Hệ thống thi trắc nghiệm trực tuyến đa tương tác được ứng dụng thử nghiệm tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức đã mang đến nhiều hiệu quả thiết thực.
Theo thầy Nguyễn Hải Diên (Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức), trước đây, để thực hiện công việc ra đề thi cho học sinh, các nhóm giáo viên thường phải làm thủ công bằng cách soạn nhiều đề thi, sau đó bốc thăm, niêm phong và chuyển cho các giáo viên bộ môn. Chưa kể công đoạn chấm thi cũng khiến giáo viên tốn khá nhiều thời gian.
Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Nguyễn Duy Vinh - Chủ nhiệm đề tài cho biết, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 7 trường đào tạo trình độ trung cấp và 4 trường đào tạo trình độ cao đẳng, 1 phân hiệu đào tạo cao đẳng, trung cấp.
Hiện tại, vẫn có khá ít cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin vào đánh giá kết quả của học sinh, sinh viên sau khi hoàn thành các môn học, và chưa xây dựng các bộ câu hỏi trắc nghiệm theo chương trình đào tạo áp dụng Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Các bộ đề thi phong phú, chất lượng sẽ bao quát toàn bộ chương trình học, tránh hiện tượng “học tủ” của học sinh, sinh viên.
Do vậy chúng tôi triển khai đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống trắc nghiệm trực tuyến đa tương tác áp dụng các kỳ thi tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp” theo hướng vượt trội như sau: Sử dụng đa phương tiện trong thiết kế các đề thi môn học Tiếng Anh, Tin học cơ bản, hàn, Công nghệ ô tô… Xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm gồm 3.750 câu dựa theo chương trình đào tạo, và quy chế thi áp dụng Luật Giáo dục nghề nghiệp với nhiều loại hình câu hỏi khác nhau như: Đơn lựa chọn, đa lựa chọn, so khớp, câu hỏi có ứng dụng đa phương tiện, câu hỏi ứng dụng đa tương tác…; số hóa ngân hàng câu hỏi thành bộ cơ sở dữ liệu câu hỏi đề thi trắc nghiệm được quản trị tại máy chủ nhà trường.
Sinh viên Lê Văn Bảo (lớp Điện công nghiệp 16A, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức) cho hay: Được thực hành các bài kiểm tra trắc nghiệm theo hình thức mới, em và các bạn chỉ cần học những vấn đề cốt lõi, hiểu vấn đề môn học chứ không còn học thuộc máy móc để làm các bài kiểm tra như trước đây. Sinh viên cũng được làm bài độc lập trên máy tính, không còn hiện tượng gian lận trong thi cử. Các câu hỏi cũng bao quát toàn chương trình học nên đánh giá đúng năng lực học sinh, sinh viên.
Hệ thống trắc nghiệm trực tuyến đa tương tác cũng góp phần đánh giá đúng năng lực học sinh, sinh viên.
Theo đánh giá của Hội đồng KH&CN Hà Tĩnh, đề tài hoàn thành đã giúp cho giáo viên giảm bớt thời gian chấm bài thủ công; sinh viên học theo phương pháp hiểu bài không phải học thuộc, được thi thử để làm quen hệ thống qua các thiết bị đa phương tiện như: Ipad, smart Phone, máy tính nối mạng internet. Tạo được sự công bằng, minh bạch trong đánh giá kết quả học tập; nhà trường tiết kiệm được nhân lực coi thi, chấm thi, kinh phí tổ chức thi.
Trong tương lai, chương trình có thể triển khai theo hình thức mở rộng thêm các môn học và nhiều nghề khác trong Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh. Đồng thời, cách thức này cũng có thể triển khai mở rộng cho các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh và các tỉnh, thành khác trong điều kiện có sự khảo sát, đánh giá cụ thể điều kiện tình hình năng lực đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực của cơ sở đào tạo.