Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô: Dự kiến tính theo giá bán ra của nhà nhập khẩu

Tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2015 của Bộ Tài chính chiều 30/6, nhiều vấn đề lớn đang được dư luận, người dân quan tâm đã được đại diện các cơ quan thông tấn báo chí đề cập và cũng đã được lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc trả lời thấu đáo.

Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô: Dự kiến tính theo giá bán ra của nhà nhập khẩu ảnh 1
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: DT

Trả lời câu hỏi của PV liên quan tới căn cứ giá để tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 1/1/2016 và hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo nghị định để hướng dẫn chi tiết các quy định tại Luật này và xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Bộ dự kiến trình Chính phủ vào cuối tháng 7 hoặc tháng 8 này. Trong dự thảo có một nội dung liên quan tới việc tính giá tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô. Theo dự thảo, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe nhập khẩu là giá bán ra của nhà nhập khẩu. Hiện nay, giá này được tính trên giá ship, cộng với thuế nhập khẩu.

Đảm bảo sự công bằng giữa nhà nhập khẩu và nhà sản xuất ô tô

Tại sao lại có dự kiến sửa đổi như vậy? Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho hay, nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ việc giám sát tình hình thực hiện và các cam kết thuế trước đây, trong đó có thuế đối với ô tô nhập khẩu sẽ giảm dần về 0% vào năm 2018. Rõ ràng, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhà sản xuất trong nước là giá bán ra của nhà sản xuất, trong khi của nhà nhập khẩu lại là giá ship cộng với thuế nhập khẩu.

Như vậy, việc xác định giá tính thuế chưa thực sự công bằng, cũng như tính cạnh tranh giữa nhà nhập khẩu và nhà sản xuất trong nước. Đây cũng chính là kiến nghị của VAMA, Hiệp hội Cơ khí (VAMI) và một số doanh nghiệp.

Thứ hai, theo Quyết định 1211 phê duyệt quy hoạch chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô tới năm 2020, tầm nhìn đến 2030, trong đó cũng đã giao cho Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan là xây dựng công thức xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đảm bảo bình đẳng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước với xe nhập khẩu cùng loại. Do vậy, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và tổng hợp kinh nghiệm quốc tế.

Theo đó, ở một số nước còn áp dụng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô nhập khẩu là giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng, tức là còn qua nhiều khâu thương mại. Cũng có nước áp dụng là giá nhập khẩu là giá ship cộng với giá nhập khẩu như từ trước tới nay chúng ta áp dụng, nhưng số lượng các nước này không nhiều. Trong khu vực hiện nay, Thái Lan cũng đang áp dụng, nhưng đang có hướng chuyển dần và dự kiến áp dụng trên giá bán lẻ.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, căn cứ vào khoản 6, điều 6, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa dịch vụ là giá bán ra, giá cung ứng dịch vụ.

Trên cơ sở những lý do đó, Bộ Tài chính đề xuất giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô nhập khẩu là giá bán ra của nhà nhập khẩu, có nghĩa là bao gồm cả chi phí bán hàng, cũng như lợi nhuận của nhà nhập khẩu. Điều này đảm bảo sự công bằng của nhà nhập khẩu và nhà sản xuất, lắp ráp trong nước, vì đều áp dụng giá căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán ra.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết thêm, một điểm nữa trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này là Bộ Tài chính cũng đã đề xuất đối với mặt hàng ô tô dưới 24 chỗ ngồi nhập khẩu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì mức tối thiểu của chi phí cũng như lợi nhuận được khống chế theo dự thảo Nghị định hướng dẫn là 10%.

"Tuy nhiên, qua ý kiến tham gia của các bộ, ngành, hiệp hội,... chúng tôi đã cân nhắc xem nên quy định là 5% hay 10%", Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho hay.

“Bộ Tài chính luôn mong muốn các hiệp hội, DN tham gia ý kiến và chúng tôi cũng đã tổ chức một cuộc hội thảo và mời các nhà nhập khẩu ô tô, VAMA, VAMI, các DN tham gia để có một cuộc thảo luận, đối thoại cởi mở, thẳng thắn về vấn đề này. Qua đó, Bộ Tài chính tiếp thu và cân nhắc, nhằm xây dựng quy định phù hợp và trình Chính phủ để có thể ban hành trong tháng 7 hoặc tháng 8”, Thứ trưởng nói.

Phí, lệ phí đối với lĩnh vực thú y: Bỏ hay không bỏ?

Một số PV cũng quan tâm tới việc bãi bõ một số phí, lệ phí thú y đã được nêu ra tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thứ trưởng cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT với đề xuất không thu phí đối với công tác thú y quy định tại Thông tư 04/2012/TT-BTC (quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y) cho tới khi Luật phí, lệ phí mới được ban hành và sẽ có thông tư để hướng dẫn cụ thể.

Trước đó, Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản đề nghị với Bộ Tài chính bãi bỏ 31 loại phí và 14 loại lệ phí. Tuy nhiên, qua xem xét, Bộ Tài chính thấy rằng, với kiến nghị và nhằm hỗ trợ thúc đẩy hơn nữa phát triển nông nghiệp, nông thôn Bộ Tài chính đang có ý kiến với Bộ NN&PTNT đề nghị không thu nữa và bãi bỏ Thông tư 04.

Tuy nhiên, hiện nay Bộ Tài chính đang nhận được nhiều ý kiến từ các chi cục thú y của các địa phương, đề nghị Bộ xem xét và vẫn quy định một số loại phí để đảm bảo hoạt động của các chi cục thú y. Bộ Tài chính đang trong quá trình tổng hợp ý kiến để trao đổi với Bộ NN&PTNT, thống nhất và có quyết định sớm nhất về vấn đề này.

Cũng tại buổi họp, nhiều vấn đề khác liên quan tới Nghị định 60 hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, cải cách hiện đại công tác thuế, tiến trình cổ phần hóa, quản lý giá sữa, xăng dầu... cũng đã được đề cập và giải đáp thỏa đáng tới các cơ quan thông tấn báo chí./.

Theo Thời báo Tài chính VN

Đọc thêm

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Mặc dù bức tranh lạm phát vẫn chưa rõ ràng và nhu cầu về đồ trang sức vàng có thể suy yếu ở một số khu vực, nhưng triển vọng chung về giá vàng thế giới trong năm tới là tích cực, theo các nhà phân tích của Tập đoàn Heraeus Precious Metals.
Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng, dầu tiếp tục biến động trái chiều trong phiên điều hành theo chu kỳ của Liên Bộ Tài chính – Công Thương.