncker bày tỏ “thán phục và ca ngợi nỗ lực suốt cuộc đời của ông, và di sản mà ông để lại cho nước Pháp và Liên minh châu Âu (EU) sẽ mãi ở lại với chúng ta”.

(tổng hợp)

Đọc thêm

4 dấu hỏi với kinh tế thế giới năm 2025

4 dấu hỏi với kinh tế thế giới năm 2025

Năm 2025 liệu có là một năm biến động của nền kinh tế toàn cầu. Dù được dự báo vẫn tiếp tục đà tăng trưởng, kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với một số rủi ro.
8 sự kiện thế giới năm 2024

8 sự kiện thế giới năm 2024

Năm nay chứng kiến các cuộc bầu cử quan trọng cùng nhiều xung đột và biến động, nhưng cũng ghi dấu ấn với một số thành tựu khoa học, công nghệ.
Người vô gia cư ở Mỹ tăng kỷ lục

Người vô gia cư ở Mỹ tăng kỷ lục

Số người vô gia cư ở Mỹ tăng 18% trong năm 2024, mức cao chưa từng thấy, khi giá thuê nhà tăng, lạm phát cao và dòng người nhập cư đổ vào nước này.
Hàn Quốc: Phó Thủ tướng Choi Sang Mok đảm nhiệm vai trò quyền Tổng thống

Hàn Quốc: Phó Thủ tướng Choi Sang Mok đảm nhiệm vai trò quyền Tổng thống

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, chiều 27/12, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Choi Sang Mok đã chính thức đảm nhiệm vai trò quyền Tổng thống Hàn Quốc sau khi Quốc hội do đảng Dân chủ (DP) đối lập chiếm đa số đơn phương thông qua nghị quyết luận tội quyền Tổng thống Han Duck Soo. Ông Han tuyên bố chấp hành nghị quyết của Quốc hội và chờ phán quyết của Tòa án Hiến pháp.