Với phong cách phục vụ hiện đại, hàng hóa phong phú, các siêu thị đang dần trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều “thượng đế”. Tại các siêu thị như Co.opmart, Vinmart, không khí mua sắm sôi động, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần. Để chuẩn bị cho các dịp lễ sắp đến, các siêu thị đã tung ra nhiều chương trình khuyến mại, với giá cả ưu đãi nhằm “hút” khách, kích cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm.
Không khí mua sắm khá sôi động , đặc biệt là vào những ngày cuối tuần tại các siêu thị.
Chị Nguyễn Thị Hà Trang (Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Đợt này, hầu hết sản phẩm của các siêu thị đang đồng loạt giảm giá cùng nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn khác. Vì thế, tôi đã tranh thủ ngày nghỉ đi mua sắm để tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, mua hàng tại các siêu thị rất tiện lợi, tôi không phải mất thời gian di chuyển nhiều nơi để gom hàng như trước”.
Nhóm hàng lương thực, thực phẩm được người tiêu dùng lựa chọn khá nhiều tại các siêu thị.
Theo ông Trần Đình Chung - cán bộ marketing, siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh: “Ước tính đến hết tháng 8, doanh thu bán lẻ của siêu thị đạt gần 180 tỷ đồng, tăng 4% so cùng kỳ, đạt gần 70% kế hoạch. Đây là những tín hiệu đáng mừng về doanh thu trong năm 2018, đồng thời cho thấy nhu cầu hàng tiêu dùng của người dân khá lớn”.
Hoạt động mua bán cũng diễn ra tấp nập...
... tại các chợ Vườn Ươm, chợ Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh)...
Bên cạnh siêu thị, tại các chợ Vườn Ươm, chợ TP Hà Tĩnh…, hoạt động mua bán cũng diễn ra tấp nập. Các tiểu thương đều nhận định, thị trường năm nay đã có sự “khởi sắc”, người dân tìm đến các cửa hàng đông hơn so với năm ngoái.
Thị trường sách giáo khoa, văn phòng phẩm... trước thềm năm học mới đang "hút" khá đông người tiêu dùng.
Theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ tại khu vực thành phố, thị trường bán lẻ tại các huyện, xã cũng đang có những tín hiệu khả quan so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, các siêu thị bán lẻ, cửa hàng bách hóa tổng hợp được xây dựng theo hướng hiện đại với giá cả ổn định, nguồn hàng phong phú đang góp phần kích cầu tiêu dùng và thay đổi thói quen mua sắm của người dân tại các địa phương.
Tại các cửa hàng bách hóa, siêu thị mini... mặt hàng thiết yếu hằng ngày được người dân lựa chọn nhiều nhất phải kể đến nước giải khát, sữa bột, bánh kẹo...
Chủ cửa hàng bách hóa tổng hợp Bảy Trang (thị trấn Nghèn, Can Lộc) cho hay: “Hoạt động bán lẻ của cửa hàng thời gian trước có lắng xuống nhưng đến nay đã sôi động trở lại, doanh thu tăng so với mọi năm. Hiện tại, chúng tôi đang đầu tư mở rộng thêm diện tích để phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp lễ sắp tới như Quốc khánh 2/9, tết dương lịch…”.
Thị trường bán lẻ Hà Tĩnh ngày càng đa dạng tạo thêm nhiều cơ hội mua sắm cho khách hàng, đặc biệt là các bạn trẻ.
Ở mức tăng trưởng cao, tính đến cuối tháng 7 năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh đạt hơn 20.088,11 tỷ đồng, tăng 11,67% so cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, nhóm hàng lương thực và thực phẩm ước đạt 7.768,88 tỷ đồng, tăng 13,44% so cùng kỳ; tiếp đến là nhóm đồ dùng dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 2.682,89 tỷ đồng, tăng 2,81%; nhóm xăng, dầu các loại hơn 1.963,42 tỷ đồng, tăng 1,91%. Theo phân tích, hoạt động bán lẻ hàng hóa dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng vào những tháng cuối năm, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ, tết.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên đà tăng trưởng phản ánh sức mua lớn của ngừời dân và sự khởi sắc của nền kinh tế trong năm 2018.
Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) Võ Tá Nghĩa cho rằng: “Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên đà tăng trưởng, phản ánh sức mua lớn của người dân và sự khởi sắc của nền kinh tế; tác động tích cực đến giá cả, thị trường tiêu thụ và tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng đó cho thấy, tiềm năng ngành bán lẻ ở Hà Tĩnh đang có những tín hiệu khả quan, là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.