Thơm lừng hương vị tết xưa

(Baohatinh.vn) - Khi tôi lớn lên thì tết đã có tự bao giờ. Nay đã qua tuổi lục tuần, đã đi khắp mọi miền trong và ngoài nước, nhưng hương vị tết thì không hề phôi phai mà trái lại theo thời gian càng thắm đượm, dạt dào trong miền ký ức tôi... ...

Thơm lừng hương vị tết xưa

Làm hương trầm chuẩn bị đón tết. Ảnh internet

Trước tết mấy tháng, ông ngoại tôi đã lên núi Hồng Lĩnh tìm đào rễ trầm đem về phơi cho được nắng. Rễ hương được giã nhỏ trộn với mật mía và mạt cưa. Thẻ hương làm bằng tre chẻ nhỏ vớt từ dưới ao lên, đã ngâm cho mục mềm từ mấy tháng. Công việc quấn hương làm bằng thủ công, ông tôi học được từ khi còn nhỏ, trở nên điêu luyện. Hương trầm "chính hãng" là đây. Năm làm được nhiều thì đem đi chợ tết bán kiếm ít tiền, năm làm được ít thì chỉ đủ dùng trong nhà ba ngày tết. Từ hai lăm, hai sáu tết, hương trầm đã được thắp lên. Mùi hương thơm lừng hoà quyện trong làn gió se lạnh cuối mùa đông toả khắp trong nhà ngoài ngõ, mang hương vị tết đến sớm với mọi người.

Ở làng tôi, những nhà khá giả đều có ao đìa. Khoảng 23 tháng Chạp, ngày ông Táo lên trời, mấy cậu dì và chúng tôi đi tát đìa đồng Phạm. Đìa được đào từ thời cụ kị, cách đã trăm năm, khá sâu và có nhiều hang chuôm cho các loại cá đồng trú ngụ, nhiều nhất là tràu, rô, hẻn, diếc... Hồi ấy cá nhiều vô kể, ruộng nhiều tôm tép thức ăn hơn bây giờ nên cá đìa con nào con nấy béo vàng hươm.

Bà ngoại và mẹ tôi chọn những con cá tràu đẹp nhất, kho để dành cúng tết. Nồi cá được chế biến công phu với niềm thành kính hướng về tổ tiên. Cá được đánh vảy sạch, cuộn tròn qua một cái trụi bằng tre, nướng trên lửa than nồng đượm, mỡ cá cháy xèo xèo bốc mùi thơm lừng. Những con cá nướng được xếp vào một nồi đất đun hàng tiếng đồng hồ. Nồi cá được đem treo bằng gióng ở trên cao, đôi ngày lại đem hâm lại một lần. Chỉ đến trưa ba mươi thì mới đưa xuống để cúng tổ tiên, ông bà.

Thơm lừng hương vị tết xưa

Kho cá trong nồi đất. Ảnh internet

Cá tràu kho quê tôi thơm ngon hương vị tết: có chút ngọt của mật, chút thơm cay của vỏ quýt, chút mặn mòi của nước mắm Cửa Sót Thạch Kim, thịt cá tràu vàng thơm mùi khói. Hương vị nồi cá tràu đã làm nên thứ tinh hoa ẩm thực đồng quê tuy mộc mạc nhưng có một không hai... Mâm cơm cúng tết ngoài đĩa cá tràu không thể thiếu chả đúc, giò lụa, bát thịt lợn hay thịt gà nấu với củ kiệu vàng màu nghệ, một đĩa thịt bò rim... Một thứ một tý, không có nhiều để bày soạn xô bồ như bây giờ, nhưng món nào cũng mang hương vị tết, được bày biện rất thành kính. Chả đúc, giò lụa thơm lừng hương lá chanh và hương gạo đồng quê, thịt bò rim vị mặn ngọt thơm cay mùi gừng...

Gần trưa ba mươi, ngược xuôi đường làng lối xóm, con trai, con gái gánh mâm đi nội, đi ngoại cúng ông bà. Nhà sang giàu thì mâm đồng, bát ngọc, đũa mun; nhà thanh bần thì mâm gỗ, bát đất, đũa tre... nhưng niềm thành kính thì cũng như nhau! Hồi trước, nghe ông bà kể cũng "có những người nghèo không biết tết" ở đợ làm thuê, khố rách áo ôm, ăn không đủ, mặc không lành thì đành tìm đến hương vị tết qua cửa nhà giàu và đành ôm tủi nhục chịu thất lễ với ông bà, tổ tiên... Nhưng đến thời tôi lớn lên, cuộc sống mới đã đem hương vị tết đến khắp mọi nhà, ít nhiều, thưa nhặt nhưng ai cũng có tết, vui từ xóm dưới đến làng trên... Chiều ba mươi, bên giếng làng, các cô thiếu nữ thi nhau chùi lá dong, mọi nhà chuẩn bị gói bánh tết. Nguyên liệu để gói bánh chưng, bánh tày là gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn ba chỉ, hành tây và hạt tiêu xay. Nồi bánh được đặt lên bếp từ cuối buổi chiều...

Mọi người trong gia đình quây quần bên bếp lửa hồng, nước sôi reo trong nồi bánh, toả mùi thơm ấm nồng. Thi thoảng đã nghe tiếng pháo tép, pháo đại trẻ con đốt canh chừng chờ năm mới. Phường sắc bùa, tầm vinh huyên náo đi hát chúc phúc, mừng thọ vừa đến nhà cuối cùng trong làng thì cũng là lúc nồi bánh chưng được vớt ra. Những chiếc bánh được đặt lên bàn thờ mang triết lý thanh cao về trời tròn đất vuông có từ thuở Vua Hùng dựng nước, dâng lên trời đất, tổ tiên đúng thời khắc giao thừa.

Thơm lừng hương vị tết xưa

Quây quầ bên nồi bánh chưng. Ảnh internet

Ngày tết, người dân quê tôi thường mời nhau thưởng thức miếng bánh chưng chấm mật. Tất cả hoà quyện, dẻo thơm trong hương vị nếp, hương vị đỗ xanh, hương vị dưa hành và thịt mỡ và hương vị ngọt thơm của mật mía đồng quê. Người tha hương bao năm không dễ gì quên được hương vị của bánh chưng, bánh tày. Bánh còn được đem đi chúc tết, mừng thọ, mừng tuổi thầy như một sản vật quý giá, gần gụi và chân tình...

Rượu tết quê tôi lừng danh tự bao đời. Đồng làng tôi đón phù sa sông La, dòng nước hương tuyền từ khe suối Trà Sơn, từ bàn tay cày cấy của mẹ cha sương nắng mà làm nên thứ gạo nếp đặc sản. Cơm rượu được nấu, xuống nước ngâm ủ từ đầu tháng Chạp. Gần tết mới đem ra nấu ba nồi. Bên bếp lửa hồng, những giọt rượu tinh khiết, cay nồng chảy vào hũ nghe tí tách. Rượu quê thơm mùi nếp, uống một vài chén hạt cau đã thấy lâng lâng... Đôi ba nhà còn tự tay làm chè kê, chè đậu, nem, cốm, mứt gừng và không quên sắm mấy bó chè xanh, trầu cau đón khách. Quanh năm tằn tiện, nhưng tết chỉ mấy ngày, thanh bần thật, nhà tranh vách đất, nhưng hương vị tết thì ít nhà để thiếu...

Bây giờ cuộc sống đã đủ đầy, nhà nhà no ấm, vui tết đón xuân trong bao đổi thay của thời cuộc mới. Nhưng hương vị tết quê xưa thì vẫn còn mãi, thơm lừng trong kí ức bao người, để khi tết đến xuân về, lòng dạ ai ai cũng lại thổn thức, nhung nhớ khôn nguôi... Trong hoài niệm, nhớ thương, tôi lại bùi ngùi tự hỏi "Bao giờ cho đến tết xưa?".

  • Thơm lừng hương vị tết xưa
    Bánh ong - hương vị Tết ngọt ngào, dân dã của người dân Hà Tĩnh

    Bánh ong (còn gọi là bánh chè lam) thường xuất hiện trên bàn thờ gia tiên hay bên cạnh khay bánh mứt ngày Tết tại nhiều vùng quê Hà Tĩnh. Món ăn dân dã mang hương vị của ruộng đồng nhưng có sức mạnh ghê gớm, làm khơi gợi những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ, khiến những người con xa quê phải khắc hoải nỗi nhớ nhà khi không thể trở về với Tết đoàn viên...

  • Thơm lừng hương vị tết xưa
    Tháng Chạp yêu thương...

    Vào một buổi sáng mơ màng se lạnh, khi tiếng chim lảnh lót ngoài ô cửa, ta chợt nhận ra một tháng Chạp lại về. Tháng Chạp về rồi, mùa xuân đã bật lên những tín hiệu đầu tiên và khi vạn vật cùng hân hoan bước sang một năm mới, thì ta cũng vừa hai mươi…

Đêm 14 tháng Chạp Mậu Tuất.

Chủ đề Chào năm mới 2020

Đọc thêm

'Săn' mai anh đào nở sớm

'Săn' mai anh đào nở sớm

Thời điểm này, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, người dân và du khách đã bày tỏ sự vui mừng khi hoa mai anh đào đã bắt đầu nở rộ tại khắp các vùng ngoại ô TP Đà Lạt.
Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Theo bảng phân vai "Táo quân 2025" được NSƯT Chí Trung đăng tải, buổi chầu năm nay của các Táo sẽ thay bằng hình thức cuộc thi.
Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Tim tôi như đứng lặng trong lồng ngực. Cớ gì mọi thứ lại trùng hợp đến vậy. Tôi khẽ nhìn khuôn mặt anh Ba qua kính chiếu hậu, thấy anh hiền, chân chất, lương thiện, nhân hậu như má, như ba...
VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

Mới đây, chương trình "VTV Kết nối" đã thực hiện phóng sự đột nhập phòng tập "Táo quân" lúc nửa đêm. Các nghệ sĩ Chí Trung, Quang Thắng, Vân Dung... cũng có những chia sẻ đầu tiên về chương trình.
Podcast tản văn: Mùi của tết

Podcast tản văn: Mùi của tết

Những ngày cuối đông, tiết trời hao hao rét. Giữa khung cảnh ngược xuôi tấp nập của phố phường, ta thoảng nghe trong gió lạnh một mùi vị rất quen thuộc...
Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Tiết mục Vui bốn mùa (dân ca quan họ Bắc Ninh lời cổ), phối khí: NSƯT Quang Hưng, biên đạo: NSƯT Khánh Toàn, do Đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Bên trong vẫn ồn ào náo nhiệt, ngoài này tĩnh lặng bất thường. Chú nắm tay Thụy, ấm áp và yêu thương. Đêm bỗng nở hoa. Muộn mằn nhưng nồng nàn...
Podcast: Bức họa tháng Chạp

Podcast: Bức họa tháng Chạp

Thế là tháng Chạp đã trở về trong sự dùng dằng của đất trời buổi cuối đông. Lòng người vào Chạp cũng trở nên khác lạ với những hối hả để gói ghém lại một năm dài, với những chậm rãi, níu kéo trong sự ươm ủ đón chờ năm mới…
Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Tôi không biết điều kỳ diệu nào đã giữ bà tôi gắng gượng ở lại đón cái Tết cuối cùng với gia đình năm đó. Nhưng mãi về sau này, trên những hành trình xuôi ngược, tôi luôn giữ bên mình chiếc khăn len màu xanh bà trao cho tôi ngày ấy...