Lúc ấy, tôi là Trung đội trưởng trung đội chỉ huy thuộc Trung đoàn pháo 230, Sư đoàn 367. Xe pháo ngày đêm chuyển bánh theo đường rừng. Trên đường hành quân, đơn vị chúng tôi đã bao lần phải triển khai pháo để bắn máy bay địch oanh tạc vào đội hình. Bộ binh đi trước, chúng tôi, pháo cao xạ và tên lửa đi sau. Máy bay địch thường xuyên tìm những đoàn pháo cồng kềnh khi hành quân để ném bom đánh phá tiêu diệt lực lượng quân giải phóng.
![]() |
Sáng 30/4/1975, xe tăng quân giải phóng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập đánh dấu thời khắc chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. |
Cuộc hành quân “thần tốc” quả là ác liệt. Đường Trường Sơn cheo leo, lúc lên đèo, khi xuống dốc. Có những đoạn đi men theo vách núi, nhìn xuống lòng khe hun hút, sâu thẳm, tài xế phải thật vững tay lái, mắt căng ra để nhìn đường. Nếu chỉ sơ suất một chút là cả xe, pháo và người lăn mấy chục vòng xuống lòng khe. Sợ nhất là ban đêm, đèn xe chỉ để lộ ra một giọt sáng vì sợ phi công địch phát hiện. Lúc nào xe, pháo chúng tôi cũng được khoác lá ngụy trang hòa với màu xanh của núi rừng. Nhờ đó, không quân địch khó phát hiện, hơn tháng trời hành quân vẫn an toàn. Đường mòn Hồ Chí Minh dài hơn 3.000 cây số, qua bao địa danh Tân Kỳ, La Khê, Cha Lo, Cổng Trời, Ngã ba Đông Dương… rồi đoàn quân cũng ra khỏi rừng của Trường Sơn hùng vĩ.
Chúng tôi thuộc cánh quân từ phía Tây Nguyên tiến về Sài Gòn. Giải phóng đến đâu, chúng tôi có mặt đến đó. Máy bay địch vẫn ném bom, bắn phá để hòng ngăn cản bước tiến của quân giải phóng. Bao đồng chí đã anh dũng ngã xuống trước ngày toàn thắng.
Cánh quân chớm vào cửa Sài Gòn, chúng tôi đều lạ lẫm trước chằng chịt những ngã năm, ngã bảy. Nhờ sự chuẩn bị sẵn sàng của chỉ huy mặt trận, các cô biệt động thành, các giao liên nhanh như sóc lên xe dẫn chúng tôi tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất. Sư đoàn chúng tôi chiếm lĩnh trận địa tại đó và được giao nhiệm vụ: bảo vệ sân bay, bảo vệ thành phố Sài Gòn – Gia Định và tuyên truyền giúp dân ổn định cuộc sống, làm theo chính quyền cách mạng.
Đó là những ngày tháng 4/1975, đất nước thống nhất sau 21 năm bị chia cắt. Ngày mà Tướng Trần Văn Trà đã nói với Dương Văn Minh: “Giữa chúng ta không có kẻ thua, người thắng, mà chỉ có Việt Nam thắng Mỹ”.
Sau đó 1 năm, ngày 25/4/1976, chúng tôi lại vinh dự có mặt trong ngày “tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất”.
Sau giải phóng, trình độ hiểu biết của người dân còn hạn chế, trách nhiệm của chúng tôi là tuyên truyền để đồng bào hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc “tổng tuyển cử” này.
Chúng tôi được phân công mỗi người về một hòm phiếu. Tôi xuống quận Phú Nhuận và phụ trách hòm phiếu số 4. Trong ngày bầu cử, nhiệm vụ của tôi là bảo vệ kỳ được hòm phiếu (khi đã có lá phiếu trong hòm). Tôi mặc thường phục, giấu súng ngắn trong người, giữ bí mật nhiệm vụ mình đang thực hiện. Đây là nhiệm vụ khá nặng nề vì tình hình sau giải phóng mới một năm còn rất phức tạp.
Rất may, ngày “tổng tuyển cử” đã diễn ra an toàn tuyệt đối. Tôi vui mừng vì đã góp phần làm tốt nhiệm vụ của một chiến sĩ giải phóng trong ngày hội đầu tiên của toàn dân.
Lại thêm một tháng tư nữa đọng thật sâu trong ký ức.