Sáng nay (9/6), xã Cương Gián long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng di tích lịch sử cấp tỉnh đền Đông Hải Đại Vương và nhà thờ Phan Thái.
Di tích đền Đông Hải Đại Vương được lập cách đây 500 năm tại địa phận thôn Bắc Mới, xã Cương Gián, thờ ông Nguyễn Phục – nhân vật lịch sử thời Lê thế kỷ XV. Ông Nguyễn Phục (hay còn gọi là Phục Công) người xã Đoàn Lâm, huyện Trường Tân (nay là xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) đỗ tiến sỹ khoa Quý Dậu, niên hiệu Thái Hòa 11 (năm 1453) triều vua Lê Nhân Tông.
Trong thời gian đảm nhận các trọng trách được giao, ông luôn tận tâm với công việc và được đánh giá là vị quan mẫu mực, trung quân.
Đền thờ Đông Hải Đại Vương.
Năm 1470, vua Lê Thánh Tông đưa đại quân đi đánh Chiêm Thành, giao cho ông giữ chức Đốc lương chuyên lo việc vận chuyển lương thực. Không may, trên đường đi bị bão, thuyền lương đến chậm, ông bị xử trảm theo quân luật. Sau khi biết ông bị oan, nhà vua hối tiếc, phong cho ông là phúc thần, ban hiệu là Đông Hải Đại Vương.
Xã Cương Gián rước bằng công nhận di tích văn hóa đền Đông Hải Đại Vương.
Hiện tại, có rất nhiều làng xã ven biển ở khu vực Trung bộ, Nam bộ lập đền, miếu thờ ông Nguyễn Phục rất trang trọng.
Tại xã Cương Gián, trong những năm chiến tranh, bom đạn tàn phá làm đền bị hư hỏng hoàn toàn, chỉ còn lại móng. Năm 1997, bà con Nhân dân xã Cương Gián đã tự nguyện góp công, của để tôn tạo lại đền.
Lễ rước bằng di tích lịch sử nhà thờ Phan Thái.
Di tích nhà thờ Phan Thái được con cháu xây dựng để thờ thủy tổ dòng họ Phan cũng như thờ ông Phan Thái.
Theo các tài liệu lịch sử lưu lại, thì dòng họ Phan ở Cương Gián có nguồn gốc từ huyện Yên Thành (Nghệ An) di cư vào. Cụ thủy tổ của dòng họ này là cụ Phan Do. Đến nay, đã trải qua gần 600 năm và có 19 đời sinh sống tại đây.
Nhà thờ dòng họ Phan Thái ở thôn Đại Đồng, xã Cương Gián.
Phan Thái là một vị quan thời Tây Sơn, võ nghệ tinh thông, có công rất lớn trong việc chống quân xâm lược. Sau khi triều đại Tây Sơn sụp đổ, ông sang phò tá vua Gia Long và được vua trọng dụng.
Trong quá trình làm quan cho triều Nguyễn, ông là người tận tâm với công việc, trung thành với triều đình, nhân ái với Nhân dân và quân sỹ nên được triều đình trọng dụng. Đến thời vua Minh Mạng, ông được phong làm Đức tướng quân phó quản cơ. Là người con của Cương Gián, ông đã cùng bà con Nhân dân khai dân, lập ấp, mở mang dân trí, đắp đê ngăn mặn phát triển nông nghiệp.