Sáng 16/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp THPT của hơn một triệu thí sinh.
Nếu còn băn khoăn về kết quả, thí sinh có thể làm đơn phúc khảo từ ngày 16 đến 25/7. Kết quả được trả muộn nhất vào ngày 9/8.
Về quy trình chấm phúc khảo, Văn là môn duy nhất thi tự luận, nên được chấm lại bởi hai giám khảo ở hai vòng độc lập nhau. Nếu kết quả chấm của hai giám khảo giống nhau, đó là điểm phúc khảo của thí sinh.
Trường hợp điểm của hai giám khảo lệch nhau, bài thi sẽ được giao cho người thứ ba chấm. Nếu 2/3 giám khảo trùng kết quả, điểm đó được lấy; còn khác nhau sẽ sử dụng trung bình cộng ba đầu điểm.
Điểm phúc khảo lệch với điểm đã công bố từ 0,25 trở lên, thí sinh sẽ được điều chỉnh điểm.
Ở môn trắc nghiệm, hội đồng sẽ đối chiếu từng câu trả lời mà thí sinh đã tô trên phiếu với hình ảnh lưu trong máy quét. Nếu sai lệch, hội đồng xác định nguyên nhân, in kết quả chấm ở thời điểm trước và sau khi sửa lỗi để lưu hồ sơ.
Thí sinh sẽ được xét tốt nghiệp THPT khi thi đủ số môn, không môn nào bị điểm liệt (từ 1 trở xuống). Điểm xét tốt nghiệp gồm điểm các môn thí sinh dự thi (chiếm 50%); điểm trung bình (ĐTB) năm lớp 10, 11 và 12 (chiếm 50%) và điểm ưu tiên, khuyến khích.
Công thức như sau:
Trong đó, điểm trung bình các năm học được tính theo công thức sau:
Với điểm ưu tiên, thí sinh được cộng từ 0,25 đến 0,5 điểm, nếu là con thương binh, bệnh binh, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động, người dân tộc thiểu số, người bị nhiễm chất độc hóa học... Thí sinh có nhiều tiêu chuẩn ưu tiên được hưởng tiêu chuẩn cao nhất, không cộng dồn.
Thí sinh được cộng 1-2 điểm khuyến khích nếu đạt giải trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên, các kỳ thi thí nghiệm thực hành, văn nghệ, thể dục thể thao, khoa học kỹ thuật... Tương tự điểm ưu tiên, thí sinh chỉ được hưởng một mức cộng điểm của loại giải cao nhất, dù đạt nhiều giải.
Nếu điểm xét tốt nghiệp theo công thức trên từ 5 trở lên, học sinh được công nhận tốt nghiệp THPT.
Các mốc quan trọng trong xét tốt nghiệp và đại học 2025
Những thí sinh muốn vào đại học sẽ đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ, từ ngày 16/7 đến 17h ngày 28/7. Các em được điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng không giới hạn số lần trong khoảng thời gian nói trên.
Sau khi hết hạn, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến từ ngày 29/7 đến 17h ngày 5/8. Sau đó, Bộ và các trường đại học xử lý nguyện vọng xét tuyển (lọc ảo), từ ngày 16/8 đến 17h ngày 20/8.
Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trên hệ thống, chậm nhất đến 17h30 ngày 30/8. Bộ yêu cầu các trường không được tổ chức nhập học trước ngày 22/8. Các đợt xét tuyển bổ sung bắt đầu từ ngày 1/9 đến hết năm.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào ngày 26-27/6 với hơn 1,16 triệu thí sinh. Trong đó, gần 1,14 triệu thí sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) và hơn 26.700 theo chương trình cũ (2006).
Thí sinh theo chương trình mới làm bài hai môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán, cùng hai môn tự chọn trong các môn: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ (Nông nghiệp, Công nghiệp), Ngoại ngữ (7 thứ tiếng).
Thí sinh theo chương trình cũ làm bài Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ cùng bài tự chọn Khoa học tự nhiên (Hóa học, Vật lý, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Năm ngoái, khoảng 733.600 thí sinh đã sử dụng kết quả để xét tuyển đại học.