Thời điểm “vàng” của du lịch Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sau quý I, du lịch Hà Tĩnh đang tăng tốc bước vào đợt cao điểm với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hướng đến hoàn thành mục tiêu đón 4 triệu lượt khách trong năm 2024.

Từ “thực đơn” hấp dẫn…

Cảnh quan tươi đẹp, bản sắc văn hóa độc đáo đã giúp Hà Tĩnh xây dựng nên nhiều loại hình du lịch đa dạng, làm nên “thực đơn” phong phú cho sự lựa chọn của du khách bốn phương trong hành trình khám phá.

bht_br_1-0-7153.jpg
KDL Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) gấp rút chuẩn bị cho sự kiện khai trương du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024. Ảnh: Hương Thành.

Với 137 km bờ biển, Hà Tĩnh có nhiều bãi tắm nằm trong top những bãi biển đẹp nhất khu vực và cả nước như: Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), Xuân Thành (Nghi Xuân), Xuân Hải (Lộc Hà), Quỳnh Viên (Thạch Hà)… Bên cạnh điều kiện tự nhiên thuận lợi như: bãi tắm thoải, nước trong, hải sản tươi ngon, cảnh quan đẹp, biển Hà Tĩnh còn thu hút du khách bởi trầm tích văn hóa gắn với nhiều câu chuyện huyền thoại hấp dẫn. Phát huy lợi thế, nhiều năm qua, tỉnh đã xây dựng nhiều khu, điểm du lịch biển với cơ sở hạ tầng hiện đại khang trang, nhiều sản phẩm, dịch vụ, lễ hội văn hóa… hấp dẫn.

a3.jpg
Du khách chơi teambulding tại bãi biển Quỳnh Viên (Thạch Hải, Thạch Hà).

Bên cạnh du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh cũng là loại hình thế mạnh của Hà Tĩnh. Sở hữu 666 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 89 di tích cấp quốc gia và 577 di tích cấp tỉnh cùng hàng ngàn di tích giá trị khác, Hà Tĩnh tiềm ẩn rất nhiều tài nguyên về du lịch. Đặc biệt, gắn liền với nhiều di sản vật thể là các di sản văn hóa phi vật thể như: lễ hội truyền thống, văn nghệ dân gian đặc sắc (ca trù, dân ca ví, giặm, trò Kiều…).

Phát huy thế mạnh này, Hà Tĩnh đã từng bước xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn gắn với những điểm đến như: Khu di tích Nguyễn Du, Ngã ba Đồng Lộc, chùa Hương Tích, Khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông, đền Chợ Củi, đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, đền Lê Khôi… Đến với những di tích lịch sử, du khách không những được tham quan cảnh sắc tươi đẹp, hòa mình vào không khí sôi nổi của các lễ hội mà còn tìm thấy sự thư thái, an lạc khi trú tâm vào không gian văn hóa tâm linh, thiêng liêng cầu an, sức khỏe…

a1.jpg
Hoa hậu Giáng My tham quan Khu di tích Nguyễn Du (thị trấn Tiên Điền, Nghi Xuân) dịp tháng 3/2024.

Ngoài ra, tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch sân golf… cũng là những lợi thế đã và đang được Hà Tĩnh khai thác, xây dựng thành sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách. Trong đó, về du lịch sinh thái có các sản phẩm như: Nhà vườn Đức Đường (Nghi Xuân), Đá Bạc Eco (Thạch Hà), Khu sinh thái Hải Thượng (Hương Sơn), hồ Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên), hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang (Vũ Quang), thác Vũ Môn, đồi chè Hương Trà (Hương Khê)….

Du lịch cộng đồng cũng đã bắt đầu xây dựng những điểm đến thu hút du khách tham quan như: bản Phú Lâm (xã Phú Gia, Hương Khê), đồi chè Sơn Kim 2 (Hương Sơn)… Đặc biệt, gần đây loại hình du lịch sân golf đã được phát triển tại Xuân Thành (Nghi Xuân). Sân gofl Mường Thanh - Xuân Thành với diện tích 112 ha, bao gồm 3 phân khu: sân golf 18 lỗ, khu trung tâm dịch vụ thể thao và khu nhà nghỉ khách sạn, nhà hàng là dự án tạo bước đột phá cho sự phát triển loại hình du lịch sân golf ở Hà Tĩnh.

122d5152656t40018l0.jpg
Đồi chè Hương Trà, một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách ở Hương Khê.

Hà Tĩnh hiện có 40 khu, điểm du lịch (15 khu, điểm đã công nhận cấp tỉnh), với sự đa dạng về loại hình là điểm dừng chân với nhiều lựa chọn để du khách thỏa sức khám phá, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí… khi về với quê hương núi Hồng - sông La.

... Đến quyết tâm thu hút 4 triệu lượt khách

Năm 2024, ngành du lịch Hà Tĩnh đặt quyết tâm cao với mục tiêu đón 4 triệu lượt khách, tăng 15% so với năm 2023. Sau thắng lợi bước đầu đạt gần 724 nghìn lượt khách ở quý I/2024, thời điểm này, ngành du lịch Hà Tĩnh đang hối hả chuẩn bị để bước vào đợt cao điểm.

a4.jpg
Dự án nâng cấp quảng trường biển Xuân Thành (Nghi Xuân) đang được đẩy nhanh tiến độ, phục vụ khai trương du lịch biển năm 2024.

Ông Hồ Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: “4 triệu lượt khách về Hà Tĩnh là con số nằm trong khả năng của ngành du lịch địa phương. Với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã quyết tâm cao tập trung phát triển du lịch. Việc chuẩn bị cơ sở vật chất hạ tầng với nhiều cơ sở lưu trú mới đạt chuẩn, gia tăng nhiều sản phẩm chất lượng, không ngừng nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực… đã giúp du lịch Hà Tĩnh từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách trong bối cảnh mới”.

Để hợp sức với các cấp, ngành, địa phương, thời gian qua, Hiệp hội Du lịch cũng đã thực hiện nhiều kế hoạch tham mưu, tư vấn hỗ trợ các đơn vị, địa phương xây dựng nhiều sản phẩm du lịch; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo đội ngũ nhân lực phục vụ ngành du lịch… Qua đó, góp phần đưa du lịch Hà Tĩnh ngày càng chuyên nghiệp. Có thể thấy rõ sự chuyển động của các địa phương như: Can Lộc, Hương Khê, Nghi Xuân… khi các huyện liên tục tham gia các đoàn famtrip để học hỏi kinh nghiệm, chủ động tìm kiếm, tiến hành kết nối, xúc tiến với các đơn vị lữ hành.

122d2110511t48094l0.jpg
Mô hình du lịch cộng đồng bản Phú Lâm (Phú Gia, Hương Khê) là một trong những sản phẩm du lịch được Hiệp hội du lịch Hà Tĩnh tham mưu, tư vấn xây dựng.

Ông Trần Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: “Xác định hướng đi mũi nhọn của du lịch Hương Khê là phát huy thế mạnh về tiềm năng sinh thái, đặc sản, bản sắc văn hóa địa phương, thời gian qua, chúng tôi đã nỗ lực chuẩn bị các điều kiện để đưa huyện trở thành điểm đến trải nghiệm hấp dẫn. Sau thời gian xây dựng, mùa hè này, bản Phú Lâm - mô hình du lịch cộng đồng đã có thể đáp ứng các yêu cầu phục vụ du khách; đồi chè Hương Trà cũng đã đạt tiêu chuẩn điểm du lịch cấp tỉnh. Các điều kiện như lưu trú, ăn uống, tham quan… đã được chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng”.

Can Lộc cũng đã xây dựng sản phẩm du lịch gắn với chùa Hương Tích một cách bài bản, Nghi Xuân có nhiều sản phẩm mới trên cơ sở khai thác các giá trị của Khu di tích Nguyễn Du. Đặc biệt, khởi động cho khai trương du lịch biển năm 2024, các địa phương có khu, điểm du lịch biển đã có sự chuẩn bị bài bản về cơ sở hạ tầng, cảnh quan môi trường và xây dựng kế hoạch với nhiều hoạt động văn hóa thể thao thu hút du khách. Trong đó, Khu du lịch Thiên Cầm là nơi diễn ra khai trương du lịch biển cấp tỉnh, thời điểm này, huyện Cẩm Xuyên đã xây dựng chuỗi sự kiện liên tục trong cuối tháng 4 và suốt tháng 5/2024; Khu du lịch Xuân Thành vừa “thay áo mới” bằng diện mạo khang trang, cùng nhiều sản phẩm được ra mắt trong mùa hè này…

a5.jpg
Khách sạn Seabird - cơ sở lưu trú đạt chuẩn 4 sao cộng tại KDL Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) sẵn sàng đón khách dịp hè 2024.

Đồng hành với quyết tâm của các cấp, ngành, các doanh nghiệp du lịch cũng nỗ lực để quảng bá, giới thiệu đưa khách về với quê hương núi Hồng - sông La. Các doanh nghiệp lữ hành như: Vietravel Nghệ An (TP Vinh), Công ty Du lịch Thành Sen (TP Hà Tĩnh)… đang tiến hành xúc tiến để đón các đoàn khách về Hà Tĩnh mùa cao điểm. Ông Nguyễn Tiến Trình - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Thành Sen chia sẻ: “Trong 3 tháng đầu năm, chúng tôi đã kết nối, dẫn được 3.000 lượt khách về Hà Tĩnh. Hiện nay, cùng với phát huy sản phẩm tour về chùa Hương Tích, chúng tôi đã xây dựng nhiều sản phẩm tour về các điểm đến khác trong tỉnh. Đặc biệt, công ty đang nỗ lực xúc tiến việc kết nối với các đơn vị kinh doanh lữ hành, du lịch ở vùng Đông Bắc Thái Lan và Lào để đưa khách về Hà Tĩnh trong thời gian tới”.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho khai trương du lịch biển và các loại hình khác đã được đơn vị lên kế hoạch, hướng dẫn bằng văn bản chỉ đạo các địa phương, khu, điểm du lịch triển khai. Cùng với chuẩn bị cơ sở vật chất tiện nghi, xây dựng sản phẩm mới chất lượng, công tác bồi dưỡng nhân lực, việc tăng cường quảng bá cũng được đẩy mạnh. Du lịch Hà Tĩnh đang bước vào đợt cao điểm trong tâm thế chủ động và quyết tâm hoàn thành những mục tiêu đã đề ra”

Ông Lê Trần Sáng - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh

Chủ đề Du lịch Hà Tĩnh

Chủ đề Điểm du lịch Hà Tĩnh

Đọc thêm

Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.
Bảo tàng Hoa Cương - Nơi lưu giữ những kỷ vật quý của Việt Nam

Bảo tàng Hoa Cương - Nơi lưu giữ những kỷ vật quý của Việt Nam

Xuất phát từ ý tưởng lưu giữ lại những những tinh hoa, truyền thống tốt đẹp của quê hương đất nước, nhà giáo, Tiến sĩ Nguyễn Quang Cương, xã Bình An, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) trong 50 năm đã dày công sưu tầm hàng ngàn hiện vật, tài liệu, bút tích quý hiếm.
 Soi đèn đi nhặt "lộc biển"

Soi đèn đi nhặt "lộc biển"

Khi màn đêm buông xuống, thủy triều bắt đầu rút sâu, hàng trăm người dân đã đổ về bãi biển Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để nhặt "lộc biển" dạt kín bờ.
"Viên ngọc xanh" giữa vùng thượng Kỳ Anh

"Viên ngọc xanh" giữa vùng thượng Kỳ Anh

Ẩn mình giữa những dãy núi, đồi chè Nam Sơn như một "viên ngọc xanh" lấp lánh giữa khung cảnh thiên nhiên thanh bình của miền quê nông thôn mới Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Thanh bình xóm đạo miền núi Vũ Quang

Thanh bình xóm đạo miền núi Vũ Quang

Đoàn kết, chung sức đồng lòng cùng các cấp, người dân thôn giáo toàn tòng (thôn 7, xã Quang Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã cùng nhau xây dựng một miền quê thanh bình, đáng sống.