Tín dụng chính sách cùng sinh viên miền núi Hà Tĩnh tới giảng đường

(Baohatinh.vn) - Theo thống kê, hiện có 827 sinh viên của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đang vay vốn Ngân hàng Chính sách để thực hiện ước mơ tới giảng đường.

Gia đình chị Lê Thị Thảo (SN 1977), trú tại tổ dân phố 12, thị trấn Hương Khê có mức sống trung bình. Vợ chồng làm nông, nguồn thu nhập chỉ trông chờ vào 5 sào ruộng.

Tuy vậy, khát vọng lớn nhất của anh chị là nuôi các con ăn học đàng hoàng để thoát khỏi cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Với gia đình chị Thảo, vốn chính sách chính là “điểm tựa” giúp các con chị tạo hành trang, xây đắp tương lai.

Tín dụng chính sách cùng sinh viên miền núi Hà Tĩnh tới giảng đường

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Hương Khê hướng dẫn chị Lê Thị Thảo làm hồ sơ vay vốn

Chị Lê Thị Thảo chia sẻ: “Gia đình tôi có 4 người con, cuộc sống còn nhiều khó khăn song vẫn cố gắng để các con theo học đại học. Rất may, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hương Khê đã tạo điều kiện để 2 con được vay vốn chương trình học sinh, sinh viên (HSSV). Đến nay, một cháu đã tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh và có việc làm ổn định, một cháu hiện bước sang năm thứ 3 Trường Đại học Thương mại (Hà Nội). Hiện, tôi đang làm thủ tục hồ sơ để xin vay vốn chương trình HSSV cho cháu thứ 3 chuẩn bị vào nhập học tại Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Nếu không có vốn ngân hàng hỗ trợ, vợ chồng tôi không đủ khả năng để cho các con cùng vào đại học”.

Gia đình bà Thái Thị Tam (xã Hòa Hải) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều năm liền là hộ nghèo của xã song ông bà vẫn quyết tâm nuôi 5 người con ăn học đến nơi đến chốn.

Tín dụng chính sách cùng sinh viên miền núi Hà Tĩnh tới giảng đường

Được Ngân hàng CSXH huyện Hương Khê “tiếp sức”, Trần Linh Chi (thị trấn Hương Khê) đã trở thành sinh viên xuất sắc của Trường Đại học Thương mại (Hà Nội).

Bà Thái Thị Tam tâm sự: Ngoài làm nông, thời gian nhàn rỗi vợ chồng tôi đi khai thác keo tràm cho thương lái song nguồn thu cũng không đáng kể. Cuộc sống khó khăn song niềm an ủi lớn nhất là các con ham học và học giỏi. Bởi vậy chúng tôi không ngừng nỗ lực, mong con cái được học hành tử tế, có việc làm ổn định để không vất vả như cha mẹ. Gia đình biết ơn Ngân hàng CSXH đã “tiếp sức” để 3 người con của tôi được đến giảng đường. Có thời điểm tôi vay đến 200 triệu đồng chương trình HSSV để lo cho các con ăn học. Đến nay, 3 người con đã tốt nghiệp các trường Đại học Kinh tế Huế, Đại học Y khoa Vinh, Học viện Chính sách và phát triển Hà Nội và đều đã có việc làm ổn định.

Hiện nay, người con thứ 4 là Phạm Thị Dung (SN 2003) cũng đang được Ngân hàng CSXH huyện Hương Khê đồng hành trong chương trình tín dụng HSSV để theo học tại Trường Đại học Huế. Không chỉ tiếp vốn mà từ đầu năm 2022 lại nay, Ngân hàng CSXH huyện Hương Khê còn giảm lãi suất cho vay chương trình HSSV 2%/năm theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, hiện nay lãi suất cho vay chương trình HSSV chỉ còn 4,6%/năm (trước đây là 6,6%/năm), giúp gia đình giảm được phần nào áp lực về kinh tế.

Tín dụng chính sách cùng sinh viên miền núi Hà Tĩnh tới giảng đường

Lãnh đạo Ngân hàng CSXH huyện Hương Khê rà soát nhu cầu vay vốn chương trình HSSV đầu năm học mới.

Chị Thảo, bà Tam là 2 trong hơn 600 hộ gia đình của huyện miền núi Hương Khê đang vay vốn tín dụng HSSV để nuôi con học đại học. Hương Khê là huyện miền núi, đặc biệt, những xã biên giới như: Hương Lâm, Hương Vĩnh, Phú Gia, Hoà Hải..., đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, vốn tín dụng chính sách được ví như “chiếc phao cứu sinh” giúp họ thực hiện ước mơ đầu tư cho con cái học hành, lập thân lập nghiệp.

Ông Lê Viết Thông – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Hương Khê cho biết: “Thời gian qua, đơn vị luôn bám sát chủ trương, chỉ đạo của cấp trên, thực hiện hiệu quả 17 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn 21 xã, thị trấn, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đến thời điểm này, tổng dư nợ chính sách của huyện Hương Khê đạt 577 tỷ đồng với hơn 10.500 khách hàng đang phát sinh dư nợ. Trong đó, dư nợ chương trình HSSV đạt trên 22,2 tỷ đồng với 827 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang được tiếp sức đến giảng đường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, dân trí trên địa bàn”.

Năm học 2023 – 2024 đã chính thức bắt đầu, Ngân hàng CSXH huyện Hương Khê đã tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình tín dụng HSSV để người dân đủ điều kiện tiếp cận chính sách.

Để gia tăng hiệu quả chương trình, Ngân hàng CSXH huyện Hương Khê đã và đang tăng cường truyền thông qua nhiều kênh, đặc biệt là qua 307 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 21 xã, thị trấn; thực hiện tiếp nhận và thẩm định hồ sơ nhanh, giải ngân nguồn vốn kịp thời theo đúng quy định pháp luật. Tính riêng trong học kỳ 1 của năm học 2023 – 2024, đơn vị đặt mục tiêu giải ngân 9,6 tỷ đồng đối với chương trình HSSV (tăng trưởng 20% so với học kỳ 1 của năm học 2022 - 2023).

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.