Vất vả “níu” nghề ở chợ tre, nứa, mét lớn nhất Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Nép mình bên chợ thành phố Hà Tĩnh (thuộc tổ dân phố 7, phường Nam Hà) có một “xứ sở” kinh doanh tre, nứa, mét tồn tại hàng chục năm nhưng nay dần bị thu hẹp trong đời sống hiện đại.

Vất vả “níu” nghề ở chợ tre, nứa, mét lớn nhất Hà Tĩnh

Tre, thang tre được bày bán trên đường Cao Thắng (TP Hà Tĩnh)

Theo người dân địa phương, trước đây, khi đường Cao Thắng còn chưa được xây dựng, cả “xứ sở” này có hàng chục hộ dân kinh doanh tre, nứa, mét. Vậy nhưng, khoảng chục năm trở lại đây, nhiều hộ dân đã dần bỏ nghề để chuyển đổi sang kinh doanh các mặt hàng khác.

Ông Nguyễn Tiến Huy – người có kinh nghiệm hơn 15 năm kinh doanh tre, nứa, mét chia sẻ: “Trước đây, cả con đường Cao Thắng trở thành điểm tập kết, buôn bán tre, nứa, mét. Nơi đây trở thành điểm bán buôn lớn nhất tỉnh. Các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ ở các huyện cũng đến đây mua tre, nứa về bán.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu sử dụng tre, nứa làm vật liệu gia dụng cũng ít đi và các hộ kinh doanh cũng dần bỏ nghề. Gia đình tôi cũng đang tính “dẹp tiệm” để chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác”.

Vất vả “níu” nghề ở chợ tre, nứa, mét lớn nhất Hà Tĩnh

Khách hàng mua tre trên đường Cao Thắng

Dù thị trường ngày càng mai một nhưng ở “xứ sở” kinh doanh tre nứa lớn nhất Hà Tĩnh, hiện nay vẫn có gần chục hộ dân “níu giữ” nghề.

“Tuy không phổ biến như ngày xưa nhưng hiện nay, các vật dụng làm từ tre, nứa như: thang, giàn giáo, cán cuốc xẻng, cọc tre đóng móng công trình… vẫn được sử dụng nhiều. Đặc biệt, tre, nứa còn được sử dụng làm vật dụng trang trí cho các quán cà phê hay khu vui chơi giải trí trên địa bàn. Vì vậy, dù không sầm “uất”, nhưng việc kinh doanh của chúng tôi cũng đang tạm ổn” – chị Huyền, chủ cơ sở kinh doanh tre, nứa trên đường Cao Thắng cho biết.

Vất vả “níu” nghề ở chợ tre, nứa, mét lớn nhất Hà Tĩnh

Những cây tre dài và thẳng được bày bán ở “xứ sở” kinh doanh tre, nứa, mét

Thời điểm trước và sau tết vài tháng là mùa sôi động của các hộ kinh doanh tre, nứa, mét. Trước tết, người dân thường mua sắm thang để phục vụ công tác dọn dẹp, trang trí. Sau tết, người dân mua tre, nứa để làm các vật dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng… Bởi vậy, thời điểm này, các cơ sở kinh doanh đang thuê nhân công để sản xuất thang tre.

Vất vả “níu” nghề ở chợ tre, nứa, mét lớn nhất Hà Tĩnh

Cơ sở tre, nứa, mét Thành Duy sản xuất thang tre để phục vụ thị trường

Vừa cặm cụi đục, khoan thang, ông Thành – cơ sở kinh doanh tre, nứa, mét Thành Huy vừa cho biết: “Thang có nhiều kích thước dài ngắn khác nhau, có loại chỉ 2 - 3m dùng trong nhà, nhưng phổ biến nhất là 4 - 6m dùng trong ngành xây dựng. Giá bán cũng bình dân, với thang cỡ trung có mức giá từ 30.000 đến 40.000 đồng, thang dài thì trên dưới 60.000 đồng”.

Không chỉ làm thang, giờ đây các hộ kinh doanh tre, nứa cũng bắt đầu đổi mới khi bắt tay vào làm những vật dụng trang trí hoặc đan phên tre cho các quán cà phê hay khu vui chơi giải trí trên địa bàn. Thu nhập từ nghề mang lại bình quân từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng. Để đa dạng và thu hút khách hàng, các cơ sở này còn sản xuất các vật dụng phục vụ việc học tập của học sinh trên địa bàn như: gậy chạy tiếp sức, lựu đạn…

Vất vả “níu” nghề ở chợ tre, nứa, mét lớn nhất Hà Tĩnh

Các cơ sở kinh doanh tre, nứa, mét luôn cố gắng đa dạng hóa sản phẩm để thu hút khách hàng nhưng không được nhiều

“Dù đa dạng hóa sản phẩm nhưng nhu cầu thực tế của thị trường đối với mặt hàng tre, nứa, mét đang ngày càng ít đi. Bởi vậy, có nhiều hôm, cơ sở không có một bóng dáng khách ghé thăm. Để duy trì nghề, các cơ sở kinh doanh ở đây liên kết với nhau nhập nguồn hàng từ Con Cuông (Nghệ An) về để giảm chi phí vận chuyển” – chị Huyền, chủ cơ sở kinh doanh tre, nứa, mét trên đường Cao Thắng cho biết.

Mặc dù buôn bán không lời nhiều nhưng hiện nay, các chủ cơ sở kinh doanh ở “xứ sở” tre, nứa, mét lớn nhất Hà Tĩnh vẫn níu giữ nghề như một nghề truyền thống của cha ông; để tre, nứa, mét không mai một giữa cuộc sống hối hả của xã hội hiện đại.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast