Bầu cử Mỹ: Các tỉ phú tài trợ có quyết định kết quả?

Từ Thung lũng Silicon đến Phố Wall, một số tỉ phú Mỹ đã trở thành nhà tài trợ lớn cho ông Trump và bà Harris, trong khi có những tỉ phú không công khai ủng hộ bên nào.

Nguồn: Financial Times - Dữ liệu: THANH BÌNH - Đồ họa: T.ĐẠT
Nguồn: Financial Times - Dữ liệu: THANH BÌNH - Đồ họa: T.ĐẠT

Ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris đang trong một cuộc đua "so kè từng li" vào Nhà Trắng trong những ngày cuối cùng trước mốc 5-11 tới, và nhiều tỉ phú Mỹ đã "hà hơi tiếp sức" cho cả hai.

Tỉ phú chi nhiều hơn cho ông Trump

Cuộc bầu cử Mỹ năm nay đang trên đà trở thành cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tốn kém nhất trong lịch sử. Tính đến giữa tháng 10, các ứng cử viên và các nhóm đồng minh của họ đã huy động được tổng cộng hơn 3,8 tỉ USD.

Theo phân tích của báo Financial Times, đến nay các tỉ phú đã quyên góp ít nhất 695 triệu USD (tương đương khoảng 18%) trong tổng số tiền huy động được trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Nhìn chung, ít nhất 144 người trong danh sách khoảng 800 tỉ phú Mỹ của tạp chí Forbes đang sử dụng sự giàu có của mình để tác động đến cuộc bầu cử này.

Trong đó, ông Trump đặc biệt phụ thuộc vào giới tinh hoa Mỹ, với khoảng 1/3 số tiền mà chiến dịch tranh cử của ông và các nhóm đồng minh huy động được đến từ các tỉ phú, nhiều hơn so với tỉ lệ tỉ phú đóng góp bên phía bà Harris.

Về tổng thể, từ tháng 1-2023 đến giữa tháng 10-2024, các nhóm ủng hộ Tổng thống Joe Biden và bà Harris đã huy động được nhiều hơn các nhóm ủng hộ ông Trump, với mức 2,2 tỉ USD so với 1,7 tỉ USD.

Những con số trên càng cho thấy số tiền chảy vào chính trường Mỹ đã gia tăng đáng kể từ khi Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết mang tính bước ngoặt vào năm 2010, theo đó cho phép các cá nhân quyên góp số tiền không giới hạn cho các siêu nhóm hành động chính trị - hay còn gọi là siêu PAC, vốn độc lập với các chiến dịch tranh cử chính thức.

Đến nay khoảng 127 triệu USD (chiếm khoảng 6%) trong tổng số tiền mà bà Harris huy động là do các tỉ phú quyên góp. Tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với phía ông Trump.

Trong số những tỉ phú chi tiền ủng hộ bà Harris có doanh nhân Dustin Moskovitz (đồng sáng lập Facebook), nhà đầu tư mạo hiểm Reid Hoffman, doanh nhân kiêm chính khách Michael Bloomberg... Ngoài ra còn có thông tin tỉ phú Bill Gates thầm lặng quyên góp 50 triệu USD cho một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ bà Harris.

Trong khi đó các nhóm ủng hộ ông Trump đã nhận được ít nhất 568 triệu USD từ các tỉ phú, tương đương 34% tổng số tiền mà chiến dịch tranh cử của ông đã huy động được. Khoảng 432 triệu USD đến từ chỉ 4 nhà tài trợ.

Doanh nhân Tim Mellon (82 tuổi) là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, ủng hộ 150 triệu USD cho Make America Great Again Inc (siêu PAC của ông Trump), chiếm khoảng 45% tổng số tiền tài trợ cho tổ chức này.

Trong khi đó tỉ phú Elon Musk, người giàu nhất thế giới, đã chi hơn 118 triệu USD cho America PAC - siêu ủy ban hành động chính trị ủng hộ ông Trump - vào giữa tháng 10 và con số này dự kiến còn tăng nữa.

Can thiệp tài chính có quyết định kết quả?

Câu hỏi đặt ra là sự can thiệp của các tỉ phú có quyết định kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 hay không?

Trang phân tích chính trị Common Dreams (Mỹ) đưa ra câu trả lời nhanh gọn: "Bất kể số tiền mà giới siêu giàu bỏ vào quá trình này, dù là minh bạch hay là các "khoản tiền đen tối", cuộc bầu cử cuối cùng vẫn do các cử tri quyết định".

Nước Mỹ hiện có khoảng 800 tỉ phú USD, nhưng có tới khoảng 244 triệu người Mỹ đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm nay.

Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận "công trạng" của các tỉ phú Mỹ trong việc góp phần mang tới chiến thắng cho một ứng cử viên tổng thống. Chẳng hạn vì kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể chỉ phụ thuộc vào một số bang chiến trường, nên việc các tỉ phú bơm tiền vào những bang như vậy để huy động cử tri sẽ giúp ích cho ứng viên tổng thống.

Đơn cử siêu ủy ban hành động chính trị America PAC của tỉ phú Elon Musk đang tập trung vận động cử tri ở các bang chiến trường có thể quyết định kết quả bầu cử. America PAC đã chi nhiều tiền cho các quảng cáo và nhân viên để gõ cửa từng nhà khuyến khích mọi người đi bỏ phiếu.

Báo Financial Times nhận định trong bối cảnh nhiều người giàu nhất thế giới đang chi hàng trăm triệu USD để giúp ứng cử viên ưa thích của họ giành chiến thắng, thì có một số ít tỉ phú có thể giúp xoay chuyển kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.

Và khi các tỉ phú bỏ thời gian và tiền bạc cho các ứng cử viên tổng thống mà họ ủng hộ, họ cũng mong muốn được nhận lại điều gì đó. Chẳng hạn tỉ phú Elon Musk coi các quy định hiện nay của Chính phủ Mỹ là rào cản đối với tầm nhìn tương lai của mình và dường như tin rằng nếu ông Trump trở thành tổng thống, tỉ phú này sẽ có được sức ảnh hưởng đáng kể đến việc Chính phủ Mỹ đối xử với các công ty của ông.

"Nếu xu hướng bóp nghẹt hiện tại bằng các quy định quá mức không bị đảo ngược, chúng tôi sẽ không thể đến được sao Hỏa!", ông Musk phát biểu tại một sự kiện gần đây khi một số công ty của ông đang bị giới chức Mỹ điều tra.

Những tỉ phú giữ thái độ trung lập

Trong khi các tỉ phú đến từ Thung lũng Silicon cho tới Phố Wall đã ủng hộ hai ứng cử viên tổng thống Donald Trump và Kamala Harris bằng các khoản quyên góp, một số tỉ phú (như Jeff Bezos, Warren Buffett, Mark Zuckerberg, Tim Cook, Sam Altman, Larry Page...) không công khai ủng hộ bên nào.

Chẳng hạn tỉ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon và Công ty hàng không vũ trụ Blue Origin, không công khai ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào và cũng không có khoản quyên góp cá nhân đáng kể cho bất kỳ đảng nào. Hôm 25-10, báo Washington Post - nhật báo hiện do ông Bezos sở hữu - lần đầu tuyên bố trung lập trong bầu cử Mỹ sau hơn 30 năm có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ.

tuoitre.vn

Đọc thêm

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Cảnh sát tại nhiều nước châu Âu đã bắt giữ 43 người và thu giữ 520 triệu euro (547 triệu USD) trong cuộc điều tra của Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO) và cảnh sát Italy về hành vi trốn thuế giá trị gia tăng (VAT) thông qua rửa tiền cũng như điều tra các hoạt động tội phạm có tổ chức.
Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.