Philippines leo thang căng thẳng với Canada vì rác thải. (Ảnh: Hải quan Philippines)
Philippines cấm tất cả các quan chức, nhân viên chính phủ đến Canada: Ngày 26/5, Chính phủ Philippines xác nhận, nước này cấm tất cả các quan chức và nhân viên chính phủ thực hiện các chuyến thăm chính thức tới Canada, do những căng thẳng giữa 2 nước liên quan đến vấn đề rác thải.
Đây là động thái “cứng rắn” tiếp theo sau khi Bộ Ngoại giao Philippines quyết định giảm bớt nhân viên làm việc tại Canada.
Trong tuyên bố ngày 26/5, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo, cho biết Văn phòng Tổng thống đã công bố bản ghi nhớ, chỉ đạo tất cả các Bộ trưởng và người đứng đầu các cơ quan, các công ty thuộc sở hữu của chính phủ và các tổ chức tài chính của chính phủ cố gắng không cấp phép cho các chuyến đi chính thức đến Canada, được ký từ ngày 20/5 vừa qua.
Bên trong một tòa nhà bị hư hại sau trận động đất ở Peru. (Ảnh: Twitter)
Động đất mạnh 8 độ làm rung chuyển miền bắc Peru: Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết một trận động đất mạnh 8 độ xảy ra lúc 2h41 (14h41 giờ Hà Nội) ngày 26/5 ở khu vực cách thành phố Moyobamba, miền bắc Peru, khoảng 180 km về phía đông.
Trận động đất có tâm chấn nằm tại Loreto trong rừng già Amazon, ở độ sâu khoảng 105 km và làm rung chuyển khu vực miền bắc Peru.
Giới chức khẩn cấp Peru vừa cho biết, đã có 1 người thiệt mạng khi một tảng đá rơi vào nhà người này tại vùng Cajamarca, trong khi có 11 người khác bị thương và khoảng 50 ngôi nhà bị phá hủy đã được báo cáo. Một số trường học, bệnh viện, nhà thờ cũng đã bị hư hại.
Liên quan đến trận động đất mạnh 8,0 độ xảy ra tại khu vực miền Bắc Peru (Peru) sáng 26/5 (theo giờ địa phương), Tổng thống Peru Martin Vizcarra ngay lập tức tới thị sát các khu vực bị ảnh hưởng.
Ngoại trưởng Iraq Mohammed al-Hakim và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif. (Ảnh: Reuters)
Iraq đề xuất làm trung gian giảm căng thẳng giữa Iran và Mỹ: Iraq phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran và đề nghị làm trung gian hòa giải nhằm làm giảm căng thằng hiện nay giữa 2 đồng minh chính của nước này. Đây là tuyên bố được Ngoại trưởng Iraq Mohammed al-Hakim đưa ra ngày 26/5 trong cuộc họp báo tại Baghdad với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif đang ở thăm nước này.
Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng al-Hakim cho biết Iraq đang nỗ lực trợ giúp và sẽ là nhà trung gian hòa giải giữa Mỹ-Iran nhằm đạt được một giải pháp thỏa đáng.
Theo ông, Iraq sát cánh cùng nước láng giềng Iran, đồng thời nhấn mạnh phong tỏa kinh tế là biện pháp "vô dụng" và gây tổn hại nặng nề đối với người dân Iran. Do đó, Baghdad phản đối biện pháp này cũng như các biện pháp đơn phương mà Washington áp đặt đối với Tehran.
Người biểu tình "Áo vàng" đốt các rào chắn trên đại lộ Champs-Elysees tại thủ đô Paris, Pháp, ngày 16/3/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Biểu tình của phe "Áo vàng" tại Pháp kéo sang tuần thứ 28 liên tiếp: Ngày 25/5, các cuộc biểu tình của phong trào "Áo vàng" vào dịp cuối tuần ở Pháp tiếp diễn trong tuần thứ 28 liên tiếp, dù đã suy yếu đáng kể. Đụng độ đã xảy ra trong các cuộc biểu tình tại Paris và thành phố Amiens, miền Bắc Pháp.
Theo văn phòng cảnh sát trưởng thành phố Amiens, lực lượng cảnh sát chống bạo động đã phải bắn đạn hơi cay để giải tán cuộc biểu tình của khoảng 1.200 người "Áo vàng" sau khi một nhóm quá khích ném đá vào cảnh sát, tấn công các chi chánh ngân hàng và đốt cháy các thùng đựng rác. Ít nhất 27 người biểu tình đã bị bắt giữ.
Trước đó, hàng trăm người biểu tình "Áo vàng" khác cũng đã đụng độ với cảnh sát tại khu thương mại ở thủ đô Paris, ở trong và xung quanh Quảng trường Cộng hòa.
Theo Bộ Nội vụ Pháp, cuộc biểu tình trên diễn ra vào thời điểm phong trào "Áo vàng" đã suy yếu trên toàn quốc. Số liệu thống kê cho thấy tính trên toàn nước Pháp, hiện chỉ có khoảng 12.500 người biểu tình trên các đường phố, mức thấp nhất kể từ khi phong trào này bắt đầu các hoạt động biểu tình chống chính phủ, trong khi đỉnh điểm của những cuộc biểu tình này là tháng 11/2018 với trên 300.000 người.
Tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tân Tổng thống Zelensky kêu gọi Nga thả các thủy thủ Ukraine: Ngày 25/5, tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng việc Nga thả các thủy thủ và tàu hải quân của nước này phù hợp với phán quyết của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) có thể trở thành bước đầu tiên hướng tới thương lượng giữa Moskva và Kiev.
Trước đó cùng ngày, ITLOS đã ra phán quyết yêu cầu Nga ngay lập tức thả các thủy thủ và tàu hải quân Ukraine bị Moskva bắt giữ hồi tháng 11/2018 ở Eo biển Kerch do xâm phạm hải giới của Nga. Tuy nhiên, tòa án trên không yêu cầu hủy các thủ tục hình sự đối với 24 thủy thủ của Ukraine.
Trên trang Facebook, Tổng thống Zelensky viết: "(Việc Nga) tuân thủ phán quyết (của ITLOS) có thể là tín hiệu đầu tiên từ ban lãnh đạo Nga thực sự sẵn sàng chấm dứt cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Do đó, Nga có thể tiến tới khai thông bế tắc trong thương lượng (với Ukraine)."
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga loại trừ khả năng viện đến Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 để giải quyết vụ việc này.