Tình yêu văn chương của người lính trẻ Trần Việt Hoàng

(Baohatinh.vn) - Hình ảnh trong thơ của người lính trẻ Trần Việt Hoàng (quê Can Lộc, Hà Tĩnh) chứa đựng nhiều yếu tố nổi bật mà tinh tế, không đơn thuần miêu tả mà được đẩy lên thành biểu tượng sâu sắc.

Quê hương nuôi dưỡng “hồn” thơ

Lớn lên ở thôn Tân Tiến, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, Trần Việt Hoàng (SN 2002) đã sớm đối mặt với những thử thách của cuộc sống. Bố mất khi anh còn quá nhỏ, gánh nặng gia đình đè lên đôi vai gầy của mẹ. Tuổi thơ của Hoàng là những ngày tháng lam lũ, vất vả mưu sinh cùng mẹ và em gái. Nhưng chính trong hoàn cảnh ấy, những phẩm chất tốt đẹp của Hoàng đã “nảy nở”. Anh luôn biết yêu thương, giúp đỡ mẹ và chăm chỉ, vươn lên trong học tập.

Những năm tháng học tập tại Trường THPT Can Lộc, Việt Hoàng miệt mài đèn sách và gặt hái được nhiều thành tích đáng nể trong các kỳ thi như: Năm lớp 10 (2018) đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp tỉnh. Đặc biệt, trong năm học lớp 11, Hoàng đã tạo ra cú đúp khi giành 2 giải nhất học sinh giỏi tỉnh môn Ngữ văn lớp 11 và lớp 12. Cụ thể, tháng 12/2018, Hoàng thi vượt lớp và giành giải nhất môn Ngữ văn lớp 12 toàn tỉnh; tháng 3/2019 tiếp tục đạt giải nhất môn Ngữ văn lớp 11 toàn tỉnh. Tháng 1/2020, Việt Hoàng đạt giải ba tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT môn Ngữ văn.

Cũng trong những năm tháng cắp sách tới trường, nhiều bài thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết viết về người lính cách mạng luôn làm Việt Hoàng xúc động sâu sắc. Tình yêu màu áo bộ đội đã nhen nhóm trong Hoàng từ đó. Để rồi, ngọn lửa ấy đã thôi thúc Hoàng phấn đấu trở thành học viên của Trường Sĩ quan Chính trị.

Trần Việt Hoàng hiện là học viên năm cuối lớp CT26D, Đại đội 26, Tiểu đoàn 9, Trường Sĩ quan Chính trị.

Dù học tập trong môi trường quân đội song tâm hồn nghệ sĩ của Việt Hoàng vẫn luôn sống động và tràn đầy cảm xúc. Sau những giờ huấn luyện mệt mỏi, Hoàng lại đắm mình vào những trang viết, những vần thơ. Với tài năng và lòng đam mê, những tác phẩm của chàng lính trẻ đã được độc giả đón nhận và đánh giá cao, xuất hiện trên nhiều tờ báo: Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tạp chí Sông Hương, Báo Hà Tĩnh...

Nói về niềm yêu thích văn chương, Việt Hoàng chia sẻ: “Có lẽ, chính những trải nghiệm về tình yêu thương, sự thấu hiểu và khao khát về một mái ấm gia đình đã bồi đắp cho tôi một tâm hồn đa cảm, phong phú và một cái nhìn sâu sắc về cuộc đời. Từ đó, khả năng cảm thụ và sáng tác văn chương trong tôi cũng dần nảy nở một cách tự nhiên. Các tác phẩm của tôi luôn là tiếng lòng của cảm xúc chân thành, sâu lắng và suy tư về cuộc sống, về con người. Những bài thơ đầu tiên được tôi sáng tác lúc còn là học viên năm nhất. Cứ thế, đến năm 2, năm 3, tôi sáng tác nhiều hơn và mạnh dạn gửi tác phẩm của mình tới các tòa soạn”.

Những trải nghiệm về tình yêu thương, sự thấu hiểu và khao khát về một mái ấm gia đình đã bồi đắp cho Việt Hoàng khả năng cảm thụ và sáng tác văn chương.

Chia sẻ về “chất” Hà Tĩnh trong thơ của mình, Việt Hoàng cho hay: “Với tôi, quê hương đã trở thành nơi khởi phát cho những sáng tác đầu tay đến bây giờ và cả sau này. Tinh thần, khí chất của người Hà Tĩnh đã định hình trong những sáng tác của tôi ý thức về sự vươn lên. Những chất liệu của văn hóa quê hương đã ít nhiều soi chiếu vào các tác phẩm. Đó là những câu hò, điệu ví, là những di sản văn hóa tinh thần, là trầm tích lịch sử và cách mạng, là những địa danh, những dòng sông, là ký ức tuổi thơ trên những cánh đồng… Tôi đã “hắt bóng” những biểu tượng tinh thần ấy vào tác phẩm một cách tự nhiên nhất và giản dị nhất”.

Nhiều xúc cảm khi viết về người lính, về quê hương

Trần Việt Hoàng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Can Lộc giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, nên trong quá trình sáng tác mảng đề tài viết về chiến tranh cách mạng và hình ảnh người chiến sỹ ít nhiều có sự ảnh hưởng từ nguồn cội lịch sử quê hương. Anh luôn trăn trở với đề tài này với hi vọng có thể tiếp tục khơi dậy ở thế hệ trẻ hôm nay tình yêu đất nước và lòng tự hào, tiếp bước truyền thống cách mạng của quê hương.

Viết về đề tài chiến tranh, chàng lính trẻ đau đáu nỗi niềm: “Chinh chiến đã lùi xa hơn lũy tre cuối làng/bên chái bếp người mẹ già còn đợi/tóc dài mang nỗi buồn của mây…” (Khúc ca tháng Bảy).

Viết về sự hy sinh của những thanh niên xung phong trong lửa đạn, Trần Việt Hoàng xúc động nghẹn ngào: "Lược giờ chải tóc những ngọn núi/ mười ngôi mộ bồ kết rưng rưng/ con đường giấu tàn tích vào trong/ nắng Đồng Lộc hong ấm hồi ức/ cỏ thao thức bên miệng hố bom/ những non xanh lặng lẽ… (Viết ở Đồng Lộc).

Trong bài “Điểm tựa”, Việt Hoàng thổn thức trước khung cảnh nơi biên giới: “Ngô nghiêng mình ngả màu lên áo lính/ruộng bậc thang nhìn dấu chân người về/con đường lau lách mờ sương/gió mang hương biên giới/bản làng bảng lảng khói lam…”.

Tập thơ đầu tay “Ngày chưa sương vội” (NXB Hội Nhà văn) và trường ca “Bay phía mùa” (NXB Văn học) là những ấn phẩm tâm huyết của Việt Hoàng.

Viết về quê hương, về gia đình, Việt Hoàng đầy những suy tư: “đêm trắng/dấu nắng tàn heo hắt/quê nhà dáng mẹ chờ sương phơi lá/trăng đồng lạnh vỡ trên mặt nước/lũy tre chở che bao mái rạ hao gầy/mây trắng mang nỗi niềm người mẹ… (Những giọt sương rơi).

Hay đó là nỗi niềm “người đoái nhìn cố hương bằng ánh mắt/nặng trĩu niềm thương/sâu hoắm những đường cày đất bở/đất tươm tất như hoa bung nở/chờ những hạt mầm/đâm vào đất/để ngô biếc khoai xanh/dáng mẹ cha thành nét khắc của một bức tranh… (Tìm lại những đường cày).

Thơ của Trần Việt Hoàng như những làn gió nhẹ, thổi vào lòng người đọc những cảm xúc tinh khôi, trong trẻo. Đọc thơ của chàng lính ấy, người đọc cảm thấy như lạc vào một không gian nghệ thuật độc đáo, nơi những nỗi nhớ, niềm thương và dòng hoài niệm cứ thế nối tiếp nhau, tạo nên một bức tranh bình minh ấm áp.

Trong phần giới thiệu “Trang thơ Trần Việt Hoàng” (số 425, tháng 7/2024), Ban Biên tập Tạp chí Sông Hương nhận xét: “Những câu thơ của Trần Việt Hoàng như áng mây không ở lại mà điểm xuyết bóng mình trên dòng thời gian. Hình ảnh thơ là thế mạnh trong thơ Hoàng, soi thấy những giấc mơ hao gầy, chái bếp của mẹ, lũy tre sân nhà, mái rạ tẩm đầy nhớ thương, soi thấu “tiếng chuông vọng mòn đỉnh núi”. Hình ảnh bình dị, hồn nhiên, mang lại những thao thức như vệt bóng của tâm hồn đổ xuống bể chân như ở đó, “long lanh cũng biết cúi đầu”, mây trắng cũng thấy mình hư huyễn”.

Trong bài viết “Ra mắt Trường ca "Bay phía mùa" của Trần Việt Hoàng” đăng trên Báo Nhân dân (ngày 24/1/2025), nhà thơ Lữ Mai đã nhận xét: “Thẩm mỹ trong thơ Trần Việt Hoàng chứa đựng nhiều yếu tố nổi bật mà tinh tế. Hình ảnh: mây, sương, mưa, cỏ, hoa sen… trở đi trở lại ở từng sắc thái riêng, vừa gắn bó với hình tượng người lính, vừa mở ra suy tư về cuộc sống, nhân sinh. Đó là nét đặc trưng trong xây dựng không gian cảm xúc của tác giả. Những hình ảnh không đơn thuần miêu tả mà được đẩy lên thành biểu tượng sâu sắc, phản ánh nội tâm của con người, trung tâm là người lính trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất vẫn kiên cường”.

Dù viết về đề tài nào thì thơ của Việt Hoàng đều có nét đặc trưng riêng là sự thủ thỉ, nhẹ nhàng, như làn gió thoảng, như sương khói mong manh...

Trên hành trình thắp lửa đam mê văn chương, Trần Việt Hoàng đã gặt hái được những “trái ngọt” đầu mùa. Chùm thơ “Đêm thao trường” và “Ngày tưởng tượng” của anh đã vinh dự nhận giải thưởng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2023 do Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) trao tặng. Việt Hoàng cũng là một trong những tác giả tích cực, thường xuyên cộng tác với Báo Hà Tĩnh cuối tuần.

Tiếp nối thành công, chùm ba bài thơ “Mùa sen bên thành”, “Thăm lại”, “Khúc rừng” tiếp tục được Tạp chí Sông Hương trao giải thưởng “Tác phẩm hay năm 2024”. Những thành công bước đầu này chính là động lực to lớn để chàng lính trẻ với tâm hồn lãng mạn tiếp tục vững bước trên con đường nghệ thuật. Đặc biệt, tháng 11/2024, Việt Hoàng xuất bản tập thơ đầu tay “Ngày chưa sương vội” (NXB Hội Nhà văn). Tiếp đó, đầu tháng 1/2025, anh tiếp tục xuất bản trường ca “Bay phía mùa” (NXB Văn học).

Chia sẻ về dự định tương lai, Việt Hoàng cho biết: “Chừng nào tôi còn cảm nhận được những giá trị tinh thần mà văn chương mang lại thì chừng đó tôi vẫn còn có thể nỗ lực hết mình để sáng tạo nên tác phẩm của riêng tôi. Tôi vẫn tiếp tục bám sâu vào cội nguồn văn hóa quê hương để tìm lấy những “vỉa tầng” sáng tạo. Cạnh đó là trách nhiệm của một người viết trong lực lượng quân đội, tôi sẽ tiếp tục đi, khám phá, trải nghiệm để có thể có được những chất liệu “màu mỡ” cho những sáng tác mới, dày dặn hơn, ấn tượng hơn viết về người lính".

Video: Trần Việt Hoàng chia sẻ về những cảm xúc trong sáng tác.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói