Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự phiên họp thứ 3 về chủ đề Quan hệ đối tác với châu Phi, Di cư và Y tế tại Hội nghị G-20. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Tại các phiên thảo luận trong ngày, các nước G20 nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong ứng phó với các dịch bệnh; ủng hộ tăng cường vai trò của Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong cảnh báo, phòng và chống các dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh xuyên biên giới.
Hội nghị cũng hoan nghênh cách tiếp cận “Một sức khỏe” và kêu gọi các nước cùng chung tay hạn chế sử dụng kháng sinh trên người, cây trồng và vật nuôi.
Hội nghị nhấn mạnh tăng cường hợp tác quản lý di cư, hỗ trợ người di cư và tị nạn tiếp cận tài chính, hoà nhập vào xã hội sở tại, tạo điều kiện cho người di cư đóng góp vào phát triển ở cả nước tiếp nhận, nước trung chuyển và nước xuất phát di cư.
Hội nghị ủng hộ sáng kiến “Thoả thuận hợp tác với châu Phi,” trong đó nhất trí tăng cường hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào các nước châu Phi để thúc đẩy phát triển kinh tế, chống đói nghèo và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Hội nghị hoan nghênh các sáng kiến của Đức về đào tạo kỹ năng cho phụ nữ, tạo việc làm cho thanh niên để đáp ứng các yêu cầu mới về lao động, việc làm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hội nghị ủng hộ việc thành lập Quỹ Doanh nghiệp nữ (WEFi) để thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp nữ, hỗ trợ tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, qua đó để tăng cường vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế. Hội nghị khẳng định tăng cường hợp tác phát triển doanh nghiệp vừa-nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy các chuỗi giá trị và sản xuất toàn cầu.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh G20 thảo luận vấn đề việc làm và trao quyền cho phụ nữ trong kỷ nguyên số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thủ tướng nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số cũng là nội dung quan trọng trong Nghị sự của APEC 2017; thông báo về việc Việt Nam sẽ tổ chức Đối thoại Chính sách cấp cao APEC về phụ nữ và kinh tế vào tháng 9/2017 để tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận các cơ hội kinh doanh và đóng góp phát triển kinh tế trong nền kinh tế số.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang nỗ lực xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp năng động, đổi mới, sáng tạo. Thủ tướng đã đề nghị G20 xây dựng khuôn khổ toàn cầu mới về tự do hơn nữa cho phát triển cơ sở hạ tầng mạng và ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số và thành lập Diễn đàn Toàn cầu về khởi nghiệp để tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm về khởi nghiệp sáng tạo.
Đây cũng là những hoạt động cuối cùng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong khuôn khổ chương trình thăm chính thức làm việc Cộng hòa Liên bang Đức và dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Angela Merkel.
Với 37 hoạt động trong chương trình làm việc khẩn trương, từ ngày 5-8/7, chuyến công tác tại Đức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đạt nhiều kết quả tích cực thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác song phương giữa hai nước, đặc biệt là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thời gian tới, đồng thời thể hiện sự đóng góp tích cực, chủ động của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế thông qua Hội nghị thượng đỉnh G20.
Đặc biệt, trong tiếp xúc cấp cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel; hội kiến Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier; gặp Chủ tịch Hội đồng Liên bang Đức (Chủ tịch Thượng viện) kiêm Thủ hiến bang Rheinland-Pfalz , bà Malu Dreyer.
Trong hội đàm, Thủ tướng Angela Merkel nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Cộng hòa Liên bang Đức; khẳng định việc Đức mời Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh G20 thể hiện sự coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Đức phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Hai nhà lãnh đạo hài lòng nhận thấy trong nhiều năm qua, Đức luôn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU); nhất trí cho rằng hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác và cần phối hợp thúc đẩy, tạo cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tiếp xúc với nhau nhiều hơn tại các diễn đàn doanh nghiệp song phương nhân dịp các chuyến thăm cấp cao hoặc tại các diễn đàn kinh tế toàn cầu.
Hai Thủ tướng hài lòng về kết quả tích cực của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Đức được tổ chức nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với 36 thỏa thuận được ký kết có tổng trị giá 4 tỷ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có các cuộc gặp gỡ, làm việc với nhiều quan chức liên bang và các địa phương của Đức như Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức; Thị trưởng Berlin Michael Muller; Thị trưởng Hamburg; Phó Thủ hiến, Bộ trưởng Kinh tế bang Rheinland-Pfalz Volker Wissing; Thủ hiến bang Hessen Volker Bouffler và gặp Chủ tịch Quốc hội bang Hessen Norbert Kartmann.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Đức. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã có buổi đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn của Đức; tham quan Phân xưởng sản xuất Nhà máy Siemens.
Nhân dịp sang thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức, Thủ tướng đã gặp gỡ nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại thủ đô Berlin; thăm hỏi cán bộ, nhân viên Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt.
Tham gia các hoạt động trong chương trình Hội nghị Thượng đỉnh G20, được mời phát biểu với tư cách là diễn giả chính tại Phiên thảo luận về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và năng lượng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của tăng cường hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng nêu rõ, với vai trò Chủ nhà APEC 2017, Việt Nam thúc đẩy những chủ đề ưu tiên trong Nghị sự APEC 2017 là phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả năng lượng; phối hợp với các thành viên APEC thúc đẩy trao đổi sâu rộng và có các cơ chế, khuôn khổ hợp tác về phát triển bền vững, bao trùm, cả về kinh tế, xã hội và tài chính.
Bên lề hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc tiếp xúc song phương, gặp gỡ lãnh đạo các nước G20 (Chủ tịch nước Trung Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ, Thủ tướng Australia, Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng Singapore, Thủ tướng Cananda, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Senegal, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới...), tập trung trao đổi các định hướng, biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các thành viên G20.
Chuyến thăm chính thức làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức và tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết thúc tốt đẹp, tiếp thêm xung lực cho quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Cộng hòa Liên bang Đức, đồng thời tiếp tục truyền đi thông điệp về hình ảnh đất nước Việt Nam đổi mới, phát triển năng động, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Chiều 8/7, theo giờ địa phương, tức tối muộn cùng ngày theo giờ Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn Cấp cao Việt Nam đã rời Hamburg, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức, làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức, lên đường thăm Vương quốc Hà Lan, theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Rutte ./.