Với 15 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 1 phiếu trắng, ủy ban trên đã thông qua một bản báo cáo trong đó kết luận có đủ bằng chứng để tiến hành luận tội Tổng thống Rousseff liên quan đến các cáo buộc chỉnh sửa con số quyết toán năm 2014 với mục đích làm giảm thâm hụt ngân sách cũng như vay tín dụng mà không được Quốc hội thông qua.
Dự kiến, ngày 11/5 tới, Thượng viện sẽ bắt đầu xem xét khả năng phế truất bà Rousseff, sau khi Hạ viện đã thông qua hôm 17/4.
Trong khi đó, phát biểu cùng ngày, Tổng thống Rousseff đã bác bỏ mọi cáo buộc về việc "làm đẹp" các con số thống kê về tình trạng ngân sách năm 2014.
Bà cho rằng mình là "một bằng chứng sống cho thấy một cuộc đảo chính đang được dàn xếp để chống lại những kết quả tiến bộ đã đạt được trong 13 năm qua."
Nữ chính khách này đồng thời tuyên bố sẽ không khuất phục và "chiến đấu cho đến ngày cuối cùng," bất chấp khả năng Thượng viện thông qua việc tiếp tục xét xử bà.
Theo quy định, chỉ cần 41 trong 81 thượng nghị sỹ thông qua thủ tục phế truất, Tổng thống Brazil sẽ bị buộc rời nhiệm trong vòng 180 ngày, nhường chỗ cho Phó Tổng thống Michel Temer, chấm dứt 13 năm cầm quyền ở Brazil của đảng Lao động (PT) với những thành quả xã hội mà cộng đồng quốc tế đã nhiều lần thừa nhận.
Nếu bà Rousseff bị phế truất, ông Temer sẽ làm tổng thống tới ngày 31/12/2018.
Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Brazil được coi là một trang tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này.
Ngoài việc chính trường Brazil đang ngày càng rối ren, nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ cũng đang lún sâu vào suy thoái sau nhiều năm đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhờ giá hàng hóa cao và nhu cầu lớn về dầu mỏ, quặng sắt và một số hàng hóa khác từ thị trường Trung Quốc.
Cuối tháng Hai, Moody"s đã trở thành hãng xếp hạng tín nhiệm thứ ba trên thế giới hạ bậc tín nhiệm của Brazil xuống mức "vô giá trị" với lý do nền kinh tế này đang đối mặt núi nợ công cao và tình hình chính trị bất ổn.
IMF cũng dự báo kinh tế Brazil trong năm nay sẽ giảm 3,8%.