Hà Tĩnh luôn xác định doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng tiên phong trong phát triển kinh tế. Bởi vậy, mục tiêu của tỉnh thời gian tới là tiếp tục “biến” dải đất Hồng La trở thành “bến đỗ” lý tưởng của các nhà đầu tư… |
Với phương châm luôn lắng nghe để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư hoạt động SXKD ổn định, phát triển bền vững, Hà Tĩnh luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, xem thành công của DN, nhà đầu tư cũng là thành công của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đồng chủ trì hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh với doanh nghiệp (DN) với chủ đề “Đồng hành vượt khó - nắm bắt thời cơ - phục hồi và phát triển kinh tế” (ngày 14/5/2020).
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Tĩnh Trần Tú Anh, để kích hoạt tiềm năng và lợi thế của tỉnh, đơn vị sẽ tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là trong các lĩnh vực như quy hoạch, đầu tư, đất đai... Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng DN về những vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế, những quy định về cạnh tranh, các hiệp định thương mại để DN vững vàng hơn khi vươn ra biển lớn.
Bên cạnh đó, để phù hợp với nhu cầu phát triển, ngành KH&ĐT Hà Tĩnh cũng sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh có những quyết sách trong việc chọn lọc nguồn vốn theo hướng chọn các dự án có giá trị gia tăng cao (đóng thuế cao, giải quyết nhiều việc làm - PV), hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện môi trường để nâng cao chất lượng nguồn vốn đầu tư vào Hà Tĩnh.
“Ngành KH&ĐT tỉnh thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình, tiến độ triển khai các dự án để nắm bắt kịp thời các vướng mắc của nhà đầu tư. Từ đó, tham mưu cơ quan có thẩm quyền kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai mà không có lý do chính đáng và không có khả năng triển khai tiếp để xử lý thu hồi theo quy định của pháp luật, tạo quỹ đất kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư khác có năng lực đầu tư dự án” - Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Tĩnh trao đổi thêm.
Để Hà Tĩnh luôn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, bên cạnh việc chính quyền đồng hành, sự ủng hộ của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng vô cùng quan trọng.
Thực tế chứng minh, những năm qua, người dân Hà Tĩnh đã chung sức, đồng lòng cùng chính quyền địa phương GPMB, giao đất cho các nhà đầu tư xây dựng dự án. Hàng ngàn người dân Hà Tĩnh tuy phải mất đất, mất nhà, phải từ bỏ nơi chôn rau cắt rốn để di dân tái định cư, song họ luôn biết đặt lợi ích của mình phù hợp trong lợi ích chung của toàn xã hội, vì sự phát triển của quê hương, đất nước.
Toàn cảnh Cảng Vũng Áng. Ảnh: Thu Trang
Dự án Formosa là một minh chứng điển hình trong việc người dân Hà Tĩnh luôn chia sẻ, đồng hành với các nhà đầu tư. Liên quan đến “siêu” dự án này, có gần 2.500 hộ với hơn 10.000 người dân, gần 10.000 ngôi mộ, 35 nhà thờ công giáo và nhà thờ họ cùng hạ tầng kỹ thuật của các xã, phường: Kỳ Lợi, Kỳ Liên, Kỳ Long và Kỳ Phương (TX Kỳ Anh) phải di dời đến 5 khu tái định cư.
Bà Lê Thị Diện (phường Kỳ Phương) nhớ lại: “Ngày xưa, khi tỉnh có chủ trương giao hơn 3.200 ha mặt bằng (khoảng 1.300 ha mặt nước và hơn 1.900 ha đất - PV) để Formosa xây dựng dự án luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương, cá nhân tôi đã ủng hộ chủ trương của tỉnh. Bởi, nhìn về lâu dài, dự án sẽ mang lại những đổi thay cực kỳ to lớn đối với đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương nói riêng và cả tỉnh nói chung”.
“Với những người thực sự quan tâm đến mục tiêu phát triển KT-XH, tương lai con em… hầu như họ đồng tình. Với một bộ phận người dân chưa nắm rõ bản chất vấn đề, nhất là một số người có quyền lợi bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án thì ít nhiều vẫn còn những băn khoăn, trăn trở. Tuy vậy, sau khi được các cấp chính quyền kiên trì lý giải, 100% người dân đã nhất trí di dời, nhường đất cho dự án Formosa, vì sự phát triển chung của tỉnh” - bà Diện chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Huy Tiến - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Hà Tĩnh thông tin: “Hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nhà đầu tư về vốn, lãi suất, thủ tục tiếp cận nguồn tín dụng cũng như cung cấp các dịch vụ tài chính an toàn, hiện đại và thuận lợi nhất. Trong đó, chương trình “Kết nối ngân hàng - DN” được ngành Ngân hàng Hà Tĩnh triển khai từ năm 2014 đã tạo hiệu ứng tốt cho các DN.
Cùng với sự đồng hành, các tổ chức tín dụng đã thực hiện ký kết hợp đồng cung ứng vốn đầu tư cho các dự án trên địa bàn tỉnh, hợp đồng hạn mức mới hoặc tăng hạn mức tín dụng cho các DN, nhà đầu tư bổ sung vốn kinh doanh. Nhờ vậy, thời gian qua, hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh đã tăng cao sự hấp thụ vốn cho DN, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, vừa đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng”.
Trong vòng 5 năm, tăng trưởng tín dụng toàn địa bàn từ 19,1% (năm 2015) đã đạt 20% (năm 2019), đặc biệt, đạt cao nhất là năm 2016 với mức tăng 23,33%. Tính đến hết quý I/2020, doanh số cho vay mới theo chương trình “Kết nối ngân hàng - DN” đạt 2.261 tỷ đồng, cho 589 khách hàng. Dư nợ cho vay khối DN đến 31/3/2020 đạt trên 8.100 tỷ đồng, chiếm 15,72% dư nợ cho vay toàn địa bàn.
Ông Nguyễn Huy Tiến khẳng định, với tinh thần luôn đồng hành cùng DN, nhà đầu tư, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh sẵn sàng cung ứng đủ vốn, đáp ứng các nhu cầu tín dụng của DN, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Hà Tĩnh - vùng đất “nắng lắm, mưa nhiều” - cũng là nơi có rất nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế. Thế mạnh này cộng hưởng cùng chính sách “trải thảm đỏ” trong mời gọi, thu hút đầu tư của tỉnh, chắc chắn nơi đây tiếp tục là “bến đỗ” lý tưởng của các tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư. Và, đây sẽ là nền tảng vững chắc để Hà Tĩnh tiếp tục vươn lên, hiện thực hóa khát vọng đổi thay.
Ảnh: pv&tư liệu
thiết kế: huy tùng