Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 15/7/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng đội ngũ cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý, nhất là Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đến năm 2030 và những năm tiếp theo (gọi là Nghị quyết số 03), công tác cán bộ ở Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận, song cũng đặt ra không ít vấn đề cần tập trung triển khai trước thềm đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Đồng chí Võ Hồng Hải - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy đã có những chia sẻ với P.V Báo Hà Tĩnh về nội dung này.
P.V: Thưa đồng chí, qua 3 năm triển khai, đồng chí có thể đánh giá kết quả bước đầu trong thực hiện Nghị quyết số 03?
Đồng chí Võ Hồng Hải: Nghị quyết số 03 là một trong những nghị quyết đầu tiên của BCH Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ này và được BCH, BTV Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Ngay sau khi ban hành nghị quyết, BTV Tỉnh ủy đã cụ thể hóa bằng 46 nhiệm vụ tại Kế hoạch số 41-KH/TU ngày 19/8/2021 giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan tham mưu, triển khai thực hiện theo từng năm. Sau 3 năm triển khai, nghị quyết đã mang lại nhiều kết quả khả quan.
Trước hết là về nhận thức, nghị quyết tiếp tục khẳng định rõ xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, trong đó, có nhiệm vụ, thẩm quyền rất rõ ràng, cụ thể của từng tổ chức, cá nhân, chứ không phải là đặc quyền riêng của người đứng đầu hoặc cơ quan tham mưu chuyên trách. Từ nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, một số cấp ủy đã xây dựng nghị quyết riêng về xây dựng đội ngũ cán bộ (TX Kỳ Anh, Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, TP Hà Tĩnh).
Thứ hai, việc ra đời Nghị quyết số 03 góp phần đưa các thể chế về cán bộ và công tác cán bộ ngày càng đồng bộ, hoàn thiện. Từ nghị quyết này, tỉnh đã ban hành các văn bản về phân cấp quản lý cán bộ, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử; tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ; các quy chế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lấy phiếu tín nhiệm nơi cư trú, đánh giá cán bộ gắn với kiểm điểm, xếp loại lãnh đạo, quản lý hằng năm… Trên cơ sở đó, mỗi cán bộ có thể tự soi, tự đối chiếu để biết mình cần tiếp tục phấn đấu như thế nào; các cơ quan, cá nhân làm công tác cán bộ cũng phải tuân thủ đúng quy trình, tiêu chí, tiêu chuẩn, không thể vận dụng một cách tùy tiện, vụ lợi.
Thứ ba, đội ngũ cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý có bước phát triển hơn, đảm bảo về số lượng, chất lượng, cơ cấu, có sự kế thừa hợp lý giữa các thế hệ… Hiện nay, số lượng cán bộ cấp tỉnh thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý là 257 đồng chí; số lượng cán bộ cấp huyện thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý là 166 đồng chí; số lượng Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh là 53 đồng chí; số lượng Ủy viên BTV Tỉnh ủy là 15 đồng chí. Chất lượng đội ngũ cán bộ diện BTV Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp quản lý được chú trọng nâng cao về mọi mặt, từng bước chuẩn hóa theo quy định, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ. Nhiều cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã xây dựng được cơ cấu 3 độ tuổi (dưới 50, 50-60 và từ 61 tuổi trở lên), tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ cơ bản đảm bảo theo quy định.
Thứ tư, các khâu trong công tác cán bộ có nhiều đổi mới. Cụ thể, việc đánh giá cán bộ được thực hiện theo hướng xuyên suốt, đa chiều, bằng sản phẩm cụ thể với nhiều kênh thông tin khác nhau, do đó, việc đánh giá cán bộ cơ bản đảm bảo khách quan, chính xác hơn đội ngũ cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý. Công tác quy hoạch cán bộ thực hiện theo phương châm “động” và “mở” để hằng năm có dư địa bổ sung các nhân tố nổi trội; chất lượng đội ngũ cán bộ đưa vào quy hoạch từng bước được nâng cao. Công tác tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ được thực hiện đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Công tác luân chuyển cán bộ được thực hiện đồng bộ, bài bản; tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, Nhân dân. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp tỉnh đã điều động, luân chuyển 82 đồng chí; cấp huyện điều động, luân chuyển 474 đồng chí.
Thứ năm, tổ chức bộ máy các cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ của tỉnh được kiện toàn kịp thời. Đội ngũ làm công tác cán bộ được đào tạo bài bản, do đó, chất lượng tham mưu cho BTV Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp ngày càng được nâng lên.
Có thể nói rằng, chính những thành tựu, kết quả phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị của Hà Tĩnh thời gian qua là sự đánh giá chính xác nhất về đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh sau 3 năm thực hiện nghị quyết.
P.V: Bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 03, theo đồng chí, còn những vấn đề nào hạn chế, vướng mắc?
Đồng chí Võ Hồng Hải: Kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, song cũng cần thẳng thắn chỉ ra rằng, hiện nay, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nơi chưa đồng đều. Một số chỉ tiêu về cơ cấu, tỷ lệ trẻ, tỷ lệ nữ chưa đáp ứng yêu cầu.
Một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm đúng mức trong việc xây dựng đội ngũ làm công tác tổ chức, cán bộ tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Việc phân cấp, ủy quyền trong thực hiện các khâu của công tác cán bộ cũng chưa triệt để, khoa học. Một số cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa thực sự tự giác, gương mẫu, thậm chí vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ ở một số nơi mới chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt của các cơ quan, đơn vị, chưa gắn với tính tổng thể, đồng bộ trong xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh. Công tác đánh giá cán bộ có thời điểm chưa phản ánh đúng thực chất những ưu, khuyết điểm của cán bộ. Vẫn còn tình trạng quy trình, tiêu chí đúng nhưng “sản phẩm” chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thực sự lựa chọn được những người có năng lực nổi trội nhất...
Công tác luân chuyển cán bộ ở một số cấp ủy chỉ tập trung luân chuyển từ trên xuống, chưa quan tâm nhiều đến việc luân chuyển ngang, luân chuyển từ dưới lên. Vẫn còn một số nơi chưa thực sự tạo môi trường, điều kiện để cán bộ luân chuyển phát huy năng lực, sở trường.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách đối với cán bộ, nhất là chính sách đối với cán bộ luân chuyển, chính sách khuyến khích, đãi ngộ và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển KT-XH của tỉnh còn hạn chế.
Công tác kiểm tra, giám sát về công tác kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được thực hiện thường xuyên. Vai trò giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức đoàn thể về công tác cán bộ chưa được phát huy hiệu quả.
Một số cán bộ tham mưu về công tác cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, tư duy, tầm nhìn để tham mưu cho BTV Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp về chiến lược trong công tác tổ chức, cán bộ.
P.V: Để tiếp tục triển khai hiệu quả, đạt các mục tiêu mà Nghị quyết số 03 đề ra, đồng thời chuẩn bị bước quan trọng cho công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, cấp ủy đảng các cấp cần tập trung những giải pháp trọng tâm nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Võ Hồng Hải: Công tác cán bộ là nội dung hết sức quan trọng, đặc biệt là trước thềm đại hội Đảng các cấp. Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết số 03 đã đề ra cho đến đầu nhiệm kỳ 2025-2030, cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho công tác nhân sự đại hội, cấp ủy các cấp cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản, quy định về công tác cán bộ; đồng thời thường xuyên cập nhật các quan điểm mới, thực tiễn mới, nhất là quy định về việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, có tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm...
Chủ động phát hiện, tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ có bản lĩnh, uy tín cao, năng lực thật sự nổi trội, có triển vọng phát triển để quy hoạch, đào tạo, sắp xếp, bố trí vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.
Tiếp tục thực hiện nhất quán các khâu trong công tác cán bộ, tạo niềm tin cho cán bộ đối với cấp ủy, với cấp trên và với công tác cán bộ; nghiên cứu đổi mới trong việc đánh giá cán bộ, lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hiệu quả công tác và uy tín của cán bộ làm thước đo, tiêu chí cơ bản để đánh giá. Tiếp tục thực hiện việc luân chuyển, điều động gắn với sắp xếp, bố trí cán bộ một bước trước đại hội.
Phải linh hoạt, sáng tạo, sâu sát trong xây dựng và thực hiện chính sách cán bộ, nhất là đối với cán bộ luân chuyển, cán bộ phải chuyển đổi vị trí công tác, cán bộ không đủ tuổi tái cử...
Nâng cao vai trò giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác cán bộ. Phát huy vai trò của Nhân dân trong đánh giá cán bộ.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ các khâu trong công tác cán bộ. Coi trọng cảnh báo, phòng ngừa, xử lý sai phạm và thẩm tra, xác minh, làm rõ thông tin, dư luận liên quan đến cán bộ.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!