Thủ tướng: Sức ép lạm phát năm nay sẽ lớn hơn

Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng cho rằng trước giá cả, tình hình thế giới có nhiều biến đổi, tất cả các cấp, các ngành, các địa phương phải chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, cần lưu ý sức ép lạm phát năm nay sẽ lớn hơn…

thu tuong suc ep lam phat nam nay se lon hon

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ tháng 2. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đánh giá về tình hình tháng 2, tháng có Tết Nguyên đán, Thủ tướng cho rằng, Chính phủ đã chủ động, tích cực, làm hết sức mình để chuẩn bị cho nhân dân vui xuân, đón Tết. Công tác chuẩn bị Tết được triển khai tốt, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung hàng hóa phong phú, giá cả ổn định, các đối tượng yếu thế trong xã hội, đối tượng chính sách, người có công, dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai được quan tâm. Chúng ta đã xuất 17.000 tấn gạo hỗ trợ người dân vùng khó khăn. Công tác an ninh trật tự cơ bản được bảo đảm tốt. Có thể nói rằng, chúng ta đã có trách nhiệm trong việc tổ chức Tết Mậu Tuất tương đối ấm cúng, vui tươi cho nhân dân.

Thủ tướng có công điện chỉ đạo các mặt công tác có liên quan để ngay sau Tết, các cấp, các ngành bắt tay vào sản xuất kinh doanh, nhất là xuống đồng đúng thời vụ, cán bộ công chức ổn định ngay công việc. Đến nay, một số ngành, địa phương đã xử lý nghiêm việc cán bộ công chức sử dụng xe công, đi lễ trong giờ hành chính.

Về tình hình tháng 2, Thủ tướng nhìn nhận, kinh tế - xã hội chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2, tháng có mức tiêu dùng cao, tăng 0,73%. Lạm phát cơ bản được kiểm soát. Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, xuất 13,4 tỷ USD trong tháng 2, 2 tháng đạt 33,6 tỷ USD, tăng gần 23%, đặc biệt nông sản xuất khẩu tăng gần 28%. Đặc biệt, xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng 25,7%, cao hơn khu vực FDI (21,8%). Xuất siêu đến 1,08 tỷ USD trong khi tháng này năm ngoái, chúng ta nhập siêu gần 50 triệu USD.

Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, đặc biệt sản xuất công nghiệp tăng mạnh. Mặc dù vào tháng Tết nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8%, lũy kế 2 tháng tăng 15,2%, trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 17,7%, khai khoáng tăng 5,7%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng tăng 10,1%. Khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh đạt trên 2,86 triệu lượt, tăng 29,7%.

Vốn FDI thực hiện đạt 1,7 tỷ USD, tăng 9,7% (cùng kỳ tăng 3,3%). Đặc biệt, góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 102,5%.

Trong tháng Tết, có đến 7.864 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 2 tháng có đến gần 19.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng gần 30%.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm. Các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm thực hiện chính sách người có công. An sinh xã hội được bảo đảm.

thu tuong suc ep lam phat nam nay se lon hon

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, chúng ta còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, không được chủ quan, cần chỉ đạo khắc phục sớm. Cụ thể là, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước vẫn đạt thấp, 2 tháng đạt gần 9% kế hoạch năm. Do đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành thảo luận,nêu rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục sớm tình trạng này.

Cho rằng giá cả, tình hình thế giới có nhiều biến đổi, trong nước có những yếu tố cần quan tâm, Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả các cấp, các ngành, các địa phương đều phải chú trọng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Cần lưu ý sức ép lạm phát năm nay sẽ lớn hơn khi mà giá dầu thô, giá hàng hóa trên thị trường thế giới có xu hướng tăng và chúng ta hấp thụ một lượng ngoại tệ lớn từ FDI, từ đầu tư gián tiếp, kiều hối. Thủ tướng đề nghị các Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan cần phát biểu về các giải pháp cụ thể đối với vấn đề này, kể cả việc điều chỉnh lộ trình giá thị trường một cách phù hợp, đặc biệt là điện, nước, giáo dục, y tế cần được tính toán kỹ.

Đề cập đến các báo cáo về tình hình quốc tế cho thấy nhiều nước điều chỉnh chính sách kinh tế như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng thuế đối với hàng nhập khẩu, dựng lại hàng rào thương mại sẽ tác động lớn đến xuất khẩu, Thủ tướng lưu ý, những yếu tố đó sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Việc thu hút các nguồn lực từ trong nước và nước ngoài để chuyển dịch cơ cấu kinh tế vẫn đặt ra rất gay gắt. Vì vậy, các bộ, ngành cần đề xuất các đối sách phù hợp trước tình hình thế giới hiện nay, đặc biệt chủ động tìm nguồn lực cả trong nước và nước ngoài để lượng vốn vào Việt Nam nhiều hơn, làm sao sức dân, sức sản xuất trong nước được giải phóng. Đây là câu hỏi lớn mà nếu chúng ta không tiếp tục đầu tư phát triển, chúng ta sẽ tụt hậu, Thủ tướng nói.

Cho rằng các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục tìm hiểu khó khăn ở đâu, cơ chế, chính sách nào để tháo gỡ tốt hơn nữa, để số lượng doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp phục hồi nhiều hơn.

Định hướng thảo luận tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đề xuất những việc để phản ứng chính sách rõ nét, kịp thời hơn để quản lý chỉ đạo tốt vĩ mô, không để bất ổn xảy ra đi liền với tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất. Bên cạnh phát triển kinh tế cần quan tâm đến vấn đề xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

ĐBQH Hà Tĩnh tham gia góp ý dự thảo Luật Công chứng

ĐBQH Hà Tĩnh tham gia góp ý dự thảo Luật Công chứng

Tham gia thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Trần Đình Gia - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề xuất mở rộng mô hình văn phòng công chứng, tăng cường trách nhiệm công chứng viên.
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Sáng 21/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.