Thời điểm này, cây bưởi Phúc Trạch đang rộ mùa hoa, người trồng đang tất bật thụ phấn bổ sung để đảm bảo năng suất mùa vụ. Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương và người tiêu dùng có tâm lý lo ngại việc thụ phấn bổ sung sẽ ảnh hưởng đến chất lượng quả bưởi.
Thời điểm này, người dân Hương Khê đang tất bật thụ phấn bổ sung cho bưởi Phúc Trạch.
Ông Trương Quang Trung – người dân xã Hương Thuỷ lo lắng, nếu lấy phấn hoa bưởi đường (bưởi Phúc Trạch) để thụ phấn cho nhau thì tỷ lệ đậu quả sẽ rất thấp. Do đó, theo kỹ thuật, chúng tôi phải lấy hoa bưởi chua (bưởi Phúc Trạch được trồng bằng phương pháp gieo hạt, người dân còn gọi là bưởi đường đúc - PV) để thụ phấn mới cho tỷ lệ đậu quả cao.
Do lấy phấn của hoa bưởi chua nên chúng tôi rất băn khoăn liệu có ảnh hưởng đến độ ngon và về lâu dài có ảnh hưởng đến thương hiệu của sản phẩm bưởi Phúc Trạch hay không. Tuy nhiên, để đảm bảo năng suất thì chúng tôi vẫn đang tiếp tục thụ phấn bổ sung.
Hoa bưởi chua.
Cùng chung quan điểm, chị Trần Thị Thương (xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) chia sẻ, là khách hàng, đến mùa thu hoạch, hầu như năm nào gia đình cũng mua rất nhiều bưởi Phúc Trạch. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn lo lắng việc thụ phấn bổ sung có ảnh hưởng đến chất lượng quả bưởi không?
Nói về nguồn gốc phương pháp thụ phấn bổ sung trên cây bưởi, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch Trần Quốc Khánh cho biết, bưởi Phúc Trạch có nguồn gốc từ lâu đời, là cây trồng chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, trong giai đoạn sau năm 1998, bưởi đồng loạt có hiện tượng ra hoa nhưng không đậu quả. Thời kỳ này kéo dài khiến nhiều người dân chặt bỏ cây bưởi bưởi để trồng các loại cây khác.
Lãnh đạo huyện Hương Khê kiểm tra, hướng dẫn người dân quy trình chăm sóc cây bưởi. (Ảnh tư liệu).
Đến năm 2009, Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam và Sở KH&CN Hà Tĩnh thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu, xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục hiện tượng suy giảm năng suất, chất lượng cây bưởi Phúc Trạch” tại địa phương. Các nhà nghiên cứu xác định, nguyên nhân chủ yếu làm suy giảm năng suất, chất lượng bưởi Phúc Trạch là do sự thay đổi bất thường của thời tiết; canh tác không tuân thủ quy trình và sự thiếu hụt dinh dưỡng trong đất; thiếu nguồn phấn hoa...
Giải pháp khắc phục đưa ra là cần tăng sức khỏe cho cây; chăm sóc bưởi theo đúng quy trình. Đặc biệt, phải lấy phấn của hoa bưởi khác giống để thụ phấn cho bưởi Phúc Trạch. Kết quả, bưởi Phúc Trạch bắt đầu hồi sinh và từ đó đến nay, đến mùa ra hoa người dân phải thực hiện việc thụ phấn bổ sung cho cây bưởi.
Tiến sỹ Vũ Việt Hưng là người có nhiều đề tài khoa học gắn với cây bưởi Phúc Trạch. (Ảnh tư liệu).
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sỹ Vũ Việt Hưng – Trưởng bộ môn Cây ăn quả, Viện Nghiên cứu rau quả khẳng định, việc thụ phấn bổ sung cho bưởi Phúc Trạch không ảnh hưởng đến chất lượng, hương vị hay độ ngọt của tép bưởi Phúc Trạch.
Tiến sỹ Vũ Việt Hưng dẫn chứng, về mặt thực tiễn, trước đây (khi chưa thực hiện thụ phấn bổ sung), trong vườn người dân vẫn trồng những cây bưởi khác giống (bưởi chua). Do đó, cây bưởi chua và cây bưởi đường vẫn có giao phấn tự nhiên nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng quả.
Về mặt chuyên môn, với quá trình thụ phấn, mọi biến đổi đều xảy ra ở hạt (nếu đem hạt của quả bưởi có thụ phấn để gieo trồng thì không còn là giống bưởi Phúc Trạch). Còn tép quả được quy định theo bản chất di truyền của giống sẽ không bị ảnh hưởng. Bởi vậy, người dân hoàn toàn yên tâm khi thực hiện thụ phấn bổ sung cho bưởi Phúc Trạch. Không chỉ bưởi Phúc Trạch, nhiều giống bưởi khác hay giống cây ăn quả khác ở nước ta cũng đang sử dụng phương pháp thụ phấn bổ sung để đảm bảo năng suất.
Tiến sỹ Vũ Việt Hưng cũng cho biết thêm, việc bưởi Phúc Trạch ngày nay có chất lượng không đồng đều là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, những nguyên nhân chính là do việc chăm sóc cây bưởi không đúng quy trình, lạm dụng phân bón vô cơ, bón phân sai thời điểm, thu hoạch sai thời điểm… Vì vậy, để đảm bảo năng suất, chất lượng bưởi, người dân cần tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc của cơ quan chuyên môn.