Dư nợ ngành ngân hàng Hà Tĩnh ước đạt 89.560 tỷ đồng

(Baohatinh.vn) - Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã nỗ lực “rót vốn” vào các lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ..., tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Đến nay, tổng dư nợ toàn địa bàn ước đạt 89.560 tỷ đồng.

Nông nghiệp là một trong những trụ đỡ của nền kinh tế Hà Tĩnh, bởi vậy, phát triển tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là mục tiêu trọng điểm của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Theo đó, ngành ngân hàng Hà Tĩnh đã không ngừng tạo điều kiện cấp vốn để người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng các mô hình kinh tế tiềm năng gắn với thế mạnh từng vùng miền như: đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản; chăn nuôi gia súc gia cầm; trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp...

Dư nợ ngành ngân hàng Hà Tĩnh ước đạt 89.560 tỷ đồng

Nông nghiệp, nông thôn là “mảnh đất màu mỡ” của các tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, liên kết cũng có sự hậu thuẫn vững chắc từ ngành ngân hàng. Theo đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Tĩnh hiện đạt trên 41.229 tỷ đồng, chiếm khoảng 46,1% tổng dư nợ toàn địa bàn.

Anh Trần Văn Ân - chủ mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở tổ dân phố Xuân Hoà, thị trấn Lộc Hà chia sẻ: “Gần 20 năm trước, tôi lập nghiệp từ nuôi tôm trong hồ đất quy mô 2 ha. Số tiền 300 triệu đồng mà Agribank Chi nhánh huyện Lộc Hà “tiếp sức” từ năm 2009 đã giúp chúng tôi mở rộng quy mô, sản xuất bền vững. Năm 2013, tôi mạnh dạn mở rộng mô hình và chuyển hướng sang nuôi tôm công nghệ cao cho hiệu quả cao. Gia đình hiện sở hữu 10 ha tôm nuôi công nghệ cao trong nhà màng với quy mô nuôi 4 triệu con/lứa, mỗi năm 2 – 3 lứa, cho doanh thu 20 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với mức lương 10 triệu đồng/người/tháng”.

Dư nợ ngành ngân hàng Hà Tĩnh ước đạt 89.560 tỷ đồng

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh.

Theo ông Võ Huy - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, xác định nông nghiệp, nông thôn là “dư địa” chính trong phát triển tín dụng, thời gian qua, đơn vị đã chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng liên quan đến “tam nông”, góp phần đưa nông nghiệp Hà Tĩnh hội nhập. Đến nay, tổng dư nợ của chi nhánh đạt trên 13.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tới 90% tổng dư nợ.

Thời gian qua, ngành ngân hàng Hà Tĩnh cũng đã ưu tiên nguồn vốn đầu tư thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, xây dựng. Nhiều nhà máy, doanh nghiệp hình thành phát triển trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như: Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu, Công ty CP May xuất khẩu MTV, Công ty CP Sao Mai (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên); Công ty CP Bao bì Sông La Xanh (Cụm công nghiệp Đức Thọ), Nhà máy Bia Hà Nội – Nghệ Tĩnh (TX Hồng Lĩnh)... đều có vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cũng đang lớn mạnh từng ngày, đảm nhận thi công nhiều công trình lớn trong và ngoài tỉnh cũng đều có sự hỗ trợ từ phía các “nhà băng”.

Được biết, tín dụng công nghiệp – xây dựng của Hà Tĩnh hiện đạt trên 19.415 tỷ đồng, tăng 9,97% so với cuối năm 2022 và chiếm 21,7% tổng dư nợ.

Dư nợ ngành ngân hàng Hà Tĩnh ước đạt 89.560 tỷ đồng

Tín dụng công nghiệp – xây dựng của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh hiện đạt trên 19.415 tỷ đồng.

Ông Phan Trí Nghĩa – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Bao bì Sông La Xanh (Cụm công nghiệp Đức Thọ) cho hay: Với nguồn vốn đầu tư từ Vietcombank Bắc Hà Tĩnh, nhà máy sản xuất bao bì đã đi vào hoạt động từ năm 2020 và không ngừng mở rộng về quy mô. Theo đó, mỗi năm, doanh nghiệp cung ứng lượng hàng hoá lớn xuất đi các thị trường Philippines, Singapore, Đài Loan, New Zealand... Đến nay, doanh thu của đơn vị đạt hàng trăm tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho gần 400 lao động địa phương.

Theo lãnh đạo Vietcombank Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh, đơn vị luôn ưu tiên nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng khu vực Bắc Hà Tĩnh. Trong đó, tập trung “rót vốn” cho các cụm công nghiệp: Thái Yên, Đức Thọ... Tổng dư nợ toàn chi nhánh hiện đạt khoảng 5.500 tỷ đồng.

Thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Cùng đó, thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đơn giản hóa thủ tục cho vay; niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục giám sát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh, tính đến ngày 31/8/2023, dư nợ toàn địa bàn ước đạt 89.560 tỷ đồng, tăng 2,71% so với cuối năm 2022. Trong đó, các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh nguồn vốn vào các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Khai trương showroom VinFast Hà Tĩnh 2

Khai trương showroom VinFast Hà Tĩnh 2

Showroom VinFast Hà Tĩnh 2 không chỉ là nơi trưng bày và kinh doanh sản phẩm mà còn là cầu nối giữa VinFast với khách hàng nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường.
Ra mắt toà chung cư cao cấp mang phong cách châu Âu tại Hà Tĩnh

Ra mắt toà chung cư cao cấp mang phong cách châu Âu tại Hà Tĩnh

Dự án toà căn hộ D' Metropole - Luxury Apartments hứa hẹn sẽ chinh phục được trái tim người mua nhà nhờ vị trí đắc địa, thiết kế sang trọng, tiện ích đẳng cấp, đáp ứng trọn vẹn nhu cầu sống nghỉ dưỡng – tiện nghi của khách hàng.
Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại

Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại

Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn 9999 cùng bật tăng mạnh cả triệu đồng một lượng trong phiên giao dịch sáng đầu tuần (18/11) do hưởng lợi từ đà tăng của giá vàng thế giới.