Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phục hồi nhanh và phát triển kinh tế bền vững

(Baohatinh.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội; tập trung giữ vững kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công...

Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phục hồi nhanh và phát triển kinh tế bền vững

Ảnh: VGP

Sáng 5/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2022; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình và giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; việc triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phục hồi nhanh và phát triển kinh tế bền vững

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh

Tìm giải pháp trọng tâm xây dựng kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong những tháng đầu năm, tình hình thế giới có nhiều biến động, giá dầu tăng cao… tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội trong nước.

Bên cạnh đó, tình hình trong nước cũng có nhiều khó khăn, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến bất động sản, chứng khoáng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, giá xăng dầu… gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội; tình hình lạm phát mặc dù có kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn ở mức thấp, chưa có nhiều cải thiện…

Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phục hồi nhanh và phát triển kinh tế bền vững

Trong tình hình đó, với tinh thần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự nỗ lực của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, kinh tế - xã hội nước ta vẫn đang hồi phục tích cực.

Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai tích cực, đồng bộ các chính sách; đặc biệt, triển khai tốt Nghị quyết 01/NQCP ngày 8/1/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Trên cơ sở đó, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục thảo luận, đánh giá tình hình phát triển kinh tế -xã hội quý I/2022; rút ra bài học kinh nghiệm, phân tích nguyên nhân và tìm những giải pháp trọng tâm, hạn chế tối đa tác động xấu để triển khai thực hiện trong những tháng tiếp theo. Mục tiêu là đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng nền kinh tế tự chủ. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế.

Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phục hồi nhanh và phát triển kinh tế bền vững

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Nền kinh tế tăng trưởng tích cực

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, trong quý I/2022, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQCP, số 02/NQ-CP, các nghị quyết chuyên đề của Chính phủ.

Về tiến độ thực hiện, các nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành đến hết quý I/2022 cơ bản đáp ứng đúng tiến độ, trong đó đã hoàn thành 87,1% nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP.

Kinh tế - xã hội tiếp tục được duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,03%, đây là mức khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Kinh tế vĩ mô ổn định. Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, CPI bình quân quý I/2022 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2021. Cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp được đảm bảo. Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống, sức khỏe Nhân dân được thực hiện hiệu quả.

Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phục hồi nhanh và phát triển kinh tế bền vững

Đại biểu dự điểm cầu Hà Tĩnh.

Bước sang quý II, kinh tế - xã hội nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 là thách thức lớn, đòi hỏi cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ và chia sẻ gánh vác trách nhiệm giữa các đoàn thể trong nước trong giai đoạn khó khăn này. Các ngành, các cấp cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Hội nghị cũng đã nghe các báo cáo liên quan đến tình hình và giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; việc triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia và tham luận của các địa phương để tìm giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.

Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phục hồi nhanh và phát triển kinh tế bền vững

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Tập trung giữ vững kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong thời gian qua. Kết quả đạt được trong quý I khá toàn diện, trong đó, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tỷ lệ phủ vắc-xin cao, các chỉ số ca nhiễm, ca chuyển nặng, ca tử vong giảm sâu. Phần lớn các địa phương có sự tăng trưởng, phục hồi kinh tế nhờ vào các trụ cột dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, lãi suất ổn định.

Các cân đối kinh tế, thu - chi được đảm bảo; thu hút vốn đầu tư đạt cao; phát triển doanh nghiệp khởi sắc; các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch tăng trưởng khá; an sinh xã hội được quan tâm, đời sống người dân được đảm bảo; chủ quyền được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hội nhập quốc tế được thúc đẩy.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cũng phân tích một số nguyên nhân những kết quả đạt được; những bài học kinh nghiệm cũng như một số tồn tại, vướng mắc trong thời gian qua.

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là ngành y tế tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội; tập trung giữ vững kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, thương mại điện tử; xử lý nghiêm tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái; đẩy mạnh việc không sử dụng tiền mặt liên quan đến hoạt động tài chính, tiền tệ.

Bên cạnh đó, thực hiện thanh tra, giám sát liên quan đến hoạt động bất động sản, môi trường, trái phiếu, chứng khoán, xăng dầu…; nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế; đẩy mạnh phục hồi hoạt động du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Coi trọng công tác phát triển văn hoá, giáo dục, chú trọng an sinh xã hội, quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân; chủ động giải pháp ổn định cung - cầu lao động.

Các đơn vị, địa phương cũng cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, góp ý cải cách các dự án luật, cải cách hành chính; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý tham nhũng. Tiếp tục giữ vững độc lập chủ quyền đất nước, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác thông tin truyền thông, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thông tin xấu độc.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo tốt công tác GPMB thực hiện các dự án đường giao thông trọng điểm; làm tốt công tác quy hoạch, khai thác mỏ vật liệu; đẩy mạnh công tác quy hoạch...

Các bộ, ngành thuộc thẩm quyền xem xét các đề xuất tại hội nghị để hỗ trợ, tháo gỡ; những vấn đề thuộc thẩm quyền cấp cao hơn thì tham mưu Chính phủ, Trung ương giải pháp phù hợp; quan điểm chung là không để xảy ra tình trạng ách tắc, đảm bảo thuận lợi tối đa cho phục hồi, phát triển kinh tế.

Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phục hồi nhanh và phát triển kinh tế bền vững

Kinh tế - xã hội Hà Tĩnh quý I/2022 có nhiều điểm sáng

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh quý I năm 2022 vẫn có nhiều điểm sáng. Công tác chỉ đạo điều hành bám sát Nghị quyết của Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, về kinh tế, sản xuất vụ xuân 2022 cơ bản đảm bảo về cơ cấu giống, thời vụ và diện tích trong điều kiện giá vật tư đầu vào tăng cao, tổng diện tích lúa gieo cấy đạt trên 59.872 ha; diện tích cây trồng cạn (rau, đậu, ngô, lạc...) đạt trên 21.313 ha; hiện các loại cây trồng sinh trưởng phát triển tốt. Dịch bệnh trong chăn nuôi quý I cơ bản được kiểm soát. Tổng đàn gia súc, gia cầm và sản lượng thịt hơi duy trì ổn định.

Kim ngạch xuất khẩu quý I đạt 329 triệu USD, giảm 23,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 729 triệu USD, tăng 2,75% so với cùng kỳ.

Hoạt động dịch vụ, du lịch đang từng bước phục hồi và thích ứng với tình hình mới. Thu ngân sách trên địa bàn quý I đạt 5.769 tỷ đồng, đạt 35% dự toán tỉnh giao, tăng 52% so với cùng kỳ.

Văn hoá – xã hội tiếp tục được triển khai và đạt kết quả tích cực, đặc biệt, tỉnh tập trung nguồn lực, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, dịch COVID -19. Quốc phòng – an ninh được giữ vững.

Tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh quý I năm 2022 mới đạt 267 tỷ đồng, bằng 4,96% kế hoạch vốn giao từ đầu năm.

Hiện tại, tỉnh Hà Tĩnh đã xác định một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung chỉ đạo, thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư, nhất là các dự lớn, trọng điểm; triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu ngân sách, phấn đấu thu đạt và vượt dự toán; tập trung cao, quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; chỉ đạo sản xuất, thu hoạch vụ xuân an toàn, thắng lợi, xây dựng và tổ chức triển khai sớm đề án sản xuất hè thu. Kịp thời triển khai chương trình phục hồi du lịch Hà Tĩnh; khôi phục lại các ngành dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật, thí điểm đón khách du lịch quốc tế; chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho mùa du lịch biển năm 2022; thực hiện đồng bộ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh; chú trọng phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, xã hội...

Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phục hồi nhanh và phát triển kinh tế bền vững

Cảng Vũng Áng

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, các loại khí, chất gây nghiện từ năm 2025.