Thị trường Tết Tân Mão: Giá cả leo thang, nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc

Hơn tuần nay, thị trường tết Tân Mão trở nên nhộn nhịp. Các mặt hàng phục vụ Tết khá phong phú và người mua sắm cũng tấp nập. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất là vấn đề giá cả và toàn vệ sinh thực phẩm.

Giá cả leo thang!

Trong những ngày này, hỏi bất kỳ người nội trợ nào về giá cả các mặt hàng tiêu dùng thì câu trả lời sẽ là một tiếng thở dài hoặc một câu chép miệng bởi giá cả lên vùn vụt.

Sự tăng giá bắt đầu từ sau các trận lũ trong tháng 10/2010 khiến người dân cứ ngỡ do thực phẩm khan hiếm. Không ngờ sau đó, giá nhiều mặt hàng liên tục leo thang. Đến nay, 1 kg thịt lợn mông đã lên đến 75 - 80 ngàn đồng (trước chỉ từ 45 - 50 ngàn), chai dầu ăn Simly từ 175 ngàn nay tăng lên gần 200 ngàn đồng, nhiều mặt hàng khác cũng tăng giá từ 20 - 50% so với cuối năm 2010.

Giá nhiều rau, củ quả đã tăng gấp đôi

Chị Nguyễn Thị Cúc, chủ đại lý hàng tạp hóa tại chợ thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Giá bây giờ mỗi ngày mỗi khác. Vì vậy, bán ngày nào biết ngày đó. Trong đợt này, có một số mặt hàng tăng mạnh là dầu ăn, bột ngọt, sữa, các loại thực phẩm…”. Đang trò chuyện với tôi, một khách hàng thắc mắc: “Gói bột giặt OMO này ghi giá chỉ 87 ngàn đồng, sao lại tính 90 ngàn đồng”. Chị Cúc giải thích: “Đấy là giá cũ chứ bây giờ tăng rồi. 90 ngàn là giá sỉ đấy”…

Một thực tế rất trái ngược ai cũng có thể nhận ra là trong khi trên bàn nghị sự, các nhà chức trách luôn bàn đến giải pháp bình ổn giá, nhất là trong dịp tết nhưng ngoài thị trường, các mặt hàng vẫn thi nhau leo thang chóng mặt. Để góp phần bình ổn giá, tỉnh ta cũng đã rất nỗ lực bằng các giải pháp như tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chi hàng tỷ đồng cho các doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn giá. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, đấy chỉ là một giải pháp như muối bỏ bể. Chị Lê Thị Mận trú tại phường Bắc Hà cho biết: “Đi chợ nhiều nên thấy việc tăng giá giờ cũng quen rồi. Vợ chồng chị là giáo viên, tiền lương chỉ có vậy nên không có cách gì khác là bớt mua sắm”.

Nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc

Mặc dù gần đây các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp, nhưng xem ra tình trạng kinh doanh hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không an toàn, gây hại sức khỏe con người vẫn hết sức phổ biến. Hạt dưa, ớt bột có chứa RhodamineB, chất hóa học gây ung thư; sâm dứa có dấu hiệu bị nấm mốc, nhiễm vi khuẩn; các bao chứa lạp xường bị biến chất, bốc mùi hôi tanh nồng nặc; nem chua chứa vi khuẩn; các cơ sở sản xuất mứt tết không đảm bảo ATTP… vẫn được bày bán tràn lan. Tại chợ TP Hà Tĩnh, đoàn kiểm tra liên ngành đã lấy 3 mẫu giò, chả xét nghiệm nhanh thì kết quả cả 3 đều sử dụng hàn the quá mức cho phép…

Hàng rượu, bánh kẹo không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan

Dạo một vòng chợ TP Hà Tĩnh, đâu đâu cũng thấy thực phẩm đáng nghi ngại. Rất nhiều loại được đóng trong các bao bì lớn; không có đăng kiểm của cơ quan chức năng; chỉ có một mẫu giấy nhỏ in địa chỉ sản xuất… Đáng ngại hơn, đây là các loại bánh, kẹo bán chạy nhất trong dịp này.

Tại cửa hàng bánh kẹo Bèo Dưỡng, một số khách hàng đang chen nhau mua một loại kẹo không vỏ, không bao. Tôi tò mò hỏi, người bán hàng đon đả: “Mua đi chị, đây là “bi cay”, ngon lắm”. Khi tôi hỏi về nơi sản xuất, chị thản nhiên: “Em cũng không biết nữa, hình như ở Sài Gòn. Loại này người ta mua nhiều lắm!”. Tôi cầm một chiếc lên thử, cảm giác nhám đầu lưỡi cộng với hương vị ngai ngái rất rõ! Rồi rượu, hoa quả… không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan; các mặt hàng quá thời hạn sử dụng nhân dịp này cũng được tung ra…

Điều băn khoăn hơn nữa là ý thức của người tiêu dùng. Ông Phan Văn Hùng – Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Hà Tĩnh cho biết: Để đảm bảo ATTP trong dịp Tết, tỉnh đã có văn bản chỉ đạo và đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý trong khoảng thời gian 2 tháng (từ 28/12 – 28/2). Đoàn cũng đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm và đã nghiêm túc xử lý. Tuy nhiên, đây là thời điểm phục vụ Tết nên lượng hàng hóa rất lớn, trong khi lực lượng chức năng mỏng. Vì vậy, điều quan trọng nhất, chúng ta “hãy là người tiêu dùng thông thái!”. Điều đáng lo ngại là người dân của chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu và thực hiện khuyến cáo này, đại đa số vẫn còn mua bán theo sở thích, quan tâm giá cả nhiều hơn đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng…

Vẫn biết ATVSTP là chuyện “biết rồi, khổ lắm...nói mãi” nhưng không thế không nêu ra. Mỗi người trong chúng ta hãy là người tiêu dùng thông thái, để giữ sức khỏe cho chính mình, gia đình và người thân!.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói